Ăn chắc
Nói về hiệu quả từ việc chọn cây màu thay thế cho cây lúa vụ 3, bà con nông dân ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng khẳng định trồng màu cho thu nhập ổn định hơn so với trồng lúa. “Thời gian qua đã có nhiều diện tích lúa vụ 3 bị thiệt hại do khô hạn, xâm nhập mặn khiến cho nông dân “méo mặt”. Trong khi những người trồng màu lại phấn khởi vì trúng mùa, được giá”, ông Huỳnh Thanh Hóa, ngụ xã Kế An khẳng định.
Nhớ lại vụ dưa hấu trên đồng ruộng nhà mình vừa cho thu hoạch vài chục triệu đồng, bà Nguyễn Thị Mừng cười tươi, cho biết: “Cứ vào mùa khô hạn là gia đình tôi lại trồng màu trên đất lúa, chủ yếu là trồng dưa hấu. Đã nhiều năm nay năm nào cũng thu về từ 20 đến 30 triệu đồng/vụ”.
Trong vụ màu vào đầu tháng 1 vừa qua, gia đình bà Mừng áp dụng trồng dưa hấu trên diện tích hơn 3.000 m2 đất, sau gần 3 tháng cho thu hoạch gần 4 tấn/công. Với giá dưa hấu đang cao từ 6.000 -7.000 đ/kg), trừ chi phí còn thu lãi khoảng 25 triệu đồng. Nhận xét về mô hình này, không chỉ riêng ông Hóa, bà Mừng mà còn rất nhiều nông dân khác đều cho rằng, trồng màu có thời gian thu hoạch ngắn ngày hơn so với cây lúa. Chính vì thế sẽ chủ động được nguồn nước tưới tiêu, tránh được tình trạng xâm nhập của nước mặn vào đồng ruộng.
Hành lá đang giúp người dân trong vùng bán đảo Cà Mau có nguồn thu ổn định
Ông Võ Quốc Trung, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng nói: “Đưa màu xuống ruộng ở những vùng đất khó khăn được xem như là cách làm hay của nông dân. Để giúp cho bà con, thời gian qua cán bộ khuyến nông ở các trạm trên địa bàn thường xuyên mở các lớp tập huấn cách thức chăm sóc, ứng dụng KH-KT vào SX”.
Mô hình đưa màu xuống ruộng cũng được người dân ở tỉnh Bạc Liêu áp dụng phổ biến trong nhiều năm qua. Theo thống kê của ngành chuyên môn, từ đầu năm đến nay, nông dân ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu đã mạnh dạng chuyển đổi hơn 26 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, nâng tổng diện tích gieo trồng hoa màu của địa phương này lên khoảng 406 ha.
Ông Nguyễn Xuân Khoa, GĐ Trung tâm KN-KN Bạc Liêu cho biết: “Ở những vùng không chủ động được nguồn nước tưới tiêu trong SX lúa, nhiều năm nay người dân đã áp dụng mô hình trồng màu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo”.
Nông dân ở các địa phương xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông và TP Bạc Liêu trú trọng phát triển loại hoa màu chủ lực như ngò rí, hành lá, củ cải trắng và dưa hấu cho năng suất thu nhập bình quân khoảng 30 triệu đồng/ha. Lão nông Thạch Đen phấn khởi nói: “Với gần 1 ha đất trồng dưa hấu trong vụ thu hoạch bán Tết vừa rồi tôi thu lãi trên 80 triệu, cao gấp 3 lần so với trồng lúa mà khỏi phải lo bị thiệt hại”.
Anh Tuấn, một thương lái thu mua ở TP Bạc Liêu, cho biết sau Tết nhiều mặt hàng rau màu như dưa hấu, hẹ bông, cải xanh, xà lách trở nên hút hàng, cung thấp hơn cầu nên giá cả tăng cao khiến cho nông dân hăng hái bắt tay vào vụ SX mới. Để có hàng cung ứng ra thị trường các thương lái phải tranh nhau vào tận đồng ruộng để đặt hàng trước với nông dân.
Cần nhân rộng mô hình
Việc áp dụng mô hình đưa màu xuống ruộng ở những vùng có điều kiện khó khăn trong SX lúa tại nhiều địa phương trong vùng bán đảo Cà Mau, thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Với mô hình luân canh, xe canh lúa - màu đem lại nguồn thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt có hộ đạt đến mức siêu lợi nhuận gần 200 triệu đồng/ha/năm.
Việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp, đa dạng hóa cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng đất là một trong những cách làm mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nông dân. Tuy nhiên, để mô hình này ngày càng phát triển thì người dân cần hơn nữa sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự liên kết "4 nhà" để cây màu ngày càng bền vững trên đồng ruộng. |
Ông Võ Quốc Trung, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng nhận định: “Việc đưa màu xuống ruộng vừa tranh thủ được thời gian nhàn rỗi, vừa đem lại thu nhập kinh tế cao. Đây không chỉ là giải pháp chuyển đổi cơ cấu SX mà còn là cách để nông dân làm giàu”.
Theo ông Trung, với địa hình đặc thù của tỉnh thì việc áp dụng mô hình trồng mau thay cho lúa vụ 3 là một phương thức làm ăn hết sức đúng đắn. “Thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho người dân ở nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh, nhằm từng bước nhân rộng mô hình đạt hiệu quả cao này”, ông Trung nói.
Việc áp dụng luân canh lúa - màu trên đồng ruộng không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn giúp đất giữ được độ tơi xốp, màu mỡ, hạn chế sâu bệnh cho cây lúa ở vụ mùa tiếp theo. Ngành nông nghiệp ở các địa phương trung vùng bán đảo Cà Mau cho biết, thời gian tới sẽ đầu tư hỗ trợ cho nông dân về nguồn giống có chất lượng tốt, chuyển giao nhiều giống lai tạo mới đến tay nông dân.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã