Để giảm áp lực cạnh tranh các mặt hàng nông sản, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản với giá cả ôn định, thì việc tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng là việc làm cần thiết.
Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật của ngành chuyên môn, đã có những nông dân tiên phong đầu tư thử nghiệm lựa chọn giống cây trồng phù hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, cho hiệu quả kinh tế ổn định. Mô hình trồng nấm rơm dạng trụ của hộ anh Dương Văn Tài ở ấp Hòa Lợi 3, xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang là một mô hình như thế!
Giai đoạn trước năm 2010, nấm rơm chủ yếu được trồng ngoài trời nên năng suất không cao và găp nhiều hạn chế về thời tiết. Từ năm 2013 huyện Châu Thành đã khuyến khích nông dân áp dụng cách trồng nấm rơm trong nhà dạng kệ, giúp năng suất cao hơn từ 30-40% so với cách trồng truyền thống ngoài trời. Tuy nhiên qua thời gian triển khai thực hiện đến nay cho thấy mô hình trồng nấm rơm trong nhà dạng kệ cũng nhiều điểm chưa phù hợp.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề trồng nấm, năm 2017, anh Dương Văn Tài chuyển qua mô hình trồng nấm rơm trong nhà bằng dạng kệ. Hiệu quả bước đầu cao hơn gấp đôi so với trồng nấm rơm ngoài trời. Tuy nhiên, qua nhiều vụ nấm anh thấy được trồng nấm rơm trong nhà dạng kệ có nhiều điểm chưa phù hợp. Với cách bố trí mỗi giàn kệ có 3-4 tầng, nhà trồng nấm rơm có từ 2-3 giàn kệ nên ảnh hưởng đến độ thông thoáng, hay xảy ra tình trạng ngộp, nấm chỉ tập trung ra những tầng phía dưới, tầng trên cho nấm kém. Mặt khác, chi phí đầu tư kệ cũng khá cao và gây khó khăn cho khâu vệ sinh trại…
Tháng 05/2019, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, anh Tài mạnh dạn đầu tư bố trí trồng thử nghiệm cả hai mô hình: 1 nhà trồng nấm theo dạng trụ và 1 nhà trồng theo dạng kệ để đối chứng, mỗi nhà có diện tích 42 m2.
Kết quả, sau 10 tháng trồng cùng 2 nghiệm thức thì mô hình trồng nấm rơm dạng trụ thời gian sinh trưởng kết tơ, kết nụ và thu hoạch nhanh hơn mô hình nấm rơm dạng kệ từ 2 đến 04 ngày; năng suất vượt trội hơn gần 3 lần; lợi nhuận nấm rơm dạng trụ dao động từ 3.870.000 - 4.050.000 đồng so với nấm rơm dạng kệ là 422.000 - 530.000 đồng.
Thấy được hiệu quả của mô hình trồng nấm rơm dạng trụ, anh Tài đã tiếp tục đầu tư thêm 3 trại, đến nay sau 5 vụ trồng liên tục nhưng năng suất nấm rơm vẫn ổn định.
Từ thực tiễn quá trình sản xuất và kết quả mang lại cho thấy mô hình trồng nấm rơm dạng trụ có nhiều ưu điểm là dễ chăm sóc, dễ thu hoạch, thuận lợi trong khâu vệ sinh trại so với nhà trồng nấm rơm dạng kệ; chất lượng sản phẩm nấm rơm dạng trụ trong nhà tăng, dễ bán hơn và giá bán cao hơn…
Với những hiệu quả bước đầu mang lại cho thấy mô hình trồng nấm rơm dạng trụ là hướng đi mới cho người trồng nấm rơm trên địa bàn, góp phần gia tăng giá trị sản xuất trên diện tích đất của gia đình, tăng khả năng cạnh tranh và mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thêm thu nhập cho người nông dân
Minh Thiện - Đài Truyền thanh huyện Châu Thành, An Giang
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã