Không thể kiểm soát
Triển vọng nguồn giống sạch bệnh trở nên rõ nét hơn vì trước đó, giống sắn KM94 được kỳ vọng có sức kháng bệnh cao. Tuy nhiên, thực tế triển khai các mô hình đều không đạt được kết quả mĩ mãn. Giống sắn HLS-11 có năng suất cao nhưng dễ nhiễm bệnh vẫn được nông dân sản xuất.
Ông Đỗ Văn Vấn - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) phía Nam (Cục BVTV) đánh giá, sau rất nhiều nỗ lực khống chế, cho tới xây dựng các mô hình quản lý dịch hại, dường như kết quả đều đi ngược lại. Tỷ lệ nhiễm bệnh nặng đã giảm xuống nhưng diện tích lây nhiễm cứ ngày càng lan rộng.
Theo Cục BVTV, tháng 3/2020, cả nước ghi nhận có 22 tỉnh, thành phố có sự xuất hiện và gây hại của bệnh khảm lá sắn, với diện tích nhiễm hơn 54.444ha Sang tháng 5, khảm lá sắn từ miền Nam đi ngược ra Bắc, lây lan tại 2 tỉnh Hòa Bình và Lào Cai.
Đến nay, cả nước có 24 tỉnh đã từng/đang bị nhiễm bệnh khảm lá, với diện tích gần 52.180ha, tăng gần 22.964ha so cùng kỳ.
"Viện sẽ tiếp tục phối hợp trong việc nghiên cứu chuyển gen kháng bệnh, tạo ra giống sạch bệnh để đưa vào sản xuất".
GS Lê Huy Hà
Từ lúc dịch bệnh xuất hiện tới nay, hầu hết các tỉnh đều thành lập ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá cũng như nhiều mô hình sản xuất bằng giống sắn sạch bệnh được xây dựng. Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn.
Tại Phú Yên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện 2 mô hình thâm canh giống sắn KM94. Kết quả là diện tích bị nhiễm bệnh chiếm khoảng 50%. So với các giống sắn khảo nghiệm, giống KM94 ít nhiễm bệnh hơn không thể chọn làm giống cho vụ sau.
Tại Quảng Ngãi, Công ty chế biến nông sản tỉnh Quảng Ngãi cũng hỗ trợ nông dân 1 tỷ đồng mua giống sắn trồng tại huyện Sơn Hà với diện tích 6.000ha. Tuy nhiên, do không kiểm soát được đầu vào nên vẫn bị bệnh gây hại. Còn tại Quảng Trị, mô hình theo dõi các vườn sắn tại HTX Tích Tường (thị xã Quảng Trị) bằng giống KM94 và KM140 có tỷ lệ nhiễm bệnh từ 30-90%, cục bộ 100%...
Những tín hiệu khả quan
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh:
Hoàn thiện quy trình cho các giống kháng bệnh
Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm khống chế dịch bệnh từ T.Ư đến địa phương, từ phòng nghiên cứu cho tới ngoài đồng ruộng. Tuy nhiên, áp lực phòng chống dịch bệnh rất lớn.
Giải pháp căn cơ nhất vẫn phải là có giống tuyệt đối kháng bệnh nên việc tìm ra được giống kháng bệnh là tin vui. Ngoài việc hoàn thiện các quy trình phòng trừ tổng hợp mang lại hiệu quả cao, các ngành, các viện, trung tâm cần sớm nghiên cứu hoàn thiện và nhân nhanh hai giống HN3, HN5. Tiến tới xây dựng quy trình trồng riêng, thực hiện trình diễn trên diện rộng phục vụ sản xuất.
Ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh: Doanh nghiệp phải chung trách nhiệm
Sắn là cây chủ lực của tỉnh Tây Ninh, giải quyết 15.000 việc làm cho lao động địa phương, đóng góp vào phát triển kinh tế và an ninh nông thôn. Trong lúc các nông sản khác như mía, cao su xuống giá thì thì cây sắn vẫn là lựa chọn tối ưu. Dù biết sắn nhiễm bệnh, nhưng vẫn có nguồn tiêu thụ ổn định nên nông dân chấp nhận "sống chung với lũ".
Không chỉ ngoài đồng, bệnh khảm lá còn khó kiểm soát trong chế biến. Tây Ninh chiếm phân nửa các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất chế biến sắn cả nước. Cho nên, một việc không kém phần quan trọng là chính các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm đồng hành cùng nông dân trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Minh (nông dân trồng sắn ở Tây Ninh): Cần nhân nhanh các giống kháng bệnh
Hom giống sắn không phải sản phẩm đóng bao nên rất khó quản lý được nguồn lây bệnh. Nông dân cứ trồng cây, rồi lại chặt cây làm hom giống để trồng lại. Hom giống nhiễm bệnh từ cánh đồng này qua cánh đồng khác, từ vụ này qua vụ khác là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lan rộng. Việc tìm ra được các dòng giống kháng bệnh, mà vẫn cho năng suất cao là tin vui với bà con trồng sắn. Hiện nay, không chỉ nguồn giống sắn sạch bệnh khan hiếm mà khâu quản lý giống nhiễm bệnh hiện cũng là vấn đề nan giải.
Nguyên Vỹ (ghi)
Ông Đỗ Văn Vấn cho biết, nỗ lực xây dựng mô hình phòng chống dịch bệnh thời gian qua thực tế không phải không mang lại kết quả. Đơn cử như 2 mô hình quản lý giống sắn sạch bệnh ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đang triển khai rất tốt việc quản lý bọ phấn, cây sắn không nhiễm bệnh.
Hai mô hình này sử dụng giống KM140 với diện tích là 70ha đã cho thu hoạch với năng suất đạt 25-30 tấn/ha, chữ bột củ sắn tươi đạt từ 27-28%, không bị nhiễm khảm lá. Mô hình đã có nguồn giống để lại cho vụ hè thu năm 2020 với diện tích hơn 300ha.
Hay như mô hình quản lý tổng hợp bệnh khảm lá do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Long Thành thực hiện đang mang lại nhiều hy vọng cho nông dân.
Ông Nguyễn Ngọc Phong (ở xã Bàu Cạn) kể, cây sắn khỏe mạnh sẽ đạt năng suất từ 27-30 tấn/ha, còn khi đã nhiễm bệnh, năng suất chỉ còn 10-15 tấn/ha, nông dân chỉ có lỗ vốn.
Khi bắt đầu thực hiện các bước kỹ thuật do cán bộ trung tâm hướng dẫn, ông cũng nghi ngờ tính khả thi của mô hình.
Trước đó, ông đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý nhưng không hiệu quả. Tuy nhiên, diện tích sắn 6 tháng tuổi của ông Phong đến nay vẫn phát triển xanh tốt, đậu nhiều củ. Trong khi đó, hàng loạt diện tích sắn của những hộ nông dân xung quanh bị bệnh khảm lá nặng.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Long Thành cho biết, 10ha sắn KM140 mà Trung tâm triển khai đã mang lại những tín hiệu lạc quan khi bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trung tâm sẽ nhân rộng mô hình này để đảm bảo triệt tiêu bệnh khảm lá, tăng năng suất, ổn định sản xuất cho bà con nông dân.
Thêm một tin vui nữa, GS Lê Huy Hà - nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam mới đây cho biết, kết quả khảo nghiệm hàng trăm dòng giống sắn đã thu được 8 dòng/giống kháng bệnh cao.
Quan trọng hơn, các dòng giống này vừa kháng bệnh lại vừa cho năng suất và tinh bột vượt trội (38-64 tấn/ha), tinh bột cao (26-30%) so với các giống đối chứng tốt nhất hiện trồng tại Tây Ninh (KM419 và KM140 khoảng 44 - 48 tấn/ha).
Đặc biệt trong đó có 1 dòng (C97) đạt cao ở cả 3 chỉ tiêu: Năng suất (54 tấn/ha), tinh bột (27,5%), kháng bệnh (100%). Trong số này, giống HN3 và HN5 được Viện Di truyền nông nghiệp xác định là 2 giống triển vọng nhất.
Theo GS Lê Huy Hà, 2 giống này cũng có nhược điểm là tính phân cành lớn nên mật độ trồng sẽ không cao, lượng tinh bột thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh các giống đều bị nhiễm khảm lá thì đây là giải pháp hiệu quả, tạo thêm lựa chọn cho người dân Tây Ninh và các vùng trồng sắn khác.
Nguyên Vỹ/https://danviet.vn/
https://danviet.vn/thap-lai-hy-vong-cho-nguoi-trong-san-tim-ra-bo-giong-khang-benh-kham-la-nang-suat-vuot-troi-20201125182612111.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;