Học tập đạo đức HCM

Thượng khách ở Bằng Tường

Thứ bảy - 19/06/2021 03:52
Chuyến tác nghiệp ở Bằng Tường khiến chúng tôi thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận về vấn đề nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đèn trang trí ở Bằng Tường mô phỏng trái măng cụt Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

Đèn trang trí ở Bằng Tường mô phỏng trái măng cụt Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

I.

Tháng 9/2019, trước tình trạng nông sản ùn tắc tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), vấn đề nan giải trong nhiều năm, Ban Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cử tôi và Võ Văn Việt, phóng viên giỏi tiếng Trung Quốc nhất tòa soạn sang bên kia biên giới để nắm bắt thông tin.

Điểm đến là Bằng Tường, thị xã thuộc khu Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, thủ phủ hoa quả, nông sản lớn bậc nhất của xứ sở Trung Hoa, điểm đến của phần lớn nông sản khu vực Đông Nam Á, châu Âu, châu Úc, châu Mỹ… Bằng Tường là khu tự trị của người Choang, phía Bắc giáp Long Châu, phía Nam giáp với tỉnh Lạng Sơn.

Trước lúc lên đường, những gì chúng tôi nghĩ về phía bên kia biên giới là những vụ nông sản được mùa mất giá, những sự chèn ép, những chiêu trò nhằm hạ thấp giá trị nông sản Việt Nam, cho nên tâm lý ban đầu anh em đặt ra mục tiêu là bằng mọi giá phải tìm hiểu xem những chiêu trò đó là gì.

Thế mà mục tiêu đó bắt đầu lung lay ngay khi mới đặt chân lên phần đất Bằng Tường, khi Lăng Tinh Cương, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc - Đông Nam Á khu vực Bằng Tường cùng với hai người nữa đón chúng tôi ở biên giới. Chu đáo và trịnh trọng, hoàn toàn không thấy bóng dáng “thương lái Trung Quốc” như chúng tôi vốn hình dung.

Bản thân Lăng Tinh Cương đã nhiều lần đến Hà Nội. Lần nào cũng vậy, ông ta tha thiết mời chúng tôi qua Bằng Tường để hiểu hơn về một trong những thị trường nông sản lớn của Việt Nam. Khi nhận được thông tin từ Báo Nông nghiệp Việt Nam, họ Lăng nói bản thân mình dừng hết các cuộc gặp gỡ khác để cùng với Hứa Tiểu Xuyên, Thư ký Hiệp hội và Hoàng Nhuận Vỹ công tác ở Phòng xúc tiến Thương mại văn hóa Trung – Việt, cơ quan thuộc thị xã Bằng Tường đón tiếp các nhà báo Việt Nam.

Con đường từ Cửa khẩu Hữu Nghị đến thị xã Bằng Tường có tên là Nam Hữu, người bạn phương Nam, sự thân thiện được thể hiện từ những điều tưởng chừng rất đơn giản. Dọc hai bên con đường ấy, những bóng đèn đường được tạo hình trang trí mô phỏng quả sầu riêng và măng cụt, những loại quả từ Việt Nam rất được người Trung Quốc ưa chuộng.

Đi sâu hơn nữa vào thị xã Bằng Tường, những phố, những đường, đâu đâu cũng là bóng đèn măng cụt, sầu riêng và nhiều loại hoa quả khác. Lăng Tinh Cương nói đó là chủ trương của chính quyền thành phố nhằm bày tỏ sự trân trọng đặc biệt đối với các loại hoa quả mà người Trung Quốc không có. Đó là một sự ghi nhận không cần giấu giếm khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ xen lẫn niềm tự hào.

Thái độ trân trọng còn được tỏ rõ trong bữa cơm Lăng Tinh Cương và những người bạn của ông tiếp đón. Canh gà hầm thuốc bắc, vịt quay Bắc Kinh, trứng bách nhật, đậu hũ sốt Tứ Xuyên… Món tráng miệng là thanh long và mít, những loại hoa quả khác từ Việt Nam mà người Trung đặc biệt yêu thích.

Đã từ lâu chúng tôi mong muốn truyền thông, các nhà báo Việt Nam đến Bằng Tường để cảm nhận chúng tôi trân trọng nông sản của các bạn như thế nào, cũng là để chúng tôi được nói tiếng nói của những người tiêu thụ, những khách hàng của các bạn. Mục đích chính không chỉ là nhìn nhận khách quan mà phải cùng nhau thay đổi, hướng đến sự hợp tác bền vững, lâu dài. Từ trên xe cho đến tại bàn ăn, Lăng Tinh Cương nhiều lần nói như thế, một lời lý giải việc vì sao chúng tôi lại được đón tiếp trọng thị đến vậy.

Thông điệp từ Bằng Tường là rất rõ. Đã qua rồi cái thời làm ăn thủ đoạn, mánh lới, chộp giật, bây giờ phải cùng nhau hướng đến sự minh bạch và tử tế. Sau bữa ăn, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc – Đông Nam Á dẫn chúng tôi đi thị sát khắp thị xã Bằng Tường nhằm chứng minh phía họ đã và đang rất quyết liệt để hướng đến mục tiêu này.

Họ Lăng kể, nhiều năm trước Bằng Tường đã là thủ phủ tiêu thụ nông sản Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nên không thể tránh khỏi những sự nhốn nháo, tiêu cực. Thực trạng xã hội đen bảo kê, tranh giành mối lái làm ăn, chèn ép khách hàng và cả những thủ đoạn bơm hóa chất vào nông sản. Có tình trạng nông sản Việt Nam đến cửa khẩu bị trả về. Có tình trạng thương lái Trung Quốc đánh quả từ những phi vụ móc nối với đầu nậu phía Việt Nam. Tất cả đều bắt nguồn từ sự làm ăn không tử tế.

Độ mấy năm nay, chính quyền Bằng Tường đã cùng với các tổ chức buôn bán nông sản vào cuộc cực kỳ quyết liệt. Từ trung tâm thành phố đến các chợ đầu mối, trung tâm thương mại đâu cũng là băng rôn, khẩu hiệu ghi bằng cả tiếng Trung lẫn tiếng Việt với nội dung: Đi sâu triển khai đấu tranh chuyên môn xóa bỏ thế lực đen tối ác ôn, duy trì hài hòa ổn định của khu vực biên giới. Đi kèm là số điện thoại đường dây nóng của cơ quan chức năng, bất cứ ai cũng có thể tố giác nếu gặp phải những vấn đề tiêu cực.

Chiến dịch đó bắt đầu từ Chợ hoa quả Bằng Tường rộng hơn 25ha là đầu mối các mặt hàng nông sản cho đến khu vực chuẩn bị xây dựng khu Trung tâm thương mại tự do Bằng Tường. Thời gian tới hoa quả, hàng nông sản Việt Nam sang đây sẽ rất thuận lợi.

Chúng tôi đọc được trong suy nghĩ của Lăng Tinh Cương rằng chính quyền chúng tôi và các Hiệp hội hoa quả nông sản, các doanh nghiệp chân chính của chúng tôi đang tích cực đấu tranh đối với những hành vi gây ảnh hưởng đến vấn đề xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang. Vấn đề còn lại là từ phía các bạn, nếu các bạn chuẩn chỉ thì nông sản các bạn sẽ đường rộng thênh thang đi vào thị trường Trung Quốc.

Lăng Tinh Cương còn kể một câu chuyện mà chúng tôi biết không phải xã giao. Rằng, ông ta đã đi rất nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, khi họ Lăng kể với bạn hàng của mình về hoa quả ở Việt Nam ai cũng phải thốt lên đầy ghen tị: Tại sao lại có một đất nước được thiên nhiêu ưu đãi tuyệt vời đến như vậy? Và vì sao họ lại chưa trở nên giàu có với những ưu đãi đó?

Thời điểm chúng tôi đến Bằng Tường, đã có 9 loại hoa quả Việt Nam đi theo đường chính ngạch sang Trung Quốc bao gồm: Xoài, nhãn, chuối, dưa hấu, chôm chôm, vải, mít, thanh long và măng cụt. Sầu riêng cũng đang hoàn thiện những thủ tục cần thiết để đến đây.

Hứa Tiểu Xuyên, người có nhiều lần thăm thú những vùng trái cây nổi tiếng ở Việt Nam đã tỏ ra tiếc rẻ: Chúng tôi thống kê khoảng 60% hoa quả ở Bằng Tường đến từ Việt Nam. Tuy nhiên đây vẫn còn là con số ít ỏi nếu so với tiềm năng của các bạn. Với người Trung Quốc chúng tôi, hoa quả Việt Nam luôn là số một.

Các doanh nghiệp trong Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc – Đông Nam Á cũng đã tính toán, gần như tất cả các loại hoa quả mà Việt Nam đang có đều có thể đi vào thị trường có tới hơn 1,4 tỷ dân. Hoa quả Việt Nam chỉ cần giữ được chất lượng quả đúng thời điểm thu hoạch và cải thiện khả năng đóng gói thì cả thế giới phải nhìn vào chứ không riêng gì người Trung Quốc.

Cho nên vấn đề là Chính phủ hai bên cần phải có các giải pháp kỹ thuật, biện pháp thuế quan thuận lợi và nhận thức của chính quyền và người nông dân phía các bạn phải thay đổi để hoàn thiện hơn nữa sản phẩm của mình. Hứa Tiểu Xuyên nói, thỉnh thoảng gọi tên nhiều loại quả Việt Nam bằng tiếng Việt.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam và ông Lăng Tinh Cương. Ảnh: Hoàng Anh.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam và ông Lăng Tinh Cương. Ảnh: Hoàng Anh.

II.

Chợ hoa quả Bằng Tường có rất nhiều người Việt. Một số kinh doanh buôn bán, một số làm cửu vạn. Khác với nhiều khu chợ ở Việt Nam, từ tiểu thương lẫn ban quản lý khu chợ Bằng Tường sẵn sàng ngồi với nhà báo, rạch ròi từng câu chuyện được và chưa được từ hoạt động buôn bán nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Trần Mỹ Linh, một chủ ki ốt bán hoa quả Việt Nam ở chợ Bằng Tường nói: Người Trung Quốc họ rất ưa chuộng hoa quả Việt Nam mình, nhưng nói thật là mình chưa biết cách làm tăng giá trị sản phẩm. Ví dụ như quả mít chẳng hạn. Người Việt mình cứ lấy giấy báo với bìa các tông bọc lại cho có mà không biết cách đóng gói bao bì cho mẫu mã đẹp hơn. Cùng một quả mít đó vào chợ Bằng Tường, chỉ thêm công đoạn đóng bao bì sản phẩm để chuyển sâu hơn vào khu vực nội địa nhiều khi đã tăng giá lên gấp 4 - 5 lần.

Mặt khác, dân mình dường như còn chưa biết cách để thu hoạch đúng thời điểm. Như quả thanh long, người Trung Quốc thích thanh long Việt Nam vô cùng, nhưng có thời điểm họ chê thanh long các bạn mới chín độ khoảng 50% đã vội bán rồi, ăn không ngọt. Sầu riêng nữa, thứ quả lưu lại nhớ thương nhưng thu hoạch, bảo quản kiểu gì mà có lúc ăn không khác gì bánh bao.

Nói những điều này không phải để chỉ trích gì nhau, không phải để mà tự ái, thực tâm thế giới họ đã thay đổi nên đòi hỏi chúng ta cũng phải thay đổi, không có cách nào khác.

Những ngày tác nghiệp ở Bằng Tường chúng tôi vẫn bắt gặp cảnh cai cửu vạn người Việt chèn ép thương lái người Việt, cảnh bến bãi ở khu vực biên giới thu những khoản vô lý đối với mặt hàng được kêu gọi ưu tiên là nông sản. Đấy là chưa kể theo tính toán của những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đi Trung Quốc, một chuyến hàng từ các tỉnh Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long sang Trung Quốc phải gánh chịu vô số các khoản chi. Từ ruộng dưa ở Quảng Ngãi sang đến Pò Chài, Trung Quốc, tính cả lượt đi lẫn về tốn khoảng 30 triệu.

Thang Thành Vĩ, Chủ tịch Hội hoa quả quốc tế Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc chia sẻ với chúng tôi, hoa quả Việt Nam ngon lắm, cực kỳ ngon, nhưng mà thương lái Việt Nam chơi ‘chiêu trò’ ghê quá, ép chúng tôi không thở nổi.

Ông Thang là Hoa kiều, sinh ra và lớn lên tại Tiên Yên, Quảng Ninh. Năm 1978, ông cùng gia đình quay về Trung Quốc. Người đàn ông này đã 30 năm lăn lộn trong thị trường nhập khẩu hoa quả Việt Nam, được thương nhân cùng ngạch của ở hai bên biên giới xưng tụng là “vạn sự thông”, hàm ý chuyện gì cũng biết.

Thông thạo tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Pạc Và (phương ngữ của dân Quảng Đông, Quảng Tây và Hong Kong), lại có vợ thành thạo tiếng Anh, ông Thang kể đã đi hết 10 nước ASEAN, nhận ra một điều: “Nói về cái ‘chất’ của hoa quả, thì Việt Nam là số một, do được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, vấn đề còn lại chỉ là sự chuẩn chỉ, đàng hoàng nữa thôi”.

Thang kể, bản thân ông ta biết nhiều thương lái Trung Quốc từng tán gia bại sản vì nhập phải “dưa hấu bơm nước” từ Việt Nam. Thương lái mua hàng chục container về, chở đi miền bắc Trung Quốc để bán, xe chạy đến ngày thứ 2 thì toàn bộ dưa thối hết do trước đó được bơm nước để tăng trọng lượng. Cả chuyến hàng mất trắng, bán hết nhà cửa đi trả nợ. Có người không trả nổi phải đi trốn.

Đó đều là hậu quả của những mánh lới làm ăn theo kiểu thủ đoạn. Tất nhiên cũng có tình trạng thương lái Trung Quốc sang Việt Nam dạy cho các chủ buôn người Việt các thủ thuật như làm mỏng vỏ nhãn, làm nặng long nhãn, làm nặng lạc, làm mới thanh long, dưa hấu…

Có những vụ long nhãn bao nhiêu thương lái Trung Quốc cũng mua. Thậm chí bọn họ còn chỉ cho chủ buôn Việt Nam cách tăng trọng lượng bằng việc trộn bột sắn hòa với nước đường sau đó rưới lên long nhãn. Cứ 1 tấn long nhãn pha trộn kiểu đó sẽ tăng thêm được 1 tạ.

Nhưng thương lái Trung Quốc cũng rất khôn, chỉ làm 1 - 2 vụ như thế, ăn đủ rồi trốn biệt. Đến vụ thứ 3, vẫn những cách thức lưu manh như thế, chủ buôn Việt Nam dồn hết bạc tiền, vay mượn cả lãi ngày để vào hàng thì thương lái Trung Quốc không mua nữa, thế là phá sản.

Cũng may là với sự vào cuộc quyết liệt từ phía chính quyền Bằng Tường cũng như vai trò của các hiệp hội, doanh nghiệp ở đây tình trạng đó đã giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, cả Lăng Tinh Cương, Thang Thành Vỹ và những doanh nghiệp, thương lái chúng tôi gặp đều khẳng định, để làm được triệt để rất cần sự thay đổi và chung tay từ phía Việt Nam.

Lúc chia tay, Lăng Tinh Cương trịnh trọng thay mặt chính quyền thị xã Bằng Tường tặng các nhà báo Việt Nam hai túi quà. Đó là những gói trà nhập từ vùng Suối Giàng, tỉnh Yên Bái. Chính vị Chủ tịch Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc - Đông Nam Á tiết lộ rằng ông ta đang bán những gói trà ấy vào nội địa cao hơn so với giá nhập khoảng 5 lần. "Tôi chỉ thêm mỗi việc là đóng gói sản phẩm của Việt Nam thành những túi quà tặng trông sang hơn, đẹp hơn mà thôi", họ Lăng nói.

Hoàng Anh - Văn Việt/https://nongnghiep.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập152
  • Hôm nay38,433
  • Tháng hiện tại54,773
  • Tổng lượt truy cập88,733,107
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây