Học tập đạo đức HCM

Nhiệm vụ trọng tâm xây dựng NTM năm 2012 (Hội nghị BCĐ TW ngày 3/2/2012 tại Hà Nội)

Thứ bảy - 04/02/2012 06:29
Ngày 3/2 tại Hà Nội Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương đã tổ chức Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2012, Ban biên tâp đăng Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM năm 2011 và kế hoạch năm 2012 của Ban Chỉ đạo Trung ương.
 
BÁO CÁO TÓM TẮT
Kết quả thực hiện Chương trình MTQG
về xây dựng NTM năm 2011 và kế hoạch năm 2012

 

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ XÂY DỰNG NTM NĂM 2011 VÀ NHỮNG TỒN TẠI
1. Về tổ chức, bộ máy triển khai chương trình
- Ở TW: Ban CĐTW đã họp sơ kết 01 năm tình hình triển khai Chương trình vào ngày 14/6/2011. Các đồng chí thành viên BCĐ đã đi kiểm tra địa bàn được phân công, qua đó, đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.
- Ở địa phương: Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố thành lập Ban CĐ và cơ bản kiện toàn bộ máy nhân sự do đồng chí Chủ tịch tỉnh làm Trưởng ban[1], 80% số huyện đã thành lập Ban CĐ cấp huyện; 97% số xã thành lập Ban Quản lý xây dựng NTM cấp xã; 54% số xã ngoài việc thành lập Ban quản lý xã còn thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã.
- Bộ phận giúp việc BCĐ: Có 41 tỉnh đã thành lập VPĐP theo đúng hướng dẫn của Trung ương (Văn phòng đặt tại Sở Nông nghiệp và PTNT, có dấu và tài khoản riêng); 20 tỉnh thành lập tổ công tác giúp việc BCĐ; 02 tỉnh Hà Giang và Quảng Ninh thành lập Ban xây dựng NTM (là cơ quan ngang Sở, trực thuộc UBND tỉnh).
2. Về ban hành các văn bản hướng dẫn: Chính phủ và TTCP đã ban hành 05 Nghị định và 31 Quyết định phục vụ xây dựng NTM. Các Bộ đã ban hành 08 Thông tư hướng dẫn xây dựng NTM giúp các xã tổ chức thực hiện. Các địa phương đều đã ban hành các Nghị quyết, quyết định để chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM.
3. Công tác tuyên truyền: Tháng 2/2011, Chủ tịch UBTƯ MTTQ đã phát động cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”. Ngày 08/6/2011, TTCP  đã chủ trì phát động cuộc thi đua “cả nước chung sức xây dựng NTM”. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành kế hoạch tuyên truyền và tổ chức họp báo định kỳ để định hướng công tác tuyên truyền; tổ chức 12 hội nghị chuyên đề về xây dựng NTM; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để nâng cao chất lượng thông tin về nông dân, nông thôn trên 2 kênh truyền hình VTC 14 và VTC 16…; phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng TƯ để trình TTCP ban hành Quyết định số 1620/QĐ-TTg, ngày 20/9/2011 về kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng NTM”.
Đến nay, có 31/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban vận động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; các địa phương còn lại đang kiện toàn và củng cố Ban vận động cũ. Đã có 60/63 tỉnh, thành phố tổ chức phát động hưởng ứng cuộc thi đua “chung sức xây dựng NTM”[2]. Một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Hà Nam… đã vận động các doanh nghiệp tài trợ hàng trăm tỷ đồng để xây dựng NTM.
4. Công tác đào tạo cho cán bộ vận hành chương trình: Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về xây dựng NTM và các chuyên đề để phục vụ công tác đào tạo. Văn phòng Điều phối cùng với các đơn vị có liên quan đang dần hình thành đội ngũ cán bộ giảng viên để tập huấn cho các địa phương. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức 12 lớp tập huấn cho 570 cán bộ xây dựng NTM các cấp của 49 tỉnh, thành trên cả nước.
Theo báo cáo của các địa phương, đã có 45/63 tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ ở cấp tỉnh, cấp huyện và 20% xã trong diện triển khai trước. Tuy vậy, việc chuẩn hoá tài liệu phục vụ công tác tập huấn còn chậm, đội ngũ giảng viên thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo cán bộ.
5. Công tác quy hoạch:
Đến hết năm 2011, đã có 54,5% số xã được phê duyệt quy hoạch chung, trong đó có 8,2% số xã đã hoàn thành qui hoạch chi tiết. Một số địa phương như Phú Thọ, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, An Giang, Lào Cai,Vĩnh Phúc, Nam Định… đã cơ bản xong việc quy hoạch chung xây dựng NTM, đang triển khai một số quy hoạch chi tiết.
Thời gian đầu công tác quy hoạch còn nhiều lúng túng, một số tiêu chuẩn ngành còn chưa phù hợp hoặc chưa có hướng dẫn; đội ngũ tư vấn qui hoạch xây dựng NTM còn thiếu và yếu (nhất là về qui hoạch sản xuất). Năng lực cán bộ xã còn hạn chế; cơ chế lấy kiến tham gia của người dân và cộng đồng dân cư chưa phù hợp. Kinh phí bố trí cho công tác qui hoạch còn thiếu nên chất lượng công tác quy hoạch của một số địa phương còn hạn chế.
6. Về lập đề án xây dựng NTM cấp xã: Theo báo cáo, đến nay cả 63 tỉnh, thành phố đều đã hoàn thành việc đánh giá sơ bộ thực trạng NTM theo 19 tiêu chí. Kết quả: cả nước có một số ít xã đạt 19 tiêu chí[3]; 1,2% số xã đạt 15 đến 18  tiêu chí; 3,3% số xã đạt từ 11 đến 14 tiêu chí; 13% số xã đạt từ 7 đến 10  tiêu chí; 82,5% số xã đạt dưới 7 tiêu chí (trong đó có 28,2% xã  đạt dưới 3 tiêu chí. Có khoảng 52% số xã đang tiến hành lập đề án xây dựng NTM, trong đó có 2.820 xã (chiếm 31%) đã phê duyệt xong. Các tỉnh điểm và huyện điểm đã gắn việc lập đề án xây dựng NTM với công tác quy hoạch nhằm tăng tính khả thi và huy động được sự tham gia của xã, điển hình như Thái Bình, An Giang…
Tuy nhiên, việc lập đề án ở các địa phương cơ bản còn chậm; nội dung còn nặng về phát triển CSHT, thiếu chú trọng đến phát triển sản xuất tăng thu nhập, văn hoá và môi trường, tập trung vào các công trình xã mà chưa quan tâm đúng mức tới các công trình ở cấp thôn, bản, ấp...
7. Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Theo báo cáo, đến nay các địa phương đã giải ngân 3.314 tỷ đồng vốn xây dựng CSHT thiết yếu. Trong đó, chủ yếu tập trung cho xây dựng các trường học đạt chuẩn, kiên cố hoá đường giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng trụ sở xã, củng cố hệ thống điện, xoá nhà tạm... Một số địa phương (Tuyên Quang, Hà Nam, Hà Giang, Lâm Đồng, Sóc Trăng…) đã có chính sách hỗ trợ cho các xã trong làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hoá kênh mương, xây dựng 3 công trình vệ sinh… Tỉnh Thái Bình, Nam Định, thành phố Hà Nội thực hiện quy hoạch lại đồng ruộng gắn với dồn điền đổi thửa, phát triển giao thông, kênh mương nội đồng phù hợp với cơ giới hoá; tạo ra những mô hình tốt có thể nhân rộng.
8. Về phát triển sản xuất: Theo báo cáo của các địa phương, bên cạnh nguồn vốn 220 tỷ của khuyến nông TW, đến nay các địa phương đã dành gần 112 tỷ đồng cho việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hàng hoá nhằm tăng thu nhập cho người dân. Một số địa phương như Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thái Bình, Vĩnh Phúc… đã chủ động bố trí hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân xây dựng các mô hình sản xuất, ứng dụng KHCN để đưa các giống mới có năng suất cao vào đồng ruộng.
Sau một năm thực hiện Nghị định 61/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đến nay kết quả đạt được còn rất hạn chế.
9. Về nguồn lực cho xây dựng NTM: Tổng hợp nhu cầu vốn của các địa phương năm 2011 khoảng 31.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mới đạt 8.242 tỷ đồng (chiếm 26,2% so với nhu cầu), trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho 50 tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách là 1.600 tỷ đồng; 13 tỉnh còn lại, ngân sách địa phương dành cho công tác này là 5.176 tỷ đồng (trên 3 lần); 50 tỉnh còn lại cũng chủ động bố trí 1.466 từ nguồn NSĐP để triển khai Chương trình[4].
Theo chỉ đạo của Trưởng ban tại cuộc họp giao ban ngày 14/6/2011, “các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư chủ động đề xuất nguồn lực cho Chương trình” nhưng đến nay nguồn vốn bố trí còn quá thấp so với nhu cầu và chưa tương xứng với mục tiêu nhiệm vụ xây dựng NTM đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 7 và Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện tại chưa có Thông tư hướng dẫn về cơ chế tài chính thực hiện Chương trình (Thông tư số 174/TT-BTC mới chỉ áp dụng riêng cho 11 xã điểm). Vì vậy, các địa phương đều lúng túng trong việc giải ngân và thanh quyết toán vốn.
 Đã qua 1 năm thực hiện Nghị định 41/NĐ-CP về chính sách tín dụng nông thôn và Thông tư số 14/2010/TT-NHNN, nhưng nhiều hộ nông dân, chủ trang trại, HTX nông nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
10. Về công tác chỉ đạo điểm
- Kế thừa kết quả chỉ đạo chương trình thí điểm xây dựng mô hình NTM tại 11 xã điểm của Ban Bí thư Trung ương: Diện mạo NTM theo 19 tiêu chí ở các xã này đã được hình thành rõ rệt. Từ chỗ khởi đầu xã cao nhất đạt 8 tiêu chí, thấp nhất đạt 2 tiêu chí. Đến nay sau 3 năm triển khai có 04/11 xã (Thuỵ Hương, Tam Phước, Tân Thông Hội, Mỹ Long Nam) đạt 18 tiêu chí; 04 xã (Tân Thịnh, Gia Phố, Tân Hội, Tân Lập) đạt 16 tiêu chí; xã Hải Đường đạt được 13 tiêu chí; xã Định Hòa đạt được 11/19 tiêu chí; thấp nhất là xã Thanh Chăn đã đạt được 8/19 tiêu chí. Từ thực tiễn kinh nghiệm 11 xã điểm của Ban Bí Thư đã giúp nhiều địa phương kế thừa về phương pháp, cách làm, kinh nghiệm trong xây dựng NTM ở từng vùng, giúp cho Chính phủ và một số Bộ, ngành có cơ sở ban hành và bổ sung nhiều chính sách, cơ chế cho triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sau này.
- Trong triển khai chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới: Ban Chỉ đạo Trung ương đã lựa chọn  06 tỉnh (Phú Thọ, Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Bình Phước và Đà Nẵng) và 05 huyện (Hải Hậu – Nam Định; Phú Ninh – Quảng Nam; Nam Đàn- Nghệ An, K’Bang – Gia La, Phước Long – Bạc Liêu). Trong năm 2011, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đã tăng cường, thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai để trao đổi kinh nghiệm và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc[5]. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phân công các đơn vị trực thuộc Bộ trực tiếp hỗ trợ chỉ đạo các điểm. Văn phòng Điều phối Trung ương triển khai các lớp đào tạo, tập huấn cho tất cả các điểm chỉ đạo của Trung ương trong năm 2011. Các điểm chỉ đạo cũng được ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nội dung của Chương trình.
Nhiều tỉnh điểm và huyện điểm đã chủ động và sáng tạo ban hành một số cơ chế, chính sách; có phương pháp và cách làm thiết thực, hiệu quả có sức lan toả được nhiều địa phương đến học tập, trao đổi kinh nghiệm. Thái Bình là điển hình tốt về triển khai công tác qui hoạch NTM gắn với chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền đổi thửa. Hà Tĩnh có nhiều kinh nghiệm sáng tạo trong cải tạo vườn tạp và huy động nguồn lực của xã hội. An Giang đi đầu về thúc đẩy phát triển sản xuất và huy động nguồn lực xã hội để nâng cấp giao thông nông thôn. Các huyện như Hải Hậu, Phú Ninh, K’Bang cũng là những huyện dẫn đầu ở mỗi tỉnh về triển khai xây dựng NTM. Một số cơ chế, chính sách và kinh nghiệm của các địa phương chỉ đạo điểm đã được các Bộ, ngành tiếp thu, đúc rút và hoàn chỉnh thành cơ chế chính sách chung để chỉ đạo trên phạm vi cả nước
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Mặt được:
- Chương trình MTQG NTM là nội dung, nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7; trong hơn 1 năm triển khai đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, trở thành phong trào của cả nước, được cán bộ và người dân hết sức quan tâm và kỳ vọng. Nội dung xây dựng NTM đã được đưa vào NQ đại hội Đảng ở các cấp.
- Qua triển khai chương trình đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, người dân khu vực nông thôn; nhận thức về xây dựng nông thôn mới đã có nhiều chuyển biến;
- Đã hình thành được hệ thống Ban chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến cấp xã; trong thời gian ngắn Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành được hệ thống các văn bản cần thiết để thực hiện các nội dung của chương trình.
- Các địa phương đã bám sát kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương để triển khai chương trình. Trong đó các địa phương đều quan tâm đến chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng;
- Về cơ bản đã hoàn thành công tác đánh giá thực trạng nông thôn; khoảng 50% tổng số xã hoàn thành việc lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM.
2. Một số tồn tại:
- Nhận thức của một bộ phận cán bộ các cấp và người dân về Chương trình MTQG xây dựng NTM chưa đầy đủ, vẫn còn tâm lý thụ động theo Quyết định 800/QĐ-TTg, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chưa thực sự phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư. Cán bộ, nhân dân ở cơ sở còn lúng túng trong cách làm, trong huy động nguồn lực;
- Tiến độ triển khai một số nội dung cấp thiết như qui hoạch và xây dựng đề án. Nội dung và chất lượng các qui hoạch và đề án NTM cấp xã còn hạn chế; đa số các đề án vẫn nặng về cơ sở hạ tầng, chưa chú ý đúng mức đến phát triển sản xuất (biểu hiện làm vội, sao chép, sức ép tiến độ);
- Cơ chế đảm bảo cho người dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM chưa được qui định, hướng dẫn bằng văn bản pháp lý; do đó, thiếu căn cứ để người dân tham gia và giám sát thực hiện Chương trình;
- Chưa làm rõ cơ chế thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác cho xây dựng NTM;
- Lãnh đạo nhiều địa phương còn chưa tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình;  trình độ đội ngũ cán bộ địa phương, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế.
- Chế độ báo cáo và hệ thống thông tin chưa hoàn thiện và thông suốt.
Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là:
- Công tác tuyên truyền vận động còn yếu, chưa thường xuyên, liên tục và sát thực nên nhận thức của cán bộ và nhân dân về Chương trình còn chưa đầy đủ; và trong công tác tuyên truyền chưa toàn diện, có phần nặng về cơ sở hạ tầng;  
- Đây là năm đầu tiên thực hiện Chương trình nên công tác tổ chức triển khai còn lúng túng, thiếu đồng bộ và quyết liệt. Một số đồng chí đứng đầu cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng NTM.
- Nguồn lực bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương cho Chương trình MTQG xây dựng NTM còn thấp và chưa cân đối với mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 7. Mức vốn dự kiến bố trí cả giai đoạn 2011 -2015 từ nguồn ngân sách trung ương là 12.000 tỷ mới chỉ đáp ứng được khoảng 11% nhu cầu. (Dự tính nhu cầu vốn: 1.400.000 tỷ trong 10 năm; 5 năm 2011-2015 là 700.000 tỷ, trong đó vốn Chương trình NTM chiếm 700.000 * 17% = 119.000 tỷ; Vốn ngân sách bố trí 12.000 tỷ trong 5 năm nên chí được 12.000/119.000 =11% nhu cầu)
III. NHỮNG NỘI DUNG TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO TRONG NĂM 2012
Trong điều kiện kinh tế đất nước tiếp tục đối mặt với những khó khăn và thách thức to lớn trong năm 2012, khả năng các huy động nguồn lực cho Chương trình vẫn tiếp tục bị hạn chế nên công tác chỉ đạo triển khai Chương trình cần đổi mới tư duy, cách làm nhằm nâng cao hiệu quả, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực, trực tiếp thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân.
1. Mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu
- Đẩy nhanh tiến độ triển khai 20% số xã của cả nước phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2015 (trong đó 11 xã điểm của Ban Bí thư đạt chuẩn vào năm 2013) để có sức lan toả, thuyết phục cho các xã còn lại.
- 100% cán bộ NTM ở xã trong diện làm điểm và 50%  cán bộ ở cấp xã còn lại được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về xây dựng NTM;
- Tạo chuyển biến một bước phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập cho người dân và phát triển giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường, hạ tầng nông thôn.
- Có trên 90% số xã có quy hoạch chung (trong đó có 30% quy hoạch chi tiết) được phê duyệt và trên 90% số xã có đề án NTM được phê duyệt; hoàn thành việc xoá nhà tạm, dột nát.
2. Giải pháp trọng tâm
2.1. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền gắn liền với cuộc vận động và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” ở tất cả các xã; trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức trong Đảng và trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của nhà nước về xây dựng NTM... để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân hiểu rõ: (i) Đây là chương trình phát triển KTXH tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nông thôn, không phải là một dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; (ii) Xây dựng NTM phải do cộng đồng dân cư làm chủ thể, người dân phải phải nhận thức đúng và chủ động tham gia thì công cuộc xây dựng NTM mới thành công.
2.2. Hoàn thành đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung của Chương trình; điều chỉnh, sửa đổi những cơ chế chính sách chưa thực sự phù hợp, chưa sát với thực tế và làm rõ vai trò, trách nhiệm của nhà nước cũng như người dân, cộng đồng dân cư nông thôn (như cơ chế, thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản; thủ tục, qui trình thanh quyết toán các nguồn vốn theo hướng đơn giản).
2.3. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng và đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ xây dựng NTM các cấp, nhất là cán bộ cấp xã và thôn, bản. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và cập nhật nội dung các chuyên đề đào tạo; đổi mới phương pháp, tập huấn cho hiệu quả hơn.
2.4. Tiếp tục chỉ đạo công tác quy hoạch NTM và lập đề án NTM cấp xã theo thông tư liên tịch số 13 của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường; những xã đã qui hoạch xong cần rà soát, bổ xung để đảm bảo chất lượng.
2.5.  Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh PTSX nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tập thể và đẩy mạnh liên kết sản xuất; thí điểm và hoàn thiện các mô hình cung ứng vật tư, dịch vụ nông nghiệp gắn kết với phát triển sản xuất, chú trọng cấp thôn, hộ gia đình. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn với nhu cầu sử dụng;
2.6. Đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế và xây dựng đời sống văn hoá NTM;
2.7. Về xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản thiết yếu cấp xã cần ưu tiên các công trình ở thôn, bản trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống của người dân (công trình hạ tầng thuỷ lợi, giao thông, điện, nước sạch...);
2.8. Quan tâm chỉ đạo các tỉnh điểm, huyện điểm và 20% số xã trong diện làm trước gắn với triển khai trên diện rộng. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển CSHT thiết yếu và PTSX cho 20% số xã, phấn đấu đạt chuẩn vào 2015; đồng thời, đẩy mạnh triển khai các nội dung không cần nhiều kinh phí trên địa bàn của tất cả các xã, như phát triển sản xuất, cải tạo vườn tạp, cải tạo nhà ở, các công trình vệ sinh gia đình, nâng cao đời sống văn hoá nông thôn, xây dựng tình làng nghĩa xóm...
IV. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Về sửa đổi, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn triển khai:
1.1. Các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thành các văn bản hướng dẫn (đã được phân công tại Quyết định số 800/QĐ-TTg). Đồng thời phải kiểm tra, bám sát tình hình thực hiện để sớm chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp ngay trong năm 2012.
(a) Bộ KHĐ ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản theo hướng đơn giản, tạo điều kiện cho cộng đồng, CQ cơ sở chủ động triển khai;
(b) Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế, qui trình, thủ tục tài chính thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM theo hướng đơn giản hoá;
(c) Bộ Xây dựng:
- Xây dựng tiêu chí nhà ở nông thôn phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc và nếp sống văn minh NTM; Hướng dẫn về quản lý xây dựng nông thôn theo QH.
(d) Bộ Nông nghiệp và PTNT:
- Xây dựng và ban hành quy trình thẩm định, xét duyệt công nhận xã NTM.
- Ban hành sổ tay hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu, PTSX hàng hóa ở xã NTM;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan căn cứ vào ban hành quyết định về chế độ phụ cấp cho thành viên thuộc Ban Chỉ đạo và VPĐP chương trình ở các cấp.
(e) Bộ Thông tin- Truyền thông: Hướng dẫn thực hiện quyết định số 119/QĐ-TTg về phát triển thông tin, truyền thông nông thôn.
(g) Bộ Văn hoá – TT và DL: Hướng dẫn về xây dựng đời sống văn hoá mới.
(h) Bộ Nội vụ: Xây dựng chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác ở nông thôn và vùng đặc biệt khó khăn. Theo dõi việc thực hiện Quyết định 170/QĐ-TTg;
- Xem xét, bổ sung thêm 01 Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chuyên trách; ban hành quy định về biên chế cho bộ phận chuyên trách triển khai xây dựng NTM ở các cấp.
(i) Bộ Lao động, TB&XH sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP, ngày 19/5/2011 về giảm nghèo bền vững.
(k) Bộ Giao thông nghiên cứu và sửa đổi lại tiêu chuẩn về giao thông nông thôn cho phù hợp với thực tiễn.
1.2. Đề xuất điều chỉnh một số chế độ, chính sách của Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010:
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành Trung ương và của một số tỉnh, kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi mức ngân sách hỗ trợ cho một số công trình quy định tại Điểm a, Khoản 3, Mục VI của Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 như sau:
a. Tất cả các Bộ, ngành đều nhất trí thay từ “vốn ngân sách Trung ương” thành “vốn ngân sách Nhà nước” (bao gồm cả vốn Trung ương và vốn địa phương).
b. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho 3 loại công việc: xây dựng trụ sở xã, lập quy hoạch NTM và đào tạo cán bộ. (Riêng Bộ Tài chính đề nghị nhà văn hoá xã thuộc nhóm công trình được ngân sách nhà nước hỗ trợ tới 100%.)
Với bốn loại công trình: đường giao thông chính đến trung tâm xã, trạm y tế xã, nhà văn hóa xã, trường học các cấp (nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã) nay chỉ hỗ trợ một phần; ý kiến của các Bộ, ngành tập trung vào 02 phương án cụ thể như sau:
- Phương án 1: Qui định rõ, cụ thể mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với các hạng mục nêu trên. Đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, xã vùng bãi ngang, xã biên giới, xã thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ (gọi tắt là xã nghèo), ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 90% kinh phí.
Đối với các xã còn lại không thuộc diện trên, ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 70% kinh phí.
- Phương án 2: Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính, đề nghị không qui định cứng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Hàng năm, ngân sách trung ương hỗ trợ một khoản cho các tỉnh, thành phố để xây dựng NTM. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho từng đối tượng cụ thể giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định để phù hợp với thực tế của địa phương.
c. Những tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách: Bộ Tài chính đề xuất phương án giảm điều tiết về Trung ương để địa phương có thêm nguồn lực cho xây dựng NTM.
2. Về huy động nguồn lực thực hiện chương trình
2.1. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước:
Trong điều kiện hiện nay thu nhập của nông dân còn rất thấp thì hỗ trợ của Nhà nước giữ vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa tạo đà và niềm tin cho cộng đồng dân cư và các thành phần kinh tế khác tham gia, đóng góp.
Tuy nhiên trong điều kiện kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, ưu tiên hàng đầu của Đảng và Chính phủ trong giai đoạn sắp tới là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô gắn với tái cơ cấu nền kinh tế; do vậy Bộ Nông nghiệp và PTNT cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, đề xuất 03 phương án cho giai đoạn 2013 -2015 như sau:
a. Phương án 1:
- Để xác định nguồn vốn ngân sách hỗ trợ giai đoạn 2013 - 2015: Đề nghị các Bộ, ngành chủ trì, xây dựng kế hoạch triển khai các tiêu chí đã được phân công, phân tách rõ các nguồn vốn (bố trí trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM, lồng ghép các chương trình, dự án khác, ...) Trên cơ sở đó Bộ KHĐT tổng hợp, xác định nhu cầu vốn hàng năm và cho cả giai đoạn 2011-2015.
- Vừa qua Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đã có văn bản số 99/BCĐTW-VNĐP ngày 13/12/2011 đề nghị các địa phương xác định danh sách các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2015 cùng với nhu cầu nguồn lực. Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, nhu cầu nguồn lực bình quân cho mỗi xã để đạt chuẩn NTM là từ 125 tỷ đồng/xã. Do đó, để tập trung hỗ trợ cho 20% số xã đạt chuẩn vào năm 2015 (tương đương với 1.820 xã), nguồn ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2011-2015 là 91.200 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM là 38.675 tỷ đồng, chiếm 17%). Ngân sách nhà nước (bao gồm NSTW và NSĐP) cần bố trí trực tiếp cho Chương trình NTM bình quân hàng năm khoảng 12.000 tỷ đồng/năm trong 03 năm từ 2013 đến 2015. Hiện nay, ngân sách địa phương đã bố trí cho xây dựng NTM khoảng 5.000 tỷ đồng hàng năm chưa kể các nguồn vốn lồng ghép (chủ yếu là 13 tỉnh tự cân đối ngân sách); do đó, đề nghị NSTW bố trí trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM khoảng 7.000 tỷ đ/năm trong 03 năm tới đây với tổng kinh phí khoảng 21.000 tỷ cho cả giai đoạn 2013 -2015. 
b. Phương án 2:
- Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg với cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM chiếm 17%, với tổng số vốn bình quân trong đề án của một xã như phương án 1 thì NSNN cần hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng.
- Kế thừa từ kinh nghiệm chỉ đạo của 11 xã điểm của Ban Bí thư, NSTW hỗ trợ bình quân mỗi xã 27 tỷ đ/xã. Sau 3 năm triển khai, tổng số vốn đã huy động được của 11 xã khoảng 2.523 tỷ đồng (chưa kể đến công lao động và hiến đất của người dân). Trong đó, NSNN chiếm 31,5% (vốn NSTW là 11,9%); ngoài ngân sách là 68,5% (doanh nghiệp 4,7%; tín dụng 53,4% và cộng đồng dân cư khoảng 10,3%). Một số tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc cũng có chính sách hỗ trợ cụ thể mỗi xã từ 10-15 tỷ đồng cho các xã.
Trong điều kiện NSNN còn khó khăn, đề nghị Chính phủ xem xét công bố NSTW hỗ trợ mỗi xã trong diện phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2015 với mức kinh phí khoảng 10 tỷ đồng/xã (trong đó có thể cấp 50% dưới dạng vật liệu xây dựng như xi măng). Thời gian hỗ trợ trong vòng 03 năm. Còn lại huy động từ ngân sách địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp và đóng góp của người dân. Trên cơ sở đó, cộng đồng dân cư sẽ bàn bạc, tìm tòi, xoay sở giải pháp huy động nguồn lực. Với cách làm này, sẽ thay đổi cơ bản tư duy dự án, tâm lý thụ động trông chờ cấp trên. Vai trò chủ thể, tính chủ động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư sẽ thực sự được phát huy và sẽ tạo ra động lực thúc đẩy việc huy động các nguồn lực xã hội cho xây dựng NTM (tức là thực hiện theo phương châm “dân làm, nhà nước hỗ trợ”  với cơ chế “nhà nước hỗ trợ 1 phần có sự giám sát của cộng đồng”).
Theo phương án này, sẽ hỗ trợ cho 1.820 xã (khoảng 20% tổng số xã), trong đó có 500 xã thuộc 13 tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách. Do vậy tổng số ngân sách Trung ương hỗ trợ cho 1320 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015,  khoảng 13.200 tỷ đồng cho 03 năm tới, mỗi năm khoảng 4.400 tỷ đồng.
Ngoài vốn ngân sách, đề nghị Chính phủ có Chương trình tín dụng đặc thù hỗ trợ cho chương trình xây dựng NTM.
Bên cạnh đó; hàng năm, đề nghị ngân sách Trung ương cần bố trí khoảng 150 tỷ cho 7300 xã còn lại để triển khai các hoạt động như tuyên truyền, đào tạo, và quản lý, điều hành (bình quân 1 xã khoảng 20 triệu).
2.2. Về vốn tín dụng: Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, bổ xung tạo cơ chế thuận lợi hơn để người dân, doanh nghiệp nông nghiệp, các tổ chức kinh tế tập thể dễ tiếp cận nguồn vay tín dụng; Nghiên cứu ban hành một Chương trình tín dụng đặc thù cho Chương trình MTQG xây dựng NTM.
2.3. Tăng cường hợp tác quốc tế để thực hiện Chương trình: Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tăng cường kêu gọi hỗ trợ từ nguồn vốn ODA để thực hiện Chương trình. Trong đó ưu tiên hỗ trợ đào tạo cán bộ vận hành và đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ vốn vay để tăng nguồn lực cho phát triển hạ tầng KTXH cấp xã và đẩy mạnh phát triển sản xuất.    
3. Đề xuất điều chỉnh – sửa đổi một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia NTM.
Ngày 16/4/2009, TTCP đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM gồm 19 tiêu chí, theo 7 vùng. Việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về NTM là rất cần thiết để định hướng và là thước đo để đánh kết quả phấn đấu xây dựng NTM của từng xã. Bộ tiêu chí với những chỉ tiêu cụ thể là mục tiêu phấn đấu cho cả một quá trình xây dựng NTM.
Sau hơn 1 năm triển khai nhiều địa phương và có ý kiến đề nghị sửa đổi một số tiêu chí chưa phù hợp, đa số ý kiến tập trung vào 02 tiêu chí: Thu nhập (tiêu chí 10) và cơ cấu lao động trong nông nghiệp (tiêu chí 12). Một số địa phương có ý kiến đề nghị sửa đổi hoặc quy định rõ hơn về các tiêu chí thuỷ lợi (tiêu chí 3), chợ nông thôn (tiêu chí 7), nhà ở dân cư (tiêu chí 9) và hợp tác xã hoạt động có hiệu quả (tiêu chí 13). Do vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng vì đây là một chương trình dài hạn nên cần đặt trong dài hạn để đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi một số tiêu chí không phù hợp, cụ thể như sau:
3.1. Tiêu chí thu nhập (tiêu chí 10):
- Quy định theo Bộ tiêu chí: “Thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh bằng 1,4 lần”.
- Căn cứ đề nghị thay đổi:
+ Bình quân 1,4 lần của tỉnh là mức cao, đa số các xã không đạt được. Cách tính như vậy sẽ dẫn đến khác nhau về thu nhập ở các xã NTM (vì mức 1,4 lần sẽ khác nhau giữa các tỉnh).
+ Theo Nghị quyết 26/NQ-TW thì đến năm 2020, mức thu nhập của cư dân nông thôn phải đạt 2- 2,5 lần so với mức năm 2008 (năm 2008, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 450 USD, tương đương với 9 triệu đồng). Do đó, nếu gấp 2- 2,5 lần sẽ tương ứng 18-22 triệu đồng. Đây là mức bình quân chung, đối với các xã NTM đòi hỏi người dân phải có mức sống khá giả thì phải có mức thu nhập bình quân 25-30 triệu đồng. Do vậy, đề xuất sửa đổi theo 2 phương án:
+ PA 1: Đến năm 2015, bình quân thu nhập/ người gấp 4 lần mức chuẩn nghèo (hiện tại tương đương 20 triệu đồng/người/năm).
+ PA 2: Đến năm 2015, bình quân thu nhập đạt 18 triệu đồng/ người/năm và phải đảm bảo mức tăng trưởng 10%/năm trong 3 năm liên tục trước đó. 
3.2. Về chuyển dich cơ cấu lao động (tiêu chí 12):      
- Quy định trong Bộ tiêu chí quốc gia: Tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp < 30%.
- Cơ sở đề xuất sửa đổi: Các địa phương đều thấy khó thực hiện tiêu chí này, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu, sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Do việc chuyển dịch cơ cấu lao động phụ thuộc nhiều vào tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị hoá, những yếu tố này hiện đang rất chậm phát triển. Vì vậy, đề xuất sửa đổi theo 2 phương án:
+ Phương án 1. Thay nội dung tiêu chí này bằng tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 80%.
+ Phương án 2. Xác định tỷ lệ cơ cấu lao động phù hợp cho từng vùng sinh thái (giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất cụ thể).
3.3. Tiêu chí thuỷ lợi (tiêu chí 3):
- Quy định trong Bộ tiêu chí: Hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; tỷ lệ kiên cố hoá kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá đạt 65%.
- Căn cứ đề xuất điều chỉnh: Do điều kiện rất khác biệt về sản xuất dẫn đến sự khác biệt về yêu cầu thuỷ lợi giữa các vùng đặc thù (vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi và Tây nguyên và với các vùng còn lại) nên không phù hợp khi áp dụng cùng một tỷ lệ kiên cố hoá kênh mương . Vì vậy, đề xuất sửa đổi theo 2 phương án:
+ Phương án 1. Hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Tỷ lệ cứng hóa giao cho Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố quy định.
+ Phương án 2. Giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất tỷ lệ cứng hoá công trình thuỷ lợi phù hợp với chủng loại và đặc thù của các vùng.
3.4. Tiêu chí chợ nông thôn (tiêu chí 7):
- Quy định của Bộ tiêu chí: “Chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng”.
- Căn cứ đề nghị điều chỉnh:
+ Theo quy định hiện hành thì mỗi xã phải có một chợ, nhưng nhiều ý kiến phản hồi là khó thực hiện vì không cần thiết và gây lãng phí.
+ Thực tế chợ nông thôn là một yếu tố cần thiết để phục vụ dân sinh và thúc đẩy phát triển kinh tế ở các địa phương. Mặt khác còn có ý nghĩa văn hoá làng quê. Phát triển chợ là nội dung cần cho xây dựng NTM, nhưng sự hình thành chợ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không phải cứ muốn lập chợ là được, nhiều nơi lập chợ xong không có người họp (hiện tại hầu hết các huyện đều đã quy hoạch chợ trên địa bàn, dựa trên chợ truyền thống để nâng cấp, mở rộng là chính. Trong đó có nhiều chợ liên xã). Do vậy, giao cho Bộ Công thương đề xuất tiêu chí này cho phù hợp.       
3.5. Về nhà ở dân cư (tiêu chí 9):
- Quy định trong Bộ tiêu chí quốc gia: Không có nhà tạm, dột nát và tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ xây dựng là 80%.
- Cơ sở đề nghị sửa đổi: Quy định nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng hiện nay là 4 cứng (tường cứng, cột cứng, nền cứng, mái cứng). Trong đó, nhiều xã vùng ĐBSCL và Tây nguyên cho rằng những quy định nhà ở phải kiên cố, đảm bảo cho người dân nông thôn ăn ở văn minh, kiến trúc phải phù hợp với văn hoá dân tộc là vấn đề cần nhưng quy định của Bộ Xây dựng chưa phù hợp với thực tế của vùng nên đề nghị Bộ Xây dựng cần có quy định phù hợp hơn.
3.6. Tiêu chí có HTX hoạt động có hiệu quả (tiêu chí 13):
- Quy định trong Bộ tiêu chí: Có HTX hoạt động hiệu quả
- Căn cứ đề nghị điều chỉnh: Các ý kiến cho rằng xây dựng NTM rất cần có HTX nhưng thế nào là có hiệu quả thì phải có chỉ số đánh giá cụ thể. Do vậy, giao Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu để hướng dẫn rõ hơn.  
4. Đề xuất tổ chức hội nghị toàn quốc: Đề nghị Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo cho tổ chức Hội nghị trực tuyến với Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới các tỉnh, thành phố trong cả nước để triển khai nhiệm vụ năm 2012. Thời gian dự kiến sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo kế hoạch vốn năm 2012.
Trên đây là báo cáo tóm tắt kết quả Chương trình xây dựng NTM những nội dung cần tập trung chỉ đạo năm 2012.
Xin báo cáo đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo và các đại biểu tham dự Hội nghị.
 
 
BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
 


[1] Một số địa phương do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban: Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Giang, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Trà Vinh, Bình Định; một số địa phương do đồng chí Phó Bí thư làm Trưởng ban: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Long An; hai địa phương do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban: Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu,.
[2] Ba địa phương chưa tổ chức phát động thi đua bao gồm: Quảng Ngãi, Bình Dương, Kon Tum.
[3] Theo báo cáo của tỉnh Đồng Nai, xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) đã đạt đủ 19 tiêu chí.
[4] Trong đó, điển hình như Hà Nội bố trí 1870 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, Vĩnh Phúc 1.016 tỷ, Quảng Ninh 870,8 tỷ, thành phố Hồ Chí Minh 757 tỷ, Thái Bình 278,5 tỷ, Hà Nam 170 tỷ, Trà Vinh 250 tỷ, Sóc Trăng 82 tỷ...
[5] Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã làm việc tại Bình Phước, Nam Định; Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đi kiểm tra Hà Tĩnh, Nam Định, Phú Thọ, An Giang, Nghệ An, Gia Lai, Thái Bình; Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng đã đi kiểm tra Thái Bình, Hà Tĩnh, Bình Phước, Gia Lai, Bạc Liêu, Đà Nẵng; Thứ trưởng Nguyễn Đăng Khoa đã đi kiểm tra Phú Thọ, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bình Phước, An Giang, Nghệ An, Nam Định, Gia Lai...
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập190
  • Hôm nay35,718
  • Tháng hiện tại693,787
  • Tổng lượt truy cập90,757,180
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây