Không khí làm việc khẩn trương tại các xưởng thêu những ngày giáp Tết - Ảnh: VGP/Bích Phương |
Có dịp về xã Dũng Tiến (Thường Tín, Hà Nội), chúng tôi được các nghệ nhân nơi đây cho biết, nghề thêu trong xã có cách đây khoảng gần 400 năm. Từ đó đến nay, nghề thêu đã phát triển và có mặt khắp nơi trong cả nước với những sản phẩm được ứng dụng rất nhiều trong đời sống, trở thành một phần trong văn hóa của người Việt.
Ngoài thời gian làm nông thì người dân nơi đây đều ngồi thêu, từ các em nhỏ đến người lớn tuổi. Người thợ Dũng Tiến bằng đôi bàn tay khéo léo đã chắt lọc những gì tinh túy nhất của hồn dân tộc để tạo nên những tác phẩm rực rỡ, sinh động nhất. Chỉ cần vẽ phác những đường mẫu trên vải bằng phấn mờ là có thể cầm kim thêu một cách dễ dàng.
Chị Đặng Thị Hằng, chủ một cơ sở sản xuất may mặc thời trang (áo dài, áo thời trang,...) thôn Cổ Chất, xã Dũng Tiến, chia sẻ: Lứa tuổi của các chị khi lên 8, lên 9, đều được ông bà, bố mẹ dạy cho cách thêu. Thế hệ nọ truyền thế hệ kia, giúp nghề thêu trong xã ngày càng phát triển.
“Nhiều mặt hàng thêu may thời trang như áo dài cách tân, áo dài truyền thống và trang phục biểu diễn… của cơ sở chị được sản xuất với số lượng lớn, đa dạng mẫu mã và kiểu cách đã được xuất đi nhiều nơi trong nước như chợ đầu mối Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân, các cửa hàng thời trang...”, chị Hằng cho biết.
Lãnh đạo UBND xã Dũng Tiến cho biết, trong phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, nghề thêu được duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xã; người dân nơi đây tuy coi nghề thêu là nghề phụ nhưng cũng chẳng khác nào nghề chính, vì lúc nông nhàn, bà con lại bắt tay vào thêu. Thu nhập bình quân đầu người của dân trong xã đạt 35 triệu đồng/người/năm. Với những thợ thêu chuyên nghiệp, thu nhập bình quân đạt khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Rời xã Dũng Tiến, chúng tôi đến với xã Thắng Lợi, thấy rõ không khí làm việc khẩn trương tại các xưởng thêu. Tranh thêu của làng nghề Thắng Lợi mang nét đặc trưng riêng, được làm hoàn toàn bằng tay, phản ánh chân thực các đề tài phong phú và đa dạng của cuộc sống như những mẫu tranh thêu từ hoa quả, cây cối đến các bức tranh thêu truyền thần,...
Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, một "tay kim" lão luyện của làng nghề cho biết, nghề thêu phải làm kỳ công, cho thật đúng và trúng, đặc biệt là tranh chân dung. Làm tranh thêu tay không khó, nhưng làm ra bức tranh có hồn thì không đơn giản.
Cũng chính vì những yêu cầu kỹ thuật tỉ mỉ, tốn thời gian và công sức, việc duy trì và phát triển nghề thêu truyền thống gặp khó khăn không nhỏ bởi thiếu đội ngũ lao động kế cận lành nghề. Trong khi đó, nhiều lao động có tay nghề đang dịch chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác, địa phương khác. Ngoài ra, số ít các chủ hộ sản xuất được đào tạo về quản trị kinh doanh và nắm được kiến thức về kinh tế thị trường. Điều này dẫn đến làng nghề cũng như sản phẩm làng nghề thiếu sức cạnh tranh… Do đó, hoạt động đào tạo chuyên sâu, truyền nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà những nghệ nhân tâm huyết, thế hệ đi trước của các làng nghề đặt lên hàng đầu.
Nhận thức được điều đó, xã Thắng Lợi đã tập trung nguồn lực cho việc đào tạo tay nghề cho lớp thợ thêu tay mới, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại để bán sản phẩm với thu nhập cao bên cạnh việc đào tạo, hướng dẫn nghề cho lớp thợ trẻ, từ đó góp phần thúc đẩy nghề thêu ngày một phát triển mạnh mẽ hơn.
Còn tại xã Dũng Tiến, cũng đã có chủ trương tạo điều kiện để các hộ kinh doanh làm nghề vay vốn phục vụ sản xuất, bảo đảm an ninh trật tự và tạo điều kiện về pháp lý cho các chủ hàng giao thương sản phẩm. Bên cạnh đó, phối hợp với Phòng Kinh tế huyện tổ chức các chương trình khuyến công, đẩy mạnh công tác nhân cấy nghề, đào tạo nghề mới, duy trì và phát huy các ngành nghề sẵn có của địa phương nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân địa phương.
Có thể thấy rằng, nghề thêu tay truyền thống chỉ thực sự “sống” được và đi lên khi bảo tồn những tinh túy của hồn Việt và phù hợp với thị hiếu đời sống hiện đại của người tiêu dùng, như vậy mới tạo ra lợi ích kinh tế, lợi thế cạnh tranh để duy trì và phát triển.
Bích Phương/chinphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;