Mở rộng đất trồng màu
Qua nhiều năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu SX, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã định hình SX lúa đóng vai trò chủ lực. Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế đó, đất trồng màu được xem còn giàu tiềm năng chưa khai thác hết. Thực tế chứng minh trên nhiều vùng đất lúa có thể luân canh trồng màu thích hợp và mang lại hiệu quả cao.
Ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, tỉnh An Giang có vùng đất phù sa giáp với biên giới Campuchia rất thuận lợi cho cây bắp phát triển tốt. Trong đó điển hình là vùng trồng bắp lai hơn 4.500 ha/năm và bắp nếp 4.338 ha/năm tập trung ở các huyện Chợ Mới, Phú Tân. Cây bắp lai chứng tỏ thích nghi ở đây, năng suất trung bình đạt 10,8 tấn/ha/vụ nên là cây trồng được địa phương lựa chọn luân canh và trồng 3 vụ trong năm.
Trồng đậu nành trên đất lúa
Tương tự, trên vùng đầu nguồn cạnh sông Tiền, tỉnh Đồng Tháp có trên 3.600 ha bắp nếp và bắp lai. Trong vụ XH, nông dân trồng bắp chiếm 2/3 diện tích cây màu của tỉnh. Trong đó, các huyện Thanh Bình, Lấp Vò, Hồng Ngự trồng bắp nếp, còn một số địa phương khác trồng bắp lai luân canh với lúa.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ nhất là tỉnh Vĩnh Long. Nhờ có địa thế nằm giữa sông Tiền và sông Hậu và hệ thống kênh, rạch tạo nguồn nước tưới tiêu thuận lợi quanh năm, đất đai ở huyện Bình Tân phù hợp nên vùng lúa, khoai lang không ngừng mở rộng.
Năm 2010 từ 4.000 ha tăng lên 9.000 ha trong năm 2012. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 12.000 ha bắp nếp trồng nhiều ở các huyện Trà Ôn, Bình Tân, Vũng Liêm, Tam Bình và thị xã Bình Minh. Theo Sở NN-PTNT Vĩnh Long, mô hình luân canh sau vụ lúa ĐX là trồng bắp ở vụ XH đang có xu hướng tăng lên.
Khuyến khích trồng đậu nành
Các tỉnh trong vùng đang hình thành các vùng chuyên canh trồng màu và tạo ra sản phẩm đặc trưng. Cụ thể ở An Giang có bắp, khoai môn; Sóc Trăng có hành tím, củ cải trắng; Hậu Giang có mía, khóm; Kiên Giang có củ kiệu; Đồng Tháp có ớt… Tuy nhiên, theo cán bộ nông nghiệp ở các tỉnh dù luôn đẩy mạnh công tác khuyến nông song đất trồng màu tăng lên vẫn còn chậm, chưa phát huy hết lợi thế.
Gợi ý về một giống cây trồng phù hợp ở ĐBSCL, theo Bộ NN-PTNT năm 2012 nước ta phải nhập khẩu đậu nành 1.276.000 tấn, với giá trị 755 triệu USD. Đậu nành trồng trong nước chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Trong khi đậu nành có nhu cầu tiêu dùng trong chế biến thực phẩm hàng ngày cho người dân và chế biến thức ăn chăn nuôi còn rất lớn, do đó Bộ khuyến khích nông dân ở ĐBSCL tìm giải pháp phát triển luân canh cây đậu nành trên đất lúa.
Về mặt kỹ thuật, Viện lúa ĐBSCL khuyến cáo giữa hai vụ lúa ĐX và HT, nông dân nên trồng vụ màu XH để đảm bảo nông nghiệp phát triển bền vững. Nếu độc canh cây lúa thì hiệu quả kinh tế thấp so với mô hình trồng luân canh 2 lúa 1 màu. Nếu luân canh đậu nành trên đất lúa, lợi ích là cắt nguồn lây lan dịch bệnh, tăng năng suất lúa, cải tạo đất.
Năm 2012, qua số liệu thống kê nông dân tỉnh Đồng Tháp trồng đậu nành năng suất đạt 2,3 tấn/ha, lãi 15 - 20 triệu đồng/ha, trong khi trồng lúa lãi 12,5 triệu đồng/ha. Sau vụ đậu, lượng đạm từ phân hữu cơ của thân và lá đậu để lại nông dân không phải bón phân nhiều cho vụ lúa HT.
Ông Huỳnh Hiệp Thành, GĐ Trung tâm Khuyến nông An Giang cho biết, nông dân huyện Châu Phú, Chợ Mới trồng đậu nành năng suất đạt 2 - 2,5 tấn/ha. Do đó dự án đưa giống mới đậu nành ĐT 2006 năng suất đạt trên 3 tấn/ha đang được nhiều nông dân mong muốn tham gia thay đổi giống và tăng diện tích đất trồng màu.
Theo chương trình hành động của Bộ NN-PTNT năm 2013, cây lương thực ở ĐBSCL tiếp tục phát huy lợi thế, chuyển đổi một số vùng đất trồng lúa bấp bênh sang trồng bắp và đậu nành, bảo đảm 3,8 triệu ha đất trồng lúa. Đất trồng bắp ổn định 1,145 triệu ha, sản lượng gần 5 triệu tấn. Đất trồng sắn 510.000 ha, sản lượng khoảng 9,2 triệu tấn. Đối với cây công nghiệp ngắn ngày: Mía ổn định 290.000 ha, sản lượng 18,3 triệu tấn; đậu phộng 200.000 ha, sản lượng 430.000 tấn; đậu nành 175.000 ha, sản lượng 263.000 tấn và trên 1 triệu ha rau, đậu các loại, sản lượng 14 triệu tấn rau và 200.000 tấn đậu. |
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là không phải cứ muốn chuyển đổi là thành công được. Còn tùy theo yếu tố giống, loại cây trồng thích nghi điều kiện đất đai, hạ tầng đảm bảo nguồn nước bơm tưới, cơ giới hóa sau thu hoạch và nhất là nông phẩm làm ra có sức cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ.
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam: Ở Nam bộ, mô hình CĐML có hơn 76.000 ha, nếu phát triển mạnh lên 100.000 ha sẽ đạt 1 triệu tấn lúa chất lượng cao. Tuy nhiên nếu đi theo hướng này bà con nông dân có mức thu nhập rất thấp. Trong khi chuyển đổi cơ cấu màu còn rất chậm.
Trước đây An Giang có chương trình chuyển đổi cơ cấu trồng màu, nhưng chuyển không lên được. Hồi trước giải phóng cơ cấu màu chiếm khoảng 15%, sau đó cơ cấu màu ở ĐBSCL chưa bao giờ chiếm hơn 4%, ngoại trừ tỉnh Vĩnh Long chiếm cao nhất, trên 10% nhờ có vùng trồng khoai lang.
So sánh thu nhập trên diện tích đất ở ĐBSCL còn thấp, khoảng 30 -40 triệu đồng/ha, trong khi ở Đồng Nai trên 65 - 67 triệu đồng/ha và TPHCM đạt trên 170 triệu đồng/ha. Như vậy, thay vì vụ XH có khoảng 150.000 ha chuyển đổi hẳn qua trồng mè, đậu nành, cơ cấu màu sẽ tăng lên và mục đích cuối cùng nhằm nâng cao thu nhập nông dân.
Ngày 1/4/2013 - Theo Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã