Học tập đạo đức HCM

Hạt giống lúa siêu nguyên chủng giá rẻ, doanh nghiệp loè bịp nông dân?

Thứ tư - 20/06/2018 21:24
Trước thông tin nhiều doanh nghiệp bán tràn lan hạt giống lúa siêu nguyên chủng (SNC) và nguyên chủng (NC) trên thị trường với giá khá rẻ (từ 15.000 – 25.000 đồng/kg tuỳ từng giống), GS.TSKH Trần Duy Quý – nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giống cây trồng tỏ ra sửng sốt.

Ông khẳng định: “Đây là một hành vi lừa dối, loè bịp để trục lợi nông dân”.  

Chờ đợi “bàn tay sắt” của Cục Trồng trọt

Theo GS. TSKH Trần Duy Quý, muốn sản xuất được một lô hạt giống lúa SNC thì phải mất ít nhất 2 – 3 năm (4 – 6 vụ lúa, tuỳ từng giống), sản lượng hạt giống thu được không nhiều, chi phí lại cao. Bởi vậy, không bao giờ có chuyện doanh nghiệp bán hạt giống lúa SNC đạt tiêu chuẩn với giá 22.000 đồng. Bán giá đó chắc chắn lỗ.

“Đấy là họ làm láo, họ mạo danh, họ bốc phét, họ lừa dối để lừa người dân mua sản phẩm. Các bộ phận giám sát của cơ quan Nhà nước phải tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì xử thật nghiêm để răn đe”, ông Quý nói.

Là “cha đẻ” của nhiều giống lúa, nhưng ông Quý khẳng định chưa bao giờ dám bán giống SNC hoặc NC ra thị trường. Trên thế giới, thường các doanh nghiệp cũng chỉ bán giống xác nhận 1 và xác nhận 2 để gieo cấy lúa thương phẩm, không ai bán giống SNC và NC. Ông kêu gọi báo chí phanh phui vấn nạn này, để đưa thị trường giống lúa đi vào quỹ đạo minh bạch hoá.

Từng được giao nhiệm vụ giám sát thị trường giống cây trồng tại khu vực phía Bắc trong một thời kỳ dài, ông Lê Quý Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Quốc gia, rất am tường về những “mánh khoé” trục lợi của các doanh nghiệp cung ứng giống.

11-22-54_snc-1
Ông Lê Quý Tường, PGĐ Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia: “Cần “một bàn tay sắt” của cơ quan nhà nước”

Vì thế, sau khi chúng tôi cung cấp tư liệu về tình trạng mua bán tràn lan hạt giống lúa cấp SNC và NC trên thị trường, ông Tường khẳng định: “Đây không phải là hiện tượng mới. Nó diễn ra âm thầm từ nhiều năm trước rồi”.

Ông Tường kể: Thời điểm năm 2003 về trước, hạt giống SNC được các doanh nghiệp bán loạn xạ, thậm chí phải dùng hai từ là “khủng khiếp”. Thời đó, 1kg lúa giống có giá 5.000 đồng nhưng họ gắn mác SNC, bán với giá 12.000 đồng/kg. Họ bán như bán rau, bán rác, rất dễ mua. Nhất là ở miền Bắc, doanh nghiệp đổ hàng về với số lượng lớn, bởi tâm lý nông dân ở đó rất “sính” giống SNC.

Nếu hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng, ai cũng biết ở thời điểm đó sản lượng hạt SNC rất ít, doanh nghiệp còn không đủ để sản xuất lúa giống NC và giống xác nhận thì làm sao có thừa để bán ra ngoài.

Các cơ quan quản lý đã nhìn thấy sự mập mờ trong việc công bố thông tin của các doanh nghiệp sản xuất giống lúa. Bởi vậy, năm 2004 Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống lúa SNC, NC, xác nhận, giống bố mẹ lúa lai và hạt lai F1.

Trong đó nêu rõ: “Hạt giống lúa SNC chỉ được sử dụng để sản xuất hạt giống lúa NC”. “Toàn bộ hạt giống lúa SNC, giống bố mẹ lúa lai do Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia (Cục Trồng trọt) tổ chức kiểm định, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn theo quy định”.

Trong quá trình sản xuất từng lô hạt lúa giống SNC, cán bộ của Trung tâm xét duyệt hồ sơ năng lực của từng doanh nghiệp rất chặt chẽ, sau khi đủ điều kiện thì mới tiếp nhận. Cán bộ của Trung tâm trực tiếp lội ruộng kiểm định từng ô ruộng giống, lấy mẫu lô giống, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn. Bởi vậy, doanh nghiệp không thể tự ý tăng, giảm diện tích, sản lượng giống như đăng ký ban đầu.

Kể từ đó (giai đoạn từ năm 2004 - 2010), thị trường lúa giống lập tức chuyển biến rất tích cực, tuyệt nhiên không có doanh nghiệp nào bán hạt giống SNC ra ngoài.

Tuy nhiên, từ năm 2011, sau khi Bộ NN-PTNT thực hiện chủ trương cho phép xã hội hoá một phần công tác quản lý sử dụng giống cây trồng, một số doanh nghiệp sản xuất giống được phép tự đánh giá hợp quy với hạt giống lúa NC và xác nhận. Và đến năm 2015, với thông tư 46, các doanh nghiệp được phép tự đánh giá hợp quy tất cả các loại giống cây trồng nhóm 2 sản xuất trong nước, trong đó có lúa.

11-22-54_20180619_103107
Hai sản phẩm Q5 SNC và Bắc thơm số 7 SNC của Trung tâm Giống Nông nghiệp Hưng Yên

Từ đó, số doanh nghiệp đăng ký chứng nhận chất lượng sản phẩm với hạt giống lúa SNC, NC tại Trung tâm cực kỳ ít. Nếu so với số lượng đăng ký giai đoạn 2004 – 2010 thì chẳng khác nào “tụt dốc không phanh”.

Ông Lê Quý Tường cho rằng: Chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực giống cây trồng là đúng đắn và phù hợp. Nhưng nếu chúng ta “thả hết cỡ” mà không có công cụ siết chặt quản lý thì sẽ tạo lỗ hổng để doanh nghiệp trục lợi chính sách, làm bừa làm bậy. Do đó, rất cần một “bàn tay sắt” của cơ quan quản lý nhà nước, mà trực tiếp là Cục Trồng trọt để lập lại trật tự thị trường giống lúa.

“Tôi không biết các doanh nghiệp sản xuất hạt giống lúa SCN và NC đăng ký chứng nhận hợp quy ở đâu, còn ở Trung tâm đây thì không nhiều. Họ thích gửi thì gửi, không thích gửi thì thôi, bởi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không nói rõ doanh nghiệp làm giống SNC bắt buộc phải đăng ký chứng nhận chất lượng tại phòng thử nghiệm nào của nhà nước”, ông Tường nói.  

Tiếc cho một hệ thống quản lý chuyên nghiệp

TS Trần Đình Nhật Dũng, người công tác lâu năm trong lĩnh vực chứng nhận chất lượng sản phẩm giống cây trồng chia sẻ: Năm 2004, Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) đã giúp đỡ ngành trồng trọt của Việt Nam, nhất là Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia xây dựng được hệ thống quản lý giống chuyên nghiệp, với đội ngũ cán bộ giỏi. Cơ quan này hoàn toàn đủ năng lực thực hiện các dịch vụ công liên quan đến công tác kiểm soát chất lượng giống cây trồng.

Tuy nhiên, rất tiếc là tư duy quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực trồng trọt đã thay đổi. Với cơ chế mới, vai trò chính trong kiểm soát chất lượng giống cây trồng được đưa về Cục Trồng trọt, mà Cục Trồng trọt thì rất khó đảm bảo nhân lực, phương tiện để kiểm tra.

TS Trần Đình Nhật Dũng cho rằng: Hạt giống là một sinh thể sống. Phải quản lý và giám sát từ gốc, kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất. Ví dụ, một doanh nghiệp đăng ký sản xuất 1.000 tấn giống xác nhận/năm, thì cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra xem doanh nghiệp đó có bao nhiêu giống SNC? Sản xuất ở ô thửa ruộng nào, diện tích bao nhiêu?

11-22-54_snc-2
TS Trần Đình Nhật Dũng

Định kỳ mỗi năm phải kiểm tra ít nhất 3 lần vào các thời kỳ sinh trưởng quan trọng của giống, sau đó lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm thì mới biết được doanh nghiệp đó làm đúng hay sai. Nhưng để làm được điều đó thì phải có hệ thống quản lý chuyên nghiệp, với đội ngũ cán bộ chuyên môn tốt. Làm sao Cục Trồng trọt làm được việc đó.

Theo tôi, tốt nhất Bộ NN-PTNT và Cục Trồng trọt nên giao nhiệm kiểm soát chất lượng giống cây trồng cho Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia thực hiện thì sẽ tốt hơn.

Choáng: 1kg giống lúa SNC giá 16.000 đồng

Trong quá trình điều tra về hiện tượng nhập nhèm thông tin các cấp giống lúa trên thị trường, PV NNVN tiếp nhận được bảng báo giá sản phẩm của Trung tâm Giống Nông nghiệp Hưng Yên (Sở NN-PTNT) gửi các đại lý. Trong đó, đơn vị này cung ứng 5 sản phẩm hạt giống lúa SNC gồm: Q5 SNC (giá 16.000 đồng/kg); Bắc thơm số 7 SNC (giá 19.000 đồng/kg); Khang dân 18 SNC (18.000 đồng/kg); Nếp 97 SNC (giá 18.000 đồng/kg); Nếp thơm BM 9603 SNC (giá 23.000 đông/kg).

Đáng chú ý, một cửa hàng vật tư nông nghiệp nhỏ ở xã Nhân La, huyện Kim Động, bán đến tay nông dân các sản phẩm của Trung tâm Giống Nông nghiệp Hưng Yên với giá chênh lệch khá cao. Ví dụ, 1kg hạt giống Q5 SNC bán lẻ giá 22.000 đồng (lãi 6.000 đồng/kg); Bắc thơm số 7 SNC bán lẻ giá 25.000 đồng/kg (lãi 6.000 đồng/kg).

MINH PHÚC/nongnghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập292
  • Hôm nay51,388
  • Tháng hiện tại882,115
  • Tổng lượt truy cập92,055,844
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây