Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh được Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh phê duyệt Kế hoạch triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt (gà lông màu) an toàn sinh học với quy mô 2.000 con (giống gà mía), thực hiện tại Thành phố Tây Ninh và Thị xã Hòa Thành, mỗi thị xã, thành phố 1.000 con.
Gà mía có nguồn gốc từ xã Phùng Hưng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Hà Tây, hiện nay thuộc xã Sơn Tây, Hà Nội. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, gà mía đã được chăn nuôi ở rất nhiều tỉnh thành khác nhau trên đất nước ta nhằm phục vụ nhu cầu, lợi ích của khách hàng. Đây là giống gà có chất lượng thịt thơm ngon, da giòn, mỡ dưới da ít và vô cùng thích hợp đối với các hình thức chăn thả tự nhiên. Việc triển khai mô hình nhằm lựa chọn các giống gà đặc sản từ các tỉnh khác về nuôi nhằm đa dạng hóa nguồn con giống trên địa bàn tỉnh, đồng thời, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học đến người chăn nuôi, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Theo đánh giá tại hộ ông Huỳnh Quý Phi, ở khu phố Ninh Thành, phường Ninh Sơn (TP. Tây Ninh), ông bắt đầu nuôi giống gà mía do Trung tâm Khuyến nông triển khai từ tháng 5/2020 với số lượng 500 con. Tham gia mô hình ông được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 50% giống và 30% vật tư; tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học có kiểm soát tốt dịch bệnh; hướng dẫn làm chuồng trại và áp dụng đệm lót sinh học trong suốt quá trình nuôi gà. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, kịp thời hướng dẫn và hỗ trợ tiêm phòng các loại vắc-xin ngừa bệnh cho gà theo đúng lịch tiêm phòng, giúp đàn gà khỏe mạnh, tỷ lệ nuôi sống cao. Do sử dụng đệm lót sinh học nên chuồng trại không có mùi hôi.
Qua theo dõi, giống gà mía này phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương, tốc độ sinh trưởng, phát triển cũng như tỷ lệ sống của gà đạt rất tốt. Hiện trọng lượng bình quân đạt khoảng 1,7 kg/con, đã vượt so yêu cầu ban đầu đề ra (yêu cầu của mô hình trong 3 tháng đạt khoảng 1,6 kg/con).
Nếu tính trọng lượng bình quân khoảng 1,8 kg/con với thời gian nuôi 3,5 tháng, giá bán bình quân 80.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các chi phí và tỷ lệ hao hụt 1% thì lợi nhuận tổng đàn của gia đình ông Phi vào khoảng 25 triệu đồng. Toàn bộ số gà được nuôi trong trang trại của ông Phi đã được một đại lý ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành cam kết bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Ông Phi dự định xây dựng thêm một chuồng trại với diện tích khoảng 140 m2, quy mô nuôi khoảng 500 con gà bố mẹ để nhân giống nhằm giảm giá thành chăn nuôi, tăng lợi nhuận.
Thông qua việc thực hiện mô hình, nông dân thực hiện được cán bộ khuyến nông hướng dẫn ghi sổ nhật ký mô hình, trong đó ghi chép đầy đủ quá trình chăn nuôi, sử dụng thức ăn, thuốc thú y cũng như các sản phẩm khác, bảo đảm khi thu hoạch thì sản phẩm đạt chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, hướng tới việc sản xuất theo quy trình VietGAHP.
Có thể nói đây mô hình bước đầu đem lại hiệu quả cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đa dạng hóa các sản phẩm trong chăn nuôi, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Trần Thế Minh - Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã