Học tập đạo đức HCM

QUÊ HƯƠNG ĐỂ NHỚ

Thứ ba - 16/02/2021 20:11
Ai cũng có một quê hương để nhớ về với biết bao kỷ niệm. Nhất là khi đã lớn tuổi và mỗi khi Tết đến Xuân về thì hai tiếng quê hương thật nghẹn ngào khi thốt lên. Lòng tôi luôn hướng về nơi ấy - nơi có ông bà tổ tiên dòng họ, là những linh hồn sống mãi trong hàng tre râm mát, trong hàng cau xanh cao vút, trong những cánh đồng xanh thẫm buổi hoàng hôn.

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng  nông thôn nghèo của tỉnh. Làng quê mộc mạc nằm im lìm sau lũy tre và cánh đồng ngát hương lúa. Ngày đó, tôi không biết rằng còn có những nơi núi đồi cao vời vợi, biển rộng mênh mông. Tâm trí tôi chỉ biết tới xóm làng của mình với cái tên rất đỗi dễ thương: Làng Dự. Ngày đó không có mạng xã hội, không có cả ti vi, song lúc nào tôi cũng thấy đủ đầy.

Tôi đã xa nơi ấy gần 50 năm, nhưng hình ảnh làng quê nông thôn bình dị, con người hồn hậu, chân phương không bao giờ thay đổi, dẫu nơi ấy giờ đây mang diện mạo của một làng quê nông thôn mới. 

Chiều nay, một chiều cuối năm cận kề đón Tết Tân Sửu 2021 tôi lại có dịp về thăm làng quê dấu yêu của tôi. Tâm hồn tôi như được sống lại trong mênh mông hồi ức đẹp đẽ một thời nơi cố xứ. Bắt gặp ngọn gió quê hương ngày ấy miên man thổi vào lòng tôi những giai điệu nhẹ nhàng mà da diết ngày trở lại. Gió lùa vào hàng cây trên con đường làng, từng chiếc lá xạc xào thanh âm miền thôn dã. Tôi chợt nhận ra rằng, hình như chính những ngày tháng xa quê đã làm nỗi nhớ quê càng dày lên theo năm tháng. Nhớ tất cả những gì bình dị mà thân thương quá đỗi, như ngọn gió hôm nay giữa quãng đồng chiều.


Cảnh sắc nông thôn mới ở xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Ảnh: Cảnh Trực

Chiều nay về qua đồng làng, khung cảnh bình yên đã phác họa vào lòng tôi  bức tranh đầm ấm, vui tươi và chứa chan hạnh phúc. Đồng làng giờ đã khác xưa nhiều lắm. Nó mang trong mình những chi tiết, đường nét vừa tự do, vừa mềm mại, không phải là cánh đồng ngô vụ đông đơn điệu một màu mà là cánh đồng mẫu được quy hoạch quy củ, khoa học với mát mắt rau xanh: bắp cải, xu hào, súp lơ, đậu đỗ; với đỏ rực cà chua và ớt đang kỳ chín rộ; với rực rỡ sắc màu của những ruộng hoa hồng, cúc, viôlet, thược dược... Quả là nông thôn mới đã thổi một luồng gió mới đầy sức sống vào tận mỗi làng quê, thôn xóm. 

Con đường đi qua cánh đồng làng tôi ngày trước mấp mô, lầy lội, nhất là những hôm trời mưa đi lại rất vất vả, chật vật. Đã vậy nó lại rất nhỏ chỉ vừa đủ để con trâu kéo được chiếc xe quệt chở lúa từ ruộng về sân phơi. Nhớ hồi còn học cấp I, có hôm đi học về qua cánh đồng làng gặp chiếc xe quệt chở lúa chúng tôi chỉ còn nước lội xuống ruộng để tránh, về đến nhà đứa nào đứa nấy quần áo lấm lem bùn đất. Giờ con đường được đổ bê tông đẹp như tranh, rộng rãi, phẳng lỳ, các cháu đi học không lo trời mưa bùn bắn bẩn quần áo, còn những người nông dân chở xe thóc nặng nhưng xe vẫn chạy bon bon.

Yêu thương biết bao làng quê mình với hành trình từ khi bắt tay vào xây dựng cho đến khi “về đích” nông thôn mới, đã tạo nên đổi thay tuyệt vời ở những tuyến đường giao thông nông thôn - một trong những hình ảnh đại diện tiêu biểu cho sự thay da đổi thịt trên những miền quê trong tỉnh. Nhìn những con đường bê tông nông thôn xuyên qua các cánh đồng, thôn xóm, làng bản lòng tôi cứ muốn reo lên sung sướng, hãnh diện. Thật là tuyệt vời những con đường của ý Đảng lòng dân! Bằng việc phát huy nội lực trong dân, cùng những cơ chế, chính sách phù hợp, việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn đã huy động được sự vào cuộc tích cực của người dân trên địa bàn. Từ đó, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, tạo nên diện mạo cho nông thôn mới, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Không chỉ ở quê tôi, mà hiện nay khắp nơi trên địa bàn toàn tỉnh, từ các xóm tổ ở thành phố đến các thôn bản ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa những con đường bê tông đã trải dài, tôn lên vẻ đẹp miền quê, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc…

Mải mê ngắm cảnh đồng chiều tôi bỗng giật mình nghe tiếng ai đó hỏi: “Lâu rồi mới thấy nhà báo về thăm quê?” Thì ra là anh cán bộ ngành nông nghiệp tôi quen từ mấy năm trước. Anh vừa đi họp trên tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Thật là đúng lúc “buồn ngủ lại gặp chiếu manh”. Thấy tôi cứ xuýt xoa về những thay đổi kỳ diệu ở nông thôn, anh được dịp cởi tấm lòng. Thật là một kỳ tích chị nhỉ. Hôm nào chị rảnh tôi mời chị đi thăm một số mô hình xây dựng nông thôn mới của địa phương mình, chị sẽ còn thấy những đổi thay vô cùng ngoạn mục ở các vùng nông thôn quê mình. Đó là mô hình cánh đồng lớn liên kết giữa hộ nông dân, HTX nông nghiệp với doanh nghiệp. Mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết đã tạo cơ hội để người nông dân làm giàu từ chính đồng ruộng của mình. Các mô hình liên kết sản xuất; mô hình sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP; mô hình khu dân cư kiểu mẫu và rất nhiều những mô hình khác nữa vừa tạo môi trường, cảnh quan nông thôn xanh sạch đẹp, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân... 

Vâng, xin cảm ơn và tạm biệt anh cán bộ ngành nông nghiệp. Tôi tranh thủ đến thăm mấy nhà họ hàng trong làng. Đi đến đâu cũng thấy đường làng, ngõ xóm phong quang, dân cư sinh sống ngăn nắp, giao thông đi lại thuận tiện, sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở vùng nông thôn ngày càng được nâng cao. Gặp ai trên đường cũng thấy gương mặt rạng ngời với những lời chào mời thân thiết.

Các cụ xưa nói quả là rất đúng: “Có thực mới vực được đạo”. Khi đời sống kinh tế khấm khá đủ đầy hơn, không chỉ tình làng nghĩa xóm được thắt chặt mà những làng quê nơi đây dường như thêm tươi tắn, môi trường thêm trong lành và đáng sống hơn rất nhiều. Có thể thấy rất rõ xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi sâu sắc trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội các vùng nông thôn trong tỉnh, từ kinh tế, xã hội đến an ninh, quốc phòng.

 Cái hay của xây dựng nông thôn mới là phát huy được vai trò của người dân, lấy dân làm chủ thể, dựa vào sức dân. Không chỉ có “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, mà trong xây dựng nông thôn mới còn bổ sung thêm “dân cần, dân làm và dân hưởng thụ” chính những thành quả đó. Khi nhận thức của bà con nông dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thay đổi, đã cuốn hút họ cùng chung tay tạo dựng nên những miền quê đáng sống... 

Bất giác tôi nhớ tới câu hỏi của một phóng viên với Bộ trưởng Bộ NN & PTNT tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 -2020), rằng: Nếu có một mong ước về bức tranh nông thôn mới trong tương lai thì ông mong ước điều gì? 

Vị Bộ trưởng đã trả lời: Tôi kỳ vọng chúng ta có một nền nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững; giai cấp nông dân tiến bộ, khá giả, tiến tới giàu có; nông thôn có nét đẹp riêng, các giá trị văn hóa tốt đẹp được lưu giữ, môi trường sống trong lành; nông thôn là những làng quê thanh tao, đáng sống.

Vâng, mong ước về bức tranh nông thôn mới là những làng quê thanh tao, đáng sống đã và đang dần hiện hữu từng ngày. Như chiều nay về với làng quê dấu yêu, trong gió xuân, khí xuân phơi phới thấy làng quê mình hiện đại hơn, giàu đẹp hơn và cũng đang dần trở nên thanh tao, đáng sống hơn. Muốn ôm trọn cả làng quê dấu yêu của mình mang theo tới mỗi nơi tôi đi đến. Muốn có nhiều hơn những mùa xuân được về thăm lại làng quê. Về để thấy mình dù lớn đến đâu thì khi trở lại vẫn là nhỏ bé giữa quê hương. Về để lắng lòng mình giữa quê nhà ngọt hương đầm ấm, ngọt mùa an yên. Về để tự hào thấy quê hương thay da đổi thịt như mỗi mùa xuân cây lại đâm chồi nảy lộc và đơm hoa kết trái. 

Quê hương luôn ở trong trái tim tôi!

Bài, ảnh: Hoài Thu/Báo Tuyên Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập598
  • Hôm nay48,432
  • Tháng hiện tại707,759
  • Tổng lượt truy cập93,085,423
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây