Ông Thảo cho rằng, Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3.200 km, là hạ lưu của các dòng sông lớn chảy ra biển Đông, được Tổ chức Môi trường thế giới dự báo là một trong các nước sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu với ảnh hưởng trực tiếp do mực nước biển dâng là tình trạng mất đất, mất cân bằng tự nhiên, gây xói lở, bồi lấp sông, hồ, biển.
Ứng dụng công nghệ "cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển" tại kênh Tham Lương - TP.Hồ Chí Minh |
Trong khi đó, tốc độ bảo vệ môi trường sinh thái, tốc độ xây dựng bảo vệ bờ sông, hồ, biển do còn nhiều hạn chế về công nghệ cũng như nhu cầu vốn cho nên trên thực tế chưa theo kịp với nhu cầu và tốc độ xây dựng phát triển kinh tế, xã hội và chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trăn trở với vấn đề trên, ông Thảo đã ngày đêm mày mò, nghiên cứu và đã sáng tạo ra giải pháp công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển”, sẵn sàng bảo vệ bờ, sông hồ và đê biển cũng như phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đây là giải pháp có thiết kế thông minh ứng dụng linh hoạt trong các điều kiện địa chất, địa hình, khí tượng, thủy văn, hải văn khác nhau.
Cụ thể, giải pháp gồm các cấu kiện bê tông thành mỏng, kết cấu không dùng thép, kiểu dáng đa dạng, đa kích cỡ. Đồng thời, giải pháp sử dụng hệ liên kết lắp ghép đồng bộ: hình khối, cột trụ, đà giằng nhằm giữ ổn định, kết cấu lắp ghép chống đẩy, chống trượt... Các cấu kiện được liên kết với nhau bằng mối nối dạng khe trượt. Sản phẩm được đúc sẵn trong nhà máy, kiểm soát được chất lượng và tiến độ.
Trong các tình huống bất lợi do nền đất yếu, dòng chảy ngầm gây xói lở, lún sụt cục bộ cũng không xảy ra tình trạng đứt gãy và hở mối nối. Bên cạnh đó, tiến độ thi công chỉ bằng 1/3 thời gian so với giải pháp truyền thống do khắc phục được bất lợi về thời tiết, khí hậu, thủy văn. Thuận tiện cho công tác vận hành, duy tu, duy trì, bảo dưỡng, có khả năng di dời, tái sử dụng để cơi nới, hoặc bị vào vùng quy hoạch có thể di chuyển. Giảm chi phí đầu tư ít nhất 20% so với giải pháp truyền thống.
Hiện, sản phẩm đã được ứng dụng tại các tỉnh như: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (chống xói lở suối Rạch Tranh, ấp Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành); tại TP. Hồ Chí Minh (Thí điểm thành công Dự án kè bờ kênh Tham Lương – Bến Cát – Nước Lên thuộc dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực thành phố Hồ Chí Minh; dự án: Xây dựng, nâng cấp đê biển Cần Giờ tại thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa – Huyện Cần Giờ – TP. Hồ Chí Minh); tại tỉnh Thái Bình (Dự án Xây dựng thí điểm kè và nâng bãi trồng cây chắn sóng đê biển số 6 đoạn từ K33+020 đến K35+760 xã Đông Minh và đê biển số 5 đoạn từ K22+300 đến K23+300 xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải)...
Đánh giá về công nghệ này, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, công trình kè của Busadco đã giải quyết hoàn toàn được những vấn đề then chốt về đổi mới công nghệ, cải tiến, ứng dụng công nghệ, tạo ra sản phẩm mới để phục vụ việc chống sạt lở, xói mòn, chắn sóng, giảm sóng, tạo bờ, quai đê lấn biển, phát triển quỹ đất. Theo ông Chiến, kè Busadco có thể thay thế kè truyền thống và hữu ích phục vụ dân sinh, an sinh ven biển trong các mùa bão lũ, là một sản phẩm có đầy đủ các giải pháp kỹ thuật để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Đăng Nghĩa, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng công trình - Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP. Hồ Chí Minh cũng nhận định, khi sử dụng sản phẩm Busadco đã giải quyết được một số vấn đề như gia cố được nền đất yếu và điều tiết mực nước và dòng chảy. Bởi địa chất của TP. Hồ Chí Minh rất khó khắc phục do nền đất yếu, bùn nhão, một ngày 2 lần triều cường lên xuống, không có sự ổn định địa chất.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Việt Nam đánh giá, sản phẩm kè Busadco là một giải pháp đột phá trong lĩnh vực bê tông bởi tính sáng tạo của sản phẩm là sử dụng vật liệu cốt sợi PP (Polypropilen), cốt phi kim và thiết kế cấp phối không theo truyền thống. Từ đó tạo nên sản phẩm chất lượng bền vững và đa dạng về cấu tạo, kiểu dáng, tuổi thọ công trình cao, an toàn khi sử dụng.
Quỳnh Nga
http://baocongthuong.com.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã