Học tập đạo đức HCM

Tin Tây Nguyên: Nông trại công nghệ cao “sạch” từ A – Z

Thứ tư - 08/07/2020 11:02
“Sạch” từ trồng đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến… là những gì bà con huyện Đắk Hà đang thực hiện, để xây dựng một nông trại hữu cơ hoàn chỉnh

Sản xuất từ cái tâm, cho ra sản phẩm bằng cả tấm lòng, là hướng đi của HTX công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm, để đưa ra thị trường các loại trái cây, cà phê sạch.

c-fe-3331.jpg
 

 Cà phê nhân của Hợp tác xã được phơi cẩn thận trên bạt. Ảnh: TH

Trên chân đất cằn cỗi, và những vườn cao su hết chu kỳ khai thác, đất trồng mì bạc màu…mấy năm qua, các xã viên  HTX Nông nghiệp Bắc Tây Nguyên Farm đã cần mẫn gầy dựng, vun trồng để trở thành trang trại cây ăn trái tổng hợp với diện tích 16 ha

Trong đó có: 10ha chuối; 6 ha cam, quýt, mít Thái Lan, bơ, sầu riêng…. Tất cả đều bắt đầu cho lứa quả đầu tiên, năng suất cao, chất lượng tốt và được thị trường đón nhận.

Cùng đi với Giám đốc HTX Bùi Thị Thúy, chúng tôi thoả sức ngắm nhìn các loại cây trĩu quả. Đầu tiên là chuối tiêu hồng đang kỳ thu hoạch, rồi đến chuối tây Thái Lan cho lứa quả thứ 2.

Bên hông nhà là vườn cây ăn quả với đủ loại: mít, sầu riêng, bơ được trồng sát hàng rào. Giữa vườn là cam, quýt, táo…cây nào quả cũng dày đặc, trĩu cành.

Chị Thúy chia sẻ: Tiền thân HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm, là Tổ hợp tác, với mấy anh em cùng khát vọng sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi sản phẩm hữu cơ góp vốn cùng làm.

Mỗi loại cây đều có một câu chuyện riêng, chứa đựng công sức và hy vọng của mỗi thành viên HTX. Ví như vườn chuối được hình thành sau rất nhiều trăn trở, vì đây là đất đi thuê, thời hạn chỉ 5 năm, nên đầu tư cây gì để nhanh thu, ít vốn, dễ tiêu thụ là cả một vấn đề…

Cuối cùng chọn cây chuối, loại cây khá dễ trồng, đầu tư không lớn lắm, nhanh được thu, và nhất là thị trường tiêu thụ thuận lợi. Còn các cây khác, chúng tôi đều chọn giống chất lượng cao, trồng trong vườn nhà. Bởi các cây này cần thời gian sinh trưởng, phát triển và thu hoạch dài lâu. Do vốn khá lớn, nên anh em trong HTX cứ làm từng bước, lúc vài trăm cây quýt, lúc vài chục cây bơ, khi thì mươi cây sầu riêng… có đến đâu làm đến đó, nay đã được hơn 6ha.

"Thời gian trước khá vất vả, tốn kém, nhưng giờ thì sắp lấy lại được vốn, và chẳng bao lâu nữa thì thu lời” – chị Thúy trải lòng.

Xác định làm nông nghiệp hiện đại, phải ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, mới có thương hiệu và dễ bán, nên toàn bộ 16ha cây ăn quả đều được đầu tư theo quy trình VietGAP, đảm bảo sạch, an toàn từ chăm sóc đến thu hái, bảo quản.

Hệ thống tưới nước được áp dụng công nghệ tiên tiến, tự động; chỉ dùng phân hữu cơ do HTX tự ủ, không dùng phân hóa học, chỉ dùng thuốc trừ sâu sinh học…

 Vì vậy, các loại trái cây của HTX sản xuất ra, được thị trường đón nhận. Hiện, toàn bộ sản phẩm chuối tiêu hồng, chuối tây Thái Lan đã được các doanh nghiệp ký kết, bao tiêu sản phẩm với giá 7.000 đồng/kg, năng suất trung bình 600 tấn/năm, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng.

Các loại trái cây khác do sản lượng còn ít, nên chỉ đủ cung cấp cho các thương lái.

Với nông dân Đăk Hà, cà phê là cây chủ lực, quen thuộc và cũng là cây  được HTX Bắc Tây Nguyên Farm chú trọng. Song, khác với sản xuất đại trà, việc làm ra hạt cà phê được thực hiện theo quy trình hiện đại hơn, năng suất, chất lượng cao.

Tiếp khách với ly cà phê buổi sáng, chị Thúy giãi bày: Một ly cà phê thơm ngon, chính là những quả cà phê chín đều khi hái, chọn lọc kỹ càng, chế biến công phu…

Từ đó, 8 thành viên HTX cùng sản xuất VietGAP, chế biến sản phẩm bằng công nghệ ướt.

Theo chị Thúy, điều tạo nên hương vị cà phê riêng của HTX là sử dụng công nghệ chế biến ướt. Cà phê hái về, được chế biến ngay, không ủ đống, vì sẽ làm quả lên men, giảm chất lượng.

Đầu tiên, được đưa vào bể rửa, sàng lọc quả hư, loại bỏ quả xanh, sau đó, đưa qua máy trượt vỏ trấu bên ngoài, nhưng vẫn giữ được lớp vỏ lụa. Sơ chế xong phơi khô, phân loại theo kích cỡ, lúc rang xay mới bóc vỏ lụa. Do vậy, bột cà phê nhân rang xay nguyên chất 100%,  giữ được hương thơm đặc trưng.

Diện tích cà phê của HTX không nhiều, hơn 10ha. Song, họ không chú trọng diện rộng, mà chú tâm chiều sâu, để có loại cà phê thực sự tốt cho người dùng.

Các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt việc ghi chép cách chăm sóc, sử dụng phân hữu cơ, phun thuốc trừ sâu sinh học, và bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch...

Vì thế, mỗi hạt cà phê được tạo ra bằng cả cái tâm của người trồng. Hiện, cà phê rang xay của HTX được tiêu thụ ở một số thị trường như Hà Nội, Đà Nẵng, T.p Hồ Chí Minh…

Hiện, HTX đang đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận là sản phẩm OCOP, để có cơ hội đưa sản phẩm ra thị trường rộng lớn hơn.

Nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đúng, phù hợp tiến trình phát triển, nhưng cũng đầy nhọc nhằn, chỉ những người thực sự tâm huyết và quyết tâm mới thành công.

Thương hiệu cho cây hồng Đà Lạt

Hồng là trái cây ôn đới nổi tiếng của Đà Lạt vừa được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Hồng Đà Lạt”. Sau nhiều chìm nổi, nay đã tìm thấy vị thế xứng đáng. 

hong-66.jpg

Hồng sấy gió, đặc sản Đà Lạt

Tập trung ở Đà Lạt và vùng D’Ran (Đơn Dương). Thời thịnh vượng, cây hồng giúp người dân làm giàu, giá rất cao.

Song, do chín trong thời gian ngắn, tiêu thụ nội địa không hết, sụt giá nghiêm trọng. Nông dân buông dần, không chăm sóc, diện tích giảm, cây còi cọc, năng suất thấp. 

Cho tới khi  có hợp tác giữa Đà Lạt với Nhật Bản (JICA), một “luồng gió” mới đã đến với cây hồng.

Năm 2010, hợp tác Đà Lạt - JICA đã giúp cây hồng hồi sinh. Tới mùa, những dây hồng treo gió vàng rực, giúp nông dân kéo dài thời gian tiêu thụ.

Hồng Đà Lạt không chỉ ăn trái tươi, mà còn sấy gió theo công nghệ Nhật Bản mềm, dẻo, vị ngọt nguyên bản của hồng cao nguyên. 

Hồng lên giá, diện tích được khôi phục, những giống hồng nổi tiếng như hồng vuông Đồng, hồng Tám Hải, hồng Trứng… được nhân rộng.

Hiện, hồng Đà Lạt đạt 370 ha, hầu hết trồng xen trong cà phê. Mỗi vụ,  trên 4 ngàn tấn hồng tươi, và 450 tấn sấy điện, sấy gió.

Giá trung bình 10-12 ngàn đồng/kg, cuối mùa 30 ngàn đồng/kg, cây hồng đang mang lại nguồn thu cho nông dân, bên cạnh cây cà phê truyền thống. Vì vậy, diện tích hồng ngày càng  mở rộng, với  giống chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND T.p Đà Lạt chia sẻ, cây hồng vẫn còn sức ép. Việc nghiên cứu, ứng dụng KHKT chưa nhiều, nông dân vẫn trồng, chế biến theo kinh nghiệm cũ. Ngoài ra, còn bị ảnh hưởng bởi hồng nhập ngoại gắn mác “hồng Đà Lạt”.

Ông Sơn cho biết: “Đà Lạt quyết tâm xây dựng thương hiệu cho cây hồng, và bảo vệ danh tiếng của loại trái đặc thù này. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng nông dân, hỗ trợ bà con kỹ thuật, chăm sóc, thay đổi giống và  xúc tiến thương mại.

Hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết, từ cây trong vườn tới trái sấy, đến người tiêu dùng là ưu tiên của Đà Lạt”.

Gia Lai: Chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu

Tại huyện Kbang, sâu keo mùa thu hại bắp đã xuất hiện trở lại. Để chủ động phòng trừ, hạn chế lây lan, địa phương đã triển khai các biện pháp phù hợp.

sau-99.png
 

 Người dân phun thuốc phòng trừ sâu keo hại bắp. Ảnh: L.N

Sâu keo mùa thu là loại sâu đa thực, có thể gây hại trên 300 loại cây trồng, đặc biệt là bắp. Thường hoạt động về đêm, sâu ăn lá non, hoặc chui vào nõn cây cắn phá, phá hủy khả năng phát triển của cây. Đặc biệt, sâu keo mùa thu có tốc độ sinh sản rất nhanh. 

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Kbang, vụ mùa 2020, toàn huyện đã xuống giống hơn 1.309 ha bắp. Song, hiện đã có gần 76 ha bắp bị sâu keo mùa thu gây hại.

Trong đó, xã Lơ Ku có diện tích bắp bị ảnh hưởng nhiều nhất 30 ha, tiếp theo  xã Krong (15 ha), thị trấn Kbang (11 ha), xã Đak Smar (7 ha), xã Kông Lơng Khơng (gần 6 ha), xã Nghĩa An (4 ha), xã Tơ Tung (3 ha). 

Ngay sau khi phát hiện sâu keo cơ quan chuyên môn huyện đã cử cán bộ xuống các địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ. Đến nay, đã cơ bản phục hồi được 68 ha bắp. 

Có hơn 1 ha bắp bị sâu keo mùa thu gây hại, ông Đinh Văn Líp (làng Dơng, xã Kông Lơng Khơng) cho biết: “Vụ này, tôi trồng giống bắp Bioseed. Khi cây lên được 2-3 cặp lá, thì thấy xuất hiện sâu keo mùa thu.

Được cán bộ chuyên môn của huyện hướng dẫn, tôi đã phun thuốc 3 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày. Hiện, khoảng 60-70% diện tích bắp đã phục hồi”. 

Ông Đoàn Huy Thanh (tổ 2, thị trấn Kbang) cho hay: “Tôi trồng hơn 6 sào bắp. Do phát hiện sâu keo mùa thu muộn, khi cây đã được 7-9 cặp lá nên việc phun thuốc chỉ đạt 40-50%”.

Chủ tịch UBND xã Krong Đỗ Công Trúc cho biết: Ngay sau khi các làng báo cáo tình trạng sâu keo mùa thu hại bắp, xã đã chỉ đạo cán bộ địa chính-nông nghiệp, phối hợp với trưởng thôn kiểm tra từng khu vực và tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng trừ.

Theo đó, xã đã hướng dẫn bà con kỹ thuật phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng cách) để đạt hiệu quả cao nhất. Hiện, tình trạng sâu keo hại bắp đã cơ bản được xử lý.

Bà Trần Thị Mai-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Kbang-cho biết: Năm trước, toàn huyện có hơn 495 ha bắp bị sâu keo mùa thu gây hại. Do đó, Trung tâm đã tổ chức 11 lớp tập huấn, tại tất cả các xã trồng bắp, để hướng dẫn bà con phòng trừ. 

Năm nay, Trung tâm tiếp tục gửi cảnh báo về sâu bệnh hại đến các địa phương để tuyên truyền cho người dân, và hướng dẫn sử dụng giống kháng bệnh, áp dụng phương pháp xử lý khi sâu keo. Nhờ vậy, người dân đã cơ bản biết cách phòng trừ, hạn chế lan ra diện rộng.

Hiện, Trung tâm đã khuyến cáo người dân nên sử dụng các giống biến đổi gen như: C.P.501S, NK4300Bt/Gt. Ngoài ra, phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng ngay sau khi xuống giống được 7-10 ngày.

Khi xuất hiện sâu keo mùa thu, cần phun thuốc đồng loạt, khi sâu còn nhỏ với các loại thuốc: Angun 5WG+Virtako 40WG, Karate 2.5EC+Selecron 500EC, Radiante 60SC... Phun thuốc gần cuối buổi chiều là tốt nhất, phun kép 2-3 lần cách nhau 5-7 ngày và phun hướng vào nõn cây bắp.

 An Như (Tổng hợp)/ https://kinhtenongthon.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập121
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm118
  • Hôm nay40,182
  • Tháng hiện tại1,052,118
  • Tổng lượt truy cập92,225,847
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây