Xác định phát triển kinh tế trang trại là hướng đi chính, ông Khanh luôn tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, biết cách làm giàu.
Là hộ đầu tiên ở thôn Hổ Lao mạnh dạn khai hoang đất đồi để phát triển kinh tế trang trại, lúc đầu ông chăn nuôi lợn và trồng quýt, cam Vinh, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Năm 2019, khi dịch tả lợn Châu phi bùng phát, trang trại lợn của gia đình ông bị ảnh hưởng không nhỏ. Tháng 7/2019, ông Khanh quyết định chuyển hướng sang chăn nuôi thỏ sau khi đã tìm hiểu, nghiên cứu khá kỹ về con vật này vì xét thấy đây là loại vật nuôi mới, dễ nuôi, dễ thích nghi với điều kiện địa phương…
Lặn lội sang học tập các trang trại nuôi thỏ ở tỉnh Hải Dương và được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc thỏ, ông Khanh về nhà đầu tư lại chuồng trại chăn nuôi lợn trước kia sang nuôi thỏ.
Nếu chăn nuôi lợn trước kia là chuồng hở thì nay nuôi thỏ ông phải đầu tư chuồng kín. Với chi phí đầu tư ban đầu bỏ ra gần 300 triệu, hai chuồng thỏ của ông được đầu tư đồng bộ từ các ô chuồng cho đến quạt gió. Từ 50 con thỏ sinh sản ban đầu đến nay trang trại thỏ của ông có gần 2.000 con, trong đó có hơn 1.500 con thỏ thịt.
Về đầu ra, người chăn nuôi thỏ như ông hoàn toàn yên tâm bởi các thương lái đến tận trang trại để thu mua. Trung bình, mỗi con thỏ của trang trại ông Khanh có trọng lượng 3kg. Với giá bán trung bình 90.000đ/kg thịt thỏ, đến nay gia đình ông đã xuất bán được hơn 2 tấn.
Ông Khanh cho biết: Một năm thỏ đẻ 10 lứa, mỗi lứa 31 ngày, nếu chăm sóc tốt thì một lứa bán được hơn 1 tấn thịt và sau khi trừ chi phí, mỗi lứa thỏ sẽ cho thu lãi 30 triệu đồng. Gia đình tôi mới chăn nuôi, chi phí ban đầu bỏ ra khá nhiều, vừa nuôi vừa gây giống nên mới chỉ cho hiệu quả kinh tế bước đầu là ổn định.
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc, ông Khanh cho biết: Từ chăn nuôi lợn chuyển sang nuôi thỏ vất vả hơn bởi nuôi thỏ đơn giản song khâu chăm sóc phải tỉ mỉ. Thỏ thường mắc các bệnh nấm, ghẻ, bại huyết… nên phải chú ý quan sát quá trình sinh trưởng của thỏ để tiêm vắc xin phòng bệnh.
Cùng với đó, khâu vệ sinh chuồng trại cũng phải được quan tâm, giữ vệ sinh sạch sẽ, mát về mùa hè và giữ ấm hoàn toàn vào mùa đông.
Bà Vương Thị Ngọc Ánh- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Việt cho biết: “Ông Khanh là người đầu tiên nuôi thỏ ở xã Tân Việt và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Với sự cần cù chịu khó, tìm tòi chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp nên ông là tấm gương nông dân tiêu biểu góp phần đưa thôn Hổ Lao nói riêng và xã Tân Việt nói chung chuyển mình, trở thành vùng vườn đồi trang trại trù phú”.
Mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình ông Nguyễn Hồng Khanh mới đang ở bước đầu, vừa sản xuất, vừa đầu tư. Song chính sự kiên trì, nỗ lực, dám nghĩ dám làm, không ngại khó, ngại khổ để đổi mới mô hình kinh tế đã và sẽ giúp người nông dân này gặt hái được trái ngọt.
Nguyễn Thị Thu Trang/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;