Nông sản rõ nguồn gốc, xuất xứ là lợi thế của các cửa hàng nông sản an toàn.
Ninh Bình: “Lợi ích kép” từ nông sản an toàn
Nắm bắt nhu cầu mua sắm ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, một vài năm trở lại đây các cửa hàng nông sản an toàn đã lần lượt hình thành, phát triển trên địa bàn tỉnh. Với hàng hóa, thực phẩm bày bán có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm, lại thuận tiện trong việc mua bán, các cửa hàng này đang được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn làm điểm mua sắm hàng ngày.
Theo anh Nguyễn Ngọc Tiên, chủ Cửa hàng Nông sản an toàn sông Vân (phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình): Mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 1 tạ rau, củ, quả. Đa phần trong số đó là nông sản từ các hợp tác xã, trang trại của nông dân trong tỉnh như: cà chua Mai Sơn (Yên Mô), rau, quả Khánh Thành (Yên Khánh), thịt dê Ninh Giang (Hoa Lư)… Đặc biệt, đây đều là các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đủ điều kiện an toàn, đủ điều kiện vệ sinh thú y nên được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Chỉ tính riêng từ sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, hiện trên địa bàn tỉnh đã có hơn 20 cửa hàng như Nông sản an toàn sông Vân đi vào hoạt động, trung bình mỗi huyện, thành phố có từ 1-3 cửa hàng. Đáng chú ý, tất cả các cửa hàng đều có thiết bị test nhanh sản phẩm khi có yêu cầu của khách, đồng thời liên tục mở rộng nhiều loại dịch vụ phục vụ những khách hàng bận rộn như: sơ chế sẵn thực phẩm, ship hàng tận nhà…
Lợi thế lớn nhất của hệ thống cửa hàng này là luôn có được nguồn hàng chất lượng, phong phú phục vụ nhu cầu của khách. Được biết, lợi thế này xuất phát từ việc Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã vận động thành lập 32 Hợp tác xã và 136 Tổ hợp tác chuyên ngành sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn; xây dựng 477 mô hình "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn".
Điển hình là mô hình chăn nuôi dê đủ điều kiện vệ sinh thú y, mô hình trồng trọt đủ điều kiện an toàn tại xã Yên Từ (Yên Mô) và xã Văn Phong (Nho Quan), mô hình giò chả đủ điều kiện sản xuất an toàn tại xã Lưu Phương (Kim Sơn), xã Khánh Thiện (Yên Khánh)...
Các hộ nông dân tham gia mô hình được tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm, công bố sản phẩm phù hợp quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ vay vốn. Một số mô hình còn được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ một phần nguyên liệu, vật tư, máy móc…
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh: Việc liên kết chặt chẽ giữa các cửa hàng nông sản an toàn (do tổ chức Hội hỗ trợ thành lập) với các trang trại, mô hình kể trên không những giúp ổn định nguồn hàng mà còn tiết kiệm được chi phí, thời gian vận chuyển nên hàng hóa luôn tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng. Ở chiều ngược lại, với những phản hồi tốt của khách hàng về chất lượng nông sản, cùng số lượng tiêu thụ ổn định, thậm chí ngày càng tăng ở chuỗi cửa hàng Nông sản đã phần nào khuyến khích bà con nông dân tích cực đầu tư sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm.
Có thể thấy, hệ thống cửa hàng nông sản an toàn đã và đang mang lại "lợi ích kép" cho cả khách hàng và người sản xuất khi đóng vai trò "cầu nối" đưa nông sản, thực phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh đến tay người tiêu dùng.
Mặt khác, kênh phân phối này cũng góp phần thúc đẩy người sản xuất (trực tiếp là các hộ nông dân trong tỉnh) đầu tư cải tiến chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh và bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại. Từ đó tạo chuyển biến quan trọng trong sản xuất, sử dụng thực phẩm sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ðây cũng là mô hình xúc tiến thương mại đối với nông sản rất phù hợp và hiệu quả trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Nam Định: Phát triển thương hiệu mạnh các sản phẩm nông nghiệp
Với mong muốn xây dựng và phát triển thương hiệu mạnh cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững, tăng thu nhập cho nông, ngư dân trong tỉnh, thời gian qua Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định đã xây dựng và thực hiện dự án: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định” dùng cho các sản phẩm nông nghiệp sạch của Hiệp hội.
Đồng chí Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định cho biết: Mục tiêu chung của dự án là tạo lập nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định” và xây dựng hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể, góp phần bảo vệ sức khỏe, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông, thủy sản trên thị trường.
Đồng thời, xác lập quyền sử dụng nhãn hiệu “Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định” dùng cho các sản phẩm nông sản, thủy sản và muối thực phẩm của các thành viên Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định; phát triển kênh thương mại nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm mang nhãn hiệu “Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định”; ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã tem QRCode gắn nhãn hiệu tập thể để quản lý sản xuất, quản lý bán hàng, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả cho sản phẩm của thành viên…
Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án cũng xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định” bám sát quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và có sự tham vấn, định hướng của các cấp chính quyền, qua đó giúp tăng tính phù hợp với thực tiễn và đặc thù của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch; quy chế kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu; quy chế cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu và Bộ nhận diện nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định”.
Ngoài ra, Ban quản lý dự án còn phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định xây dựng các chương trình giới thiệu, quảng bá các sản phẩm mang nhãn hiệu “Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định”; xây dựng wedsite giới thiệu sản phẩm, truyền thông các hoạt động bán hàng, xúc tiến thương mại và cung cấp các văn bản của Nhà nước về quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể và danh mục các sản phẩm nông sản, thủy sản và muối của Hiệp hội mang nhãn hiệu “Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định”.
Nhờ tích cực triển khai đồng bộ, khoa học, đúng quy trình trong quá trình xây dựng, tháng 4-2021 nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT khẳng định: Đây là bước tiến quan trọng của Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định nói riêng, tín hiệu tích cực cho ngành Nông nghiệp tỉnh nói chung, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững, tăng thu nhập cho nông, ngư dân trong tỉnh.
“Việc quản lý, sử dụng và kiểm soát quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được nâng cao giúp tăng khả năng cạnh tranh và tiêu thụ của các sản phẩm nông, thủy sản và muối của tỉnh trên thị trường. Từ đó tạo tâm lý, thói quen cho nông, ngư dân trong việc tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản sản phẩm”, bà Hoàng Thị Tố Nga cho hay.
Đến nay, cơ chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định” đã đi vào hoạt động. 35 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là thành viên Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định”, đồng nghĩa với việc sản phẩm nông, thủy sản và muối tiêu thụ trên thị trường sẽ được gắn tem, nhãn, bao bì và có hệ thống biển hiệu, quảng bá sản phẩm và bộ nhận diện thương hiệu đồng bộ, giúp cho các sản phẩm của Hiệp hội thuận lợi định vị trong tâm trí người tiêu dùng.
Quan tâm xây dựng bản quyền thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho nông sản Nam Định là bước đi cần thiết, kịp thời đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh nông sản trong thị trường toàn cầu hóa và chịu sự tác động to lớn bởi thương mại điện tử.
Hà Nội: Chú trọng nâng cấp sản phẩm OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những giải pháp phát huy nguồn lực, mở hướng mới cho sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Cùng với phân loại, xếp hạng sao cho sản phẩm đạt chất lượng, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang đẩy mạnh kết nối với các sở, ngành, doanh nghiệp… trong việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
Tính đến hết năm 2020, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng, công nhận được 1.054 sản phẩm, vượt kế hoạch thành phố giao, trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%), 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,4%), 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29%)… Chương trình OCOP của Hà Nội đã thu hút sự tham gia, đồng hành của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã, 101 hộ sản xuất, kinh doanh và đã giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động khu vực nông thôn.
Triển khai Chương trình OCOP năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu có khoảng 400 sản phẩm được xếp loại từ 3 sao trở lên và có 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao tham gia đánh giá, được phân hạng sản phẩm cấp quốc gia. Thời điểm hiện tại, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổng hợp đăng ký của 30/30 quận, huyện, thị xã triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 với 2.349 sản phẩm thuộc các nhóm ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, trang trí, ngành vải, may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng. Trong đó, năm 2021 có 547 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân loại.
Trước mắt, ngành Nông nghiệp thành phố sẽ tập trung đánh giá, phân hạng các sản phẩm trên cơ sở đăng ký tham gia Chương trình OCOP của các quận, huyện, thị xã, bảo đảm đúng tiêu chí, quy trình của bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Về “bài toán” nguồn lực, thành phố sẽ tạo cơ chế để cán bộ quản lý nhà nước trực tiếp tham gia điều hành Chương trình OCOP từ thành phố đến cấp xã và đại diện chủ thể có sản phẩm tiêu biểu, lợi thế… Khi dịch Covid-19 được khống chế, ngành Nông nghiệp sẽ kiến nghị thành phố tổ chức đoàn công tác đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố tiêu biểu trong triển khai Chương trình OCOP.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh liên kết để kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Trong năm 2021, thành phố phấn đấu có từ 30 đến 40 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn; đồng thời, hỗ trợ 1.054 sản phẩm của 255 chủ thể đã được phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng cấp thành phố tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Các cơ quan chức năng thành phố sẽ triển khai những công việc cần thiết để khi dịch Covid-19 được kiểm soát là có thể tổ chức giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); đồng thời tổ chức diễn đàn giao thương sản phẩm OCOP và hướng dẫn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Cùng với đó là tổ chức các sự kiện tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết hợp tư vấn giới thiệu và bán hàng... Mặt khác, ngành Nông nghiệp sẽ hỗ trợ các sản phẩm OCOP tham gia hội chợ do các ngành, hoặc các tỉnh, thành phố tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP Hà Nội với cả nước và quốc tế.
"Chú trọng nâng cấp sản phẩm OCOP, Hà Nội sẽ định hướng, khuyến khích các chủ thể đầu tư, ứng dụng thiết bị, khoa học kỹ thuật, công nghệ thế hệ mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, đồng thời bảo đảm tăng trưởng bền vững, an toàn môi trường sinh thái, vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó là hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP cấp thành phố về thiết kế nhãn hiệu, nhãn mác trên bao bì sản phẩm; tem sản phẩm… nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP đã được phân hạng sao cấp thành phố", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Chu Phú Mỹ nhấn mạnh./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã