Nhắc đến ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, không thể không nhắc tới việc ứng dụng các tổ hợp công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững của các doanh nghiệp sữa tại nước ta hiện nay. Đặc biệt là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và TH True Milk với dây chuyền chăn nuôi và sản xuất sữa theo các công nghệ hàng đầu trên thế giới hiện nay. Bò sữa chủ yếu được nhập khẩu từ các nước có nguồn giống tốt, cho năng suất sữa cao, chất lượng như New Zealand, Australia... Mỗi con bò được gắn chíp điện tử để thuận tiện trong việc truy xuất nguồn gốc và theo dõi sức khỏe, kiểm soát thời kỳ phối giống, phát hiện bệnh cùng với việc theo dõi các hoạt động thường ngày của chúng… Chuồng trại theo thiết kế có hệ thống mái được áp dụng công nghệ chống nóng bằng tôn lạnh với lớp nguyên liệu cách nhiệt, trong chuồng được bố trí hệ thống quạt làm mát phun tắm tự động; hệ thống dự trữ thức ăn, chế biến thức ăn được đầu tư hết sức đồng bộ, khẩu phần ăn được lập bằng máy tính và riêng cho từng loại bò; hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, quản lý đàn, hỗ trợ sinh sản, giám sát sức khỏe cũng hoàn toàn tự động, điều khiển bằng máy tính và các dữ liệu được truyền tải về trụ sở chính. Công việc vệ sinh, xử lý chất thải, hệ thống dọn phân tự động bảo vệ môi trường cũng áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất của thế giới…
Nhà máy sữa hiện đại tại Vinamilk Ảnh: CTV
Đến nay, Vinamilk đã có 8 trang trại quy mô lớn, các trang trại của Vinamilk là những trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á được chứng nhận GlobalGAP về Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu, được Bộ NN&PTNT công nhận Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Còn TH True Milk hiện đang có nhà máy sản xuất chế biến sữa tươi sạch có công suất thiết kế hơn 500 triệu lít sữa/năm, lớn nhất và hiện đại nhất châu Á cả về quy mô lẫn công nghệ. Các thiết bị hiện đại nhập khẩu từ châu Âu, toàn bộ hệ thống vận hành thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001 và ISO 2000. TH True Milk đã đạt danh hiệu “Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn nhất châu Á” do tổ chức Kỷ lục châu Á xác nhận.
Nhằm nâng cao năng suất trong chăn nuôi, nhiều hộ dân đã áp dụng công nghệ nuôi chuồng lạnh theo quy trình khép kín. Tiên phong trong ứng dụng công nghệ này ở nước ta là Tập đoàn C.P Việt Nam. Đến nay, công nghệ nuôi chuồng lạnh khép kín được được áp dụng phổ biến cho nuôi gà và nuôi lợn tại nhiều địa phương trên cả nước. Các trại nuôi này được xây dựng kín với hệ thống làm mát bằng nước, quạt hút gió, máng ăn tự động, hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ không khí bên trong, đệm lót sinh học… Nhiệt độ ở các chuồng lạnh luôn đảm bảo phù hợp cho sự phát triển của vật nuôi. Thức ăn, nước uống cũng được cung cấp tự động. Gà, lợn được nuôi trong chuồng kín, nhiệt độ ổn định theo từng độ tuổi. Chuồng được thiết kế kín, cách ly với bên ngoài hoàn toàn, một đầu có hệ thống nhiều quạt hút lớn, một đầu hệ thống làm mát từ nước. Khi hệ thống quạt hút giảm nhiệt độ bên trong không theo yêu cầu, bộ cảm ứng bên trong tự động bật hệ thống làm mát cho vật nuôi sẽ hoạt động. Nhiệt độ trong chuồng nuôi được điều chỉnh giảm dần theo độ tuổi của gà, lợn. Với hệ thống chuồng trại được làm khép kín, các quy trình xử lý khoa học nên hầu như không có mùi hôi đặc trưng trong chăn nuôi.
Nhờ đó, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người dân xung quanh; đồng thời giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh. Ngoài ra, ưu điểm của công nghệ này là tốn ít nhân công và được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt, nhờ đó đảm bảo sản phẩm khi xuất chuồng đạt chất lượng an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, công nghệ này đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn và quy trình kỹ thuật khá cao cho người nuôi. Hiện, công nghệ này đã được áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nuôi tại Hưng Yên, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Dương…
Công nghệ vi sinh hữu hiệu - EM là một công nghệ sinh học hiện đại, đa tác dụng và an toàn được phát minh bởi các nhà khoa học Nhật Bản trong những năm 80. Công nghệ EM sử dụng các vi sinh vật để phân giải nhanh, triệt để các chất hữu cơ phế thải trong tự nhiên, qua đó giải phóng, tái tạo năng lượng và dinh dưỡng cho đất, cây trồng và môi trường trong một chu kỳ sinh học khép kín. Công nghệ sử dụng và bổ sung nguồn vi sinh vật có ích để tạo lập thể cân bằng mới trong thế giới vi sinh vật tự nhiên theo chiều hướng có lợi cho môi trường. Các nhà khoa học cho rằng công nghệ EM là nội dung kỹ thuật nền tảng và quan trọng của một nền nông nghiệp mới - đó là “nông nghiệp thiên nhiên”, sự kết hợp giữa nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp thâm canh với sự giảm thiểu tối đa việc sử dụng hoá chất nông nghiệp; khai thác tối đa các yếu tố sinh thái. Trong chăn nuôi, EM có những tác dụng ưu việt gồm giúp vật nuôi chóng lớn, tăng tỷ lệ phát triển; giảm tỷ lệ chết; tăng tỷ lệ cai sữa và khả năng sinh sản; cải thiện chất lượng chăn nuôi; ngăn chặn phát triển bệnh tật và dịch bệnh; hạn chế mùi hôi thối trong chuồng nuôi; xử lý nước thải của chuồng trại và tái sử dụng nước thải… Có thể sử dụng EM trong chăn nuôi thông qua một số cách sau: Bổ sung vào nước uống; Bổ sung vào thức ăn; Phun chuồng trại để khử mùi hôi, cho vào nước thải để xử lý sinh học; Xử lý phân động vật thành phân bón hữu cơ có chất lượng. Tại Việt Nam hiện nay, đã có nhiều trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ EM và mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, thực phẩm chăn nuôi theo công nghệ EM của Nhật Bản như một luồng gió mới tiếp thêm sinh lực cho thị trường thực phẩm sạch đang còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Công nghệ vaccine 4 bệnh là công nghệ cho phép tiêm chủng một lúc vaccine phòng 4 loại bệnh nguy hiểm trên gà ta và gà màu 1 ngày tuổi tại trạm ấp, gồm: Marek, GumBoro, Newcastle, IB. Với công nghệ này, người nuôi sẽ chỉ phải tiêm chủng thêm 3 lần vaccine tại trại - thay vì 6 lần như truyền thống, giúp người chăn nuôi giảm công sức và tối đa hóa lợi nhuận. Toàn bộ quá trình phun và tiêm vaccine được thực hiện bằng máy tiêm và máy phun hiện đại, nhập khẩu từ châu Âu, có công suất lớn nên đảm bảo độ đồng đều và chính xác trong từng liều lượng vaccine là như nhau. Công nghệ vaccine tiên tiến này đã được triển khai trên nhiều nước có trình độ chăn nuôi và thú y phát triển bậc nhất thế giới như: Pháp, Mỹ, Brazil, Thái Lan… Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ là đơn vị đầu tiên ứng dụng công nghệ mới này trên các sản phẩm gà ta và gà màu một ngày tuổi nội địa. Được biết, Tập đoàn CEVA - Top 3 công ty thuốc thú y lớn nhất thế giới đã kết hợp với Công ty Lượng Huệ chuyển giao hơn 30 triệu gà được chủng vaccine 4 bệnh này.
>> Để ngành chăn nuôi thực sự phát triển bền vững thì việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất là hướng đi tất yếu của ngành. Tuy nhiên, việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ đòi hỏi sự phối hợp cũng như trợ giúp từ chính phủ, các cơ quan nghiên cứu cho doanh nghiệp và người nông dân trong chăn nuôi.
Lê Cung/nguoichannuoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã