Nhờ vậy, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ đã mang lại kết quả khá cao, từng bước hình thành nhiều cánh đồng cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm.
Số liệu của Sở NNPTNT Bình Định cho biết, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được trên 20.000ha đất sản xuất lúa ở chân ruộng cao, thiếu nước tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn như: Bắp lai, mì, đậu nành và các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao hơn. Riêng trong năm 2012, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 22.778ha từ sản xuất lúa bấp bênh sang sản xuất hoa màu và các loại cây trồng cạn, tập trung chủ yếu tại các huyện như Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát…
Nông dân tham quan mô hình trồng bắp lai tại xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn). |
Ông Hồ Ngọc Hùng- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, cho biết: “Thực tế sản xuất sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ cho thấy, tính vượt trội về hiệu quả kinh tế so với việc chỉ độc canh cây lúa. Việc chuyển đổi còn góp phần chủ động né tránh được các yếu tố bất lợi về thời tiết, thiên tai, lũ lụt; giảm được chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận kinh tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng thâm canh gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 16 công thức luân canh, xen canh cây trồng cho thu nhập đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm. Điển hình các mô hình như: Ớt - đậu phộng - bắp lai được thực hiện trên diện tích 600ha ở xã Cát Tài (Phù Cát); Mỹ Cát, Mỹ Hiệp, Mỹ Tài (Phù Mỹ) mang lại thu nhập trên 60 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, còn có các mô hình trồng đậu phộng - hành - bắp lai thu nhập đạt 80 triệu đồng/ha/năm. Đậu phộng - dưa hấu - bắp lai cho mức thu nhập 93 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt, mô hình trồng đậu phộng - dưa leo - khổ qua trên địa bàn xã Tây Giang (Tây Sơn) cho thu nhập 225 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài ra, trên chân đất thiếu nước ở huyện Phù Mỹ, nông dân đã chuyển sang luân canh giữa cây lúa và hoa màu cho thu nhập từ 85 - 120 triệu đồng/ha/năm. Ở Hoài Ân, Hoài Nhơn, nông dân địa phương đã chuyển đổi đất gò đồi sang trồng chuối, đu đủ, sả… cho thu nhập từ 150-180 triệu đồng/ha/năm…
Theo ông Hùng, trong thời gian tới, Bình Định sẽ tập trung thực hiện giải pháp quy hoạch các vùng chuyên canh tập trung sản xuất các loại cây trồng như: Mía, mì gắn với nhà máy chế biến để giải quyết đầu ra nông sản ổn định. “Đến nay, tại các huyện phía Nam đã hình thành vùng nguyên liệu mía với diện tích gần 4.000ha, cung cấp nguyên liệu ổn định cho Công ty cổ phần Đường Bình Định. Tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định cũng đã xây dựng vùng nguyên liệu mì với diện tích 4.400ha” - ông Hùng cho biết thêm.
Nguyễn Quý
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã