Mô hình "khủng"
Đến thời điểm này việc triển khai trồng cây mắc-ca của huyện Sơn Tây đang trong giai đoạn đào hố và bỏ phân lót. Ông Trần Quý - Trưởng trạm Khuyến nông Sơn Tây - đơn vị được giao nhiệm vụ đảm nhận thực hiện dự án cho biết: Dự kiến đến cuối tháng 9.2014 sẽ tiến hành đưa giống cây về trồng.
Theo UBND huyện Sơn Tây, cây mắc-ca được trồng tại 3 địa điểm ở 3 xã: Sơn Bua, Sơn Liên và Sơn Long, với diện tích thực hiện 6 ha (2ha/điểm) và tổng kinh phí lên đến 1,29 tỷ đồng. Mắc-ca là dự án cây trồng thí điểm lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh do cấp huyện thực hiện. Và cũng chính vì quy mô "khủng" và loại cây trồng mới như vậy, nên đã có dư luận khác nhau về việc này.
Nhiều người bày tỏ: Một huyện nằm trong Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ (Nghị quyết 30a/2008) như Sơn Tây, người dân vẫn chưa quen với việc bón phân cho cây trồng, mà dám dùng cả tỷ đồng để đầu tư trồng loại cây mới, đòi hỏi nhiều kỹ thuật như mắc-ca là quá liều.
Tuy nhiên cũng không ít người lại đồng tình: Phải có sự mạnh dạn để tạo nên sự đột phá; chứ quanh đi, quẩn lại với mấy cây bản địa, ít giá trị kinh tế thì đến bao giờ mới khá lên được. Các cấp ngành của tỉnh cần có sự hỗ trợ cho Sơn Tây về mọi mặt về dự án cây trồng này....
Kỳ vọng lớn
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lê Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, thừa nhận: Mắc-ca là một loại cây trồng mới và từ trước đến giờ không chỉ Quảng Ngãi mà nhiều tỉnh thành khác cũng chưa trồng thử nghiệm.
Tuy nhiên sau một thời gian tìm hiểu, so sánh với những nơi đã trồng trước đó, chúng tôi nhận thấy khí hậu và thổ nhưỡng của Sơn Tây hoàn toàn phù hợp với loại cây này nên mới triển khai.
Dù vậy để dự án này được thực hiện là cả một quá trình, với không ít "cửa ải" phải vượt qua. Theo đó ngoài hàng chục lần đi kiểm tra, tìm hiểu thực tế, tổ chức hội nghị; dự án này đã được các cấp ủy, chính quyền huyện bàn bạc, biểu quyết, Hội đồng nhân dân huyện thông qua chứ không phải đơn giản như nhiều người đã nghĩ.
Tuy số tiền đầu tư tính bằng tỷ đồng là rất lớn so với điều kiện thực tế ngân sách của Sơn Tây, nhưng không phải bỏ ra một lần mà kéo dài trong 4 năm nên không gây ảnh hưởng nhiều.
Tuy mọi việc chỉ đang là khởi đầu, thế nhưng nói về triển vọng kinh tế của loại cây trồng này, ông Tùng khá lạc quan: Khi thu hoạch, lợi nhuận mang lại từ mắc-ca là 100 triệu đồng/vụ/năm. Khi nhân rộng mô hình là hàng ngàn hộ dân Sơn Tây sẽ “đổi đời".
Còn những loại cây trồng hiện nay được xem là làm giàu cho người dân của địa phương như keo lai, mì... thì lợi nhuận của mắc ca cao hơn gấp từ 3-20 lần, đó là chưa nói đến vô số những lợi ích khác.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã