Học tập đạo đức HCM

Học Bác để làm giàu cho quê hương

Thứ tư - 31/10/2012 20:17
"Suốt mấy chục năm gắn bó, đổ mồ hôi, công sức trên đồng đất, tôi mới ngộ ra được cái hay của lời tiền nhân: đất đai không bao giờ phụ lòng người. Nhưng làm gì cũng phải có cách thức, có hiểu biết mới mong nhận lại kết quả tương xứng", ông Phạm Văn Ánh (xã Tam Giang Ðông, Năm Căn, Cà Mau), người liên tục hơn hai chục năm qua đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, tỉnh, hồ hởi nói với chúng tôi như vậy.


 
Ông Hai Ánh giới thiệu mô hình cải tạo ao nước ngọt trồng bông súng và nuôi cá.  
 
Lần đầu gặp ông Phạm Văn Ánh (Hai Ánh) tại Ðại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII-2010 ở Thủ đô Hà Nội. Khi ấy, ông là gương mặt đại diện cho nông dân tỉnh Cà Mau vinh dự ra Thủ đô dự đại hội. Tôi ấn tượng mãi về một câu nói của ông: "Làm người mà một ngày, một giờ không có những suy nghĩ và hành động tốt, làm lợi cho gia đình và xã hội là có tội với lịch sử". Thế rồi, như một cái duyên kỳ ngộ, trong lần đi công tác tại mảnh đất tận cùng Tổ quốc, tôi gặp lại ông ngay trên chính mảnh đất đã gắn bó với ông suốt hơn hai chục năm qua. Sau giây phút vui mừng của ngày hạnh ngộ, ông Hai Ánh đưa chúng tôi đi thăm mô hình sản xuất của gia đình. Thả hết tầm mắt chiêm ngưỡng thành quả lao động trải rộng gần hai chục ha, không một tấc đất bị bỏ hoang, chúng tôi càng khâm phục trí óc và đôi bàn tay cần cù, sáng tạo của người nông dân nơi mảnh đất tận cùng Tổ quốc còn nhiều gian khó này.

Sau gần hai thập kỷ trong ngành giáo dục, ông Hai Ánh trở về nơi chôn nhau cắt rốn cùng vợ và ba đứa con nhỏ, bắt đầu khởi dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Hai chục năm trước, nơi này là những cánh đồng đất thẳng cánh cò bay, nhưng còn hoang sơ lắm. Vợ ông, bà Mai Kim Bạc, sau từng ấy thời gian khi nhớ lại vẫn còn phải thốt lên: "Trời ơi, trên là trời, dưới là nước và bụi rậm không à. Quạnh hiu nữa, chẳng lấy một bóng người. Buồn muốn khóc". Không chỉ bà Bạc, bản thân những người lớn lên và gắn bó với mảnh đất này cũng chỉ nhìn thấy sự hoang vu, nghèo đói, nhưng người nông dân Hai Ánh đã sớm nhìn ra tiềm năng của vùng đất này. Ông quyết định bàn với vợ gửi con trên thành phố đi học, hai vợ chồng bắt tay vào cải tạo ruộng đất bằng chính sức lao động của mình. Ông nói: "Kể làm sao hết  những ngày tháng cơ hàn, lam lũ. Nhưng giờ, nhìn những thành quả này, vợ chồng tôi quên hết nhọc nhằn, vất vả".

Mô hình xen canh rừng - tôm mà gia đình ông Hai Ánh đang thu được những kết quả đáng khích lệ. Theo chủ trương của địa phương, cách đây hơn mười năm, ông Hai Ánh tiến hành phát dọn cây tạp trên phần đất của mình và trồng cây đước. Cây đước dễ trồng, hầu như không tốn công chăm sóc. Khi cây phát triển, tạo thành môi trường thuận lợi cho sự phát triển của con tôm. Có thời gian, khi con tôm Cà Mau trở thành mặt hàng thương phẩm có giá trị, nhiều người không ngần ngại chặt hết đước để lấy diện tích nuôi tôm. Họ vô tình chạy theo lợi nhuận, đánh mất đi sự cân bằng của sinh thái. Chẳng bao lâu, nạn tôm chết diễn ra liên tục, lúc ấy mọi người mới nhận ra sai lầm, thì ông Hai Ánh vẫn kiên trì mô hình "con tôm ôm gốc đước". Hiện tại, tổng diện tích đất rừng của gia đình ông là 18 ha; trong đó có 10 ha rừng đước 12 tuổi, tám ha diện tích mặt nước nuôi tôm. Rừng đước đang vào độ tuổi khai thác, ước tính mỗi ha rừng khi thu hoạch cho thu nhập từ hai đến ba trăm triệu đồng. Ông cho biết: Nuôi tôm dưới tán đước ít khi gặp rủi ro. Hiện nay, bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Qua thực tế nuôi tôm, cộng thêm việc chịu khó cập nhật liên tục kiến thức khuyến nông, khuyến ngư, tham gia các lớp tập huấn, ông Hai Ánh tự đúc kết được một số kinh nghiệm và không ngần ngại chia sẻ, trao đổi những kiến thức ấy với nhiều người. 

Ở vùng đất phèn mặn chuyên tôm, diện tích bờ thửa bỏ hoang rất nhiều, ông Hai Ánh đã phải đầu tư trí óc và công sức để biến nước phèn mặn thành nước ngọt. Thật khó có ai tin được rằng, nhà ông Hai Ánh chỉ cách biển hai km, nhưng hiện tại ông đang sở hữu năm cái ao nước ngọt, mỗi ao diện tích từ 500 đến 1.200 m2. Có ao nước ngọt rồi, ông thả nhiều giống cá chép, trê, tai tượng, mỗi năm cho thu hoạch khoảng hai tấn cá. Không dừng lại ở đó, ông thử nghiệm trồng bông súng trong ao, trên ao trồng rau màu, thanh long... Một số hộ trong vùng thấy mô hình hay tìm tới xin học phương pháp rồi về áp dụng có hiệu quả. Tiếp đó, ông tiến hành nuôi thử nghiệm hàu thương phẩm. Sau một thời gian nghiên cứu đặc tính sinh sống của loài hàu, ông nhận thấy hàu con thường bám vào các giá thể bằng xi-măng, đá, gạch, gốc cây ở vùng nước mặn để sinh trưởng, ông sáng kiến dùng dây ni-lông kết ba viên gạch lại thành hình tam giác làm giá thể, đặt chúng cặp mé vuông tôm. Với giá hàu hiện tại từ 18 đến 20 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, ông Hai Ánh thu lãi khoảng từ 60 đến 80 nghìn đồng/giá thể.

Ðể làm ra sản phẩm, người nông dân phải đổ rất nhiều mồ hôi, tâm huyết và tiền bạc, không thụ động chờ đợi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có "điều kiện" như mình, nghĩ vậy, ông Hai Ánh không ngại chia sẻ thành quả, kinh nghiệm với bà con. Với tinh thần tương thân, tương ái, thời gian qua, ông giúp đỡ 15 hộ với số vốn 100 triệu đồng để đầu tư sản xuất, cho bốn hộ mượn quỹ đất, ươm gần 5.000 giống cây dừa, cau, chuối, điệp phát cho mọi người hưởng ứng trồng cây, cải tạo môi trường cảnh quan sạch đẹp. Gia đình ông còn hiến 6.000 m2 đất xây dựng trường học và bảy ha đất xây dựng khu dân cư làng cá Hồ Gùi.

Nhắc tới Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, đôi mắt ông Hai Ánh rơm rớm, ông kể: Tôi nhớ mãi không quên thời khắc Bác Hồ kính yêu từ trần, tôi vinh dự được chọn trong hàng ngũ danh dự bồng súng vào chào vĩnh biệt Người do Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra lòng thương nhớ Người của nhân dân ta là vô bờ bến. Từ đó, tôi quyết tâm học tập Người. Tôi học ở Người đức tính cần, kiệm, bởi tôi ngộ ra một điều có cần, kiệm mới có "vốn" để tích lũy, phát triển sản xuất. Mấy chục năm cần mẫn trên ruộng đồng, tôi càng thấm thía lời Bác dạy: Cần và Kiệm, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người... 

Chia tay, ông Hai Ánh nắm chặt bàn tay tôi, quả quyết: "Tôi sẽ sống khỏe, sống có ích, sẽ tiếp tục hăng say lao động trên đồng ruộng của mình đến khi nào không làm nổi nữa mới thôi. Làm để con cái, bà con chung quanh lấy đó học theo, để làm giàu cho chính bản thân và quê hương mình. Học tập, làm việc và cống hiến suốt đời, đó mới thật sự là làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ vĩ đại".

Bài và ảnh: ÐẶNG THANH HÀ
Nguồn:nhandan.com.vn
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập360
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm359
  • Hôm nay49,062
  • Tháng hiện tại845,760
  • Tổng lượt truy cập90,909,153
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây