Là đơn vị quản lý các công trình thủy lợi, Công ty TNHH MTV KTCTTL Gia Lai hàng năm đều đẩy mạnh triển khai thực hiện quy định về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
Bước vào mùa mưa năm 2021, công ty đã tiến hành tự thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn 12 hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa có tầm quan trọng như Ayun Hạ, Ia Mlah, Ia Ring. Theo đó, công ty thực hiện tổ chức vận hành thử các các hạng mục tràn xả lũ, cống lấy nước, chạy máy phát điện dự phòng... Đồng thời, kiểm tra đánh giá thiết bị điều khiển (hệ thống nâng hạ bằng Piston thủy lực, tủ điều khiển vận hành), các hiện tượng mất an toàn như: Hang động vật, tổ mối, hoạt động tiêu nước lăng trụ thoát nước hạ lưu đập...
Bên cạnh đó, công ty cũng kiểm tra, đánh giá đảm bảo an toàn hệ thống kênh và công trình trên kênh để có giải pháp khắc phục hư hỏng kịp thời đảm bảo vận hành an toàn cấp nước tưới vụ mùa 2021.
Đánh giá về kết quả thực hiện, ông Nguyễn Năng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Gia Lai cho biết, đến nay đơn vị đã bổ sung vật tư, công cụ, dụng cụ và sửa chữa phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai đầy đủ, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố. Trong khi đó, công tác thông tin liên lạc trong mùa mưa bão cũng đã được sửa chữa, thay thế thiết bị đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thuận lợi nhất.
“Chúng tôi thực hiện chế độ trực ban 24/24 giờ, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” và tăng cường phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương nhằm triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan trong mùa mưa lũ năm 2021”, ông Dũng thông tin.
Hiên nay, các công trình thủy lợi vừa và nhỏ do địa phương quản lý cũng đã tiến hành tổ chức rà soát, kiểm tra thực trạng an toàn đập, hồ chứa thủy lợi.
Tại huyện Chư Sê, ngoài hồ chứa Ia Ring và Ia Glai do Công ty TNHH MTV KTCTTL Gia Lai, hồ chứa Ia Pal do Công ty cà phê Gia Lai quản lý thì trên địa bàn huyện còn 37 công trình thủy lợi do các xã, thị trấn quản lý.
Ngay trước mùa mưa lũ, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT phối hợp các phòng, ban, triển khai tổ chức rà soát, kiểm tra thực trạng an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn. Qua kiểm tra, các hồ chứa và đập dâng về cơ bản đều đảm bảo an toàn.
Còn tại huyện Ia Grai cũng đang quản lý 22 công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Để đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ, đoàn liên ngành huyện Ia Grai cũng đã kiểm tra, đánh giá hiện trạng, bố trí kinh phí sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cùng với đó, huyện cũng đã nhắc nhở các công ty cà phê quản lý hồ thủy lợi đứng chân trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, bố trí kinh phí sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ngay khi bước vào mùa mưa lũ, Sở NN-PTNT Gia Lai đã thành lập hội đồng tư vấn tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đã có 71 công trình hồ chứa nước được tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn.
Theo đó, đối với các hồ chứa lớn, hầu hết đang vận hành bình thường, chưa có hư hỏng gây mất an toàn đập, một số hạng mục bị hư hỏng nhỏ đã được các chủ đập triển khai công tác sửa chữa kịp thời, đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, ở các hồ chứa vừa và nhỏ, tình trạng cây, bụi mọc trên mái đập và hành lang thoát lũ hầu như chưa được phát dọn, việc trồng cây lâu năm, đào ao hồ lấy nước trong phạm vi bảo vệ công trình còn xảy ra.
Các hư hỏng ở các hạng mục đầu mối vẫn chưa được sửa chữa kịp thời, tình trạng thấm qua vai đập, mái hạ lưu chưa được khắc phục sửa chữa; xuất hiện hiện tượng tổ mối ở một số đập nhỏ vẫn chưa được xử lý, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ sắp đến.
Liên quan đến năng lực đơn vị quản lý, các hồ chứa do các doanh nghiệp quản lý, khai thác không có cán bộ chuyên môn về thủy lợi, chưa thành lập tổ chức quản lý công trình, nên công tác quản lý vận hành chưa đáp ứng yêu cầu.
Về thực hiện quy định quản lý an toàn đập, ở các hồ chứa lớn thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, đối với các hồ chứa vừa và nhỏ, việc lập và phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa, lập phương án bảo vệ công trình, cắm mốc chỉ giới bảo vệ đập, hồ chứa nước... hầu hết chưa được thực hiện.
Trước những tồn tại chưa được khắc phục, ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đề nghị các chủ hồ, đập khẩn trương sửa chữa các công trình, hạng mục xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố trước mùa mưa, lũ, tránh để xảy ra sự cố mất an toàn cho vùng hạ du.
Bên cạnh đó, các đơn vị phải bảo đảm tuyệt đối không xảy ra bất cứ hành vi xâm phạm trái phép công trình, đặc biệt tại các vị trí điều khiển vận hành cửa van tràn xả lũ, cống lấy nước. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn công trình chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn hồ chứa.
Ngoài ra, các đơn vị cũng cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn để thực hiện phương án điều tiết nước phù hợp nhằm bảo đảm an toàn công trình để phục vụ sản xuất.
Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đầu tư xây dựng được 352 công trình thủy lợi, trong đó có 118 hồ chứa lớn nhỏ, 194 đập dâng và 40 trạm bơm; năng lực thiết kế các công trình thủy lợi tưới cho 67.411 ha cây trồng các loại, gồm 36.844 ha lúa, 30,567 ha rau, hoa màu, cây công nghiệp...
Tuấn Anh/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã