Qua sản xuất thử từ vụ hè thu 2020, cây vừng được đánh giá là thích nghi với vùng đất miền núi này, kỹ thuật không khó, không tốn công chăm sóc, năng suất và hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều loại cây màu khác. Đặc biệt cây vừng chống hạn rất tốt, thời gian sản xuất ngắn (75 ngày) là có thể cho thu hoạch, sẽ tránh được mùa mưa lũ tại Hương Khê.
Từ kết quả đó, vụ hè thu 2021, toàn huyện Hương Khê đã mở rộng diện tích trồng vừng, tập trung chủ yếu ở các xã Hà Linh, Hương Thủy, Hương Vĩnh, Điền Mỹ, Hoà Hải… Trong đó, chủ yếu diện tích vừng gieo trỉa vào đầu tháng 6, tuy nhiên, nhiều nông dân cũng gieo sớm từ tháng 4, tháng 5. Vì thế, những ngày này, một số diện tích vừng trồng sớm ở Hương Khê bắt đầu cho thu hoạch.
Tại xã Hà Linh (Hương Khê - Hà Tĩnh) sau thu hoạch ngô nếp xong, khoảng đầu tháng 4 là bà con nông dân lại ra đồng làm đất để gieo trồng vừng đen. Với tập quán canh tác liền vụ, gối vụ nên không mấy khi đất ở đây được nghỉ. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên vừng nẩy mầm đều, phát triển tốt và cho thu hoạch sớm.
Gia đình chị Nguyễn Thị Phượng ở thôn 4, xã Hà Linh trồng 6 sào vừng cho biết: “Năm nay, được xã vận động đưa cây vừng vào sản xuất, lúc đầu, chúng tôi cũng thấy e ngại nhưng đến khi thu hoạch thấy vừng cho năng suất cao, sản lượng đạt khoảng 60 kg/sào. Với giá bán từ 55-60 nghìn đồng/kg, mỗi sào cho giá trị kinh tế khoảng 3 - 3,5 triệu đồng. So sánh thấy vừng là cây có giá trị kinh tế nhất trong vụ hè thu nên chúng tôi phấn khởi lắm”.
Còn tại xã Hương Thủy, vụ hè thu này, xã đưa vào kế hoạch sản xuất 70 ha vừng nhằm phủ kín diện tích, nhất là những diện tích cao cưỡng những năm trước bỏ hoang và tăng thu nhập cho người dân. Thời điểm hiện tại, toàn xã đã gieo trỉa được 50 ha và dự kiến sẽ hoàn thành diện tích vào đầu tháng 7 này.
Theo bà con nơi đây, cây vừng không kén đất, có thời gian sinh trưởng ngắn lại chịu hạn tốt nên ở những vùng cao cạn ngày trước bỏ hoang thì giờ cũng có thể đưa cây vừng vào để trồng. Kỹ thuật làm vừng không khó nhưng đòi hỏi sự tỷ mỉ. Vất vả nhất là khi phơi vừng, người dân cần phải đảo để vừng khô đều, nhanh tách hạt. Với kinh nghiệm của bà con, để vừng dễ tách hạt thì phải thu hoạch khi trời mát như sáng sớm hoặc chiều tối. Vừng sau khi thu hoạch cần ủ khoảng một ngày rồi phơi nắng. Trời càng nắng gắt thì vừng nhanh nẻ, tách hết hạt và vỏ. Nhìn chung, trồng vừng vẫn tương đối nhàn hơn so với nhiều cây trồng khác như lạc, đậu; so về kinh tế thì có lợi hơn cả cây ngô, lúa... Bên cạnh đó, với tập quán chăn nuôi trâu bò thả rông thì khi đưa cây vừng vào trồng sẽ không bị trâu bò phá hoại nên bà con cũng rất yên tâm.
Ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Trong điều kiện dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, UBND huyện vẫn luôn bám sát chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt các biện pháp để vừa đảm bảo phòng chống dịch gắn với thi đua lao động, sản xuất phát triển kinh tế trên địa bàn. Do vậy, ngay sau khi kết thúc vụ Xuân, UBND huyện chỉ đạo bà con triển khai sản xuất Hè thu ngay. Đặc biệt, trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện thì cây vừng đã được vào sản xuất và xác định sẽ là cây trồng chủ lực trong thời gian tới. Riêng vụ hè thu này, địa phương sẽ sản xuất khoảng 250 ha vừng, phấn đấu năng suất đạt khoảng 10 tạ/ha, sản lượng 250 tấn. Cùng với việc phát triển diện tích, huyện sẽ hỗ trợ bà con về kỹ thuật để nâng cao trình độ canh tác cũng như thay đổi tư duy, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để đạt năng suất cao nhất, đồng thời khâu nối liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất”.
Từ những thành công bước đầu của cây vừng mang lại đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân ở huyện miền núi Hương Khê, giúp người dân tận dụng hết quỹ đất vào sản xuất để nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà.
Nguyễn Hoàn/http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;