Diện tích giống xác nhận tăng từ 30% lên 57%
Theo báo cáo của Sở NNPTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đầu năm 2014, diện tích sử dụng giống xác nhận của vùng là khoảng 30% nhưng đến nay đã tăng lên khoảng 57%. Theo đó, địa phương có diện tích sử dụng giống xác nhận trên 70% là: An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long.
Viện Lúa ĐBSCL phối hợp với HTX Chín Táo (Trà Vinh) sản xuất, cung ứng lúa giống xác nhận. Ảnh: H.X
Những giống lúa xác nhận được sử dụng nhiều hiện nay là các dòng: OM, ST, Jasmine85, ML48, VNDD95-20, VD20, AS996, MTL480, Tài nguyên… Những giống này nằm trong cơ cấu giống lúa chủ lực, thích hợp với vùng ĐBSCL, có tính kháng về sâu bệnh mạnh, cho năng suất từ 5,5-10 tấn/ha (tuỳ vùng và vụ sản xuất).
|
“Thời gian gần đây, người dân tỉnh Bạc Liêu đã quan tâm tiếp cận được nhiều giống có chất lượng, trong đó có OM 4900, OM 5451. Theo đó năng suất đạt cao, phẩm cấp tốt, phù hợp gạo xuất khẩu” - ông Phan Văn Liêm - Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu nói.
Cũng theo thống kê của các địa phương, từ năm 2014 đến nay, tổng sản lượng lúa giống xác nhận cung cấp cho thị trường là 12.580 tấn giống các loại. Sử dụng giống này và áp dụng quy trình tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng” đã giúp chi phí sản xuất lúa hàng hóa của nông dân giảm từ 120.000 – 200.000 đồng/ha, lợi nhuận tăng thêm từ 1.000 -1.500 đồng/kg. Theo phóng viên tìm hiểu, nguồn giống xác nhận trên chủ yếu được nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật từ Viện Lúa ĐBSCL và các đơn vị phối hợp (trung tâm giống, hợp tác xã và tổ hợp tác).
TS Đoàn Mạnh Tường - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp thuộc Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Hàng năm, chúng tôi cung cấp hơn 60 tấn giống lúa dòng OM nguyên chủng các loại cho nhiều đơn vị trong vùng. Sau đó các đơn vị nhân thành giống xác nhận, rồi đưa xuống dân phục vụ sản xuất lúa hàng hóa”.
Tăng cường quản lý chất lượng lúa giống
Theo tính toán, đầu năm 2014, ĐBSCL cần khoảng 400.000 tấn giống lúa xác nhận, nhưng nguồn giống từ các Viện, trường, trung tâm giống trong vùng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Nhiều nơi, nông dân vẫn còn giữ thói quen lấy lúa vụ trước để làm giống vụ sau. Số giống lúa sử dụng qua nhiều năm đã trở nên thoái hóa, lẫn tạp, nhiễm sâu bệnh nặng, năng suất thấp, kéo theo chất lượng gạo không đạt.
Trước thực trạng trên, Viện Lúa ĐBSCL đã tích cực nghiên cứu, đưa ra nhiều giống lúa chất lượng phục vụ cho vùng, góp phần đáng kể trong thúc đẩy sử dụng giống xác nhận, nâng cao chất lượng của lúa hàng hóa. Từ đó, ý thức của người dân trong việc sử dụng giống lúa xác nhận được nâng lên, chất lượng hạt gạo cũng từ đó được cải thiện.
Nhằm nâng cao hơn nữa tỷ lệ diện tích sử dụng giống lúa xác nhận trong dân, TS Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Sẽ kiến nghị Bộ NNPTNT cho phép tiếp tục triển khai thực hiện các dự án khuyến nông hỗ trợ sản xuất giống lúa xác nhận cung cấp cho vùng. Trong điều kiện hạn, mặn thất thường, Viện cũng sẽ phát triển các giống lúa có khả năng chống chịu mặn để hỗ trợ bà con các vùng bị xâm nhập mặn, khô hạn”.
Theo Huỳnh Xây/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã