Những năm trước, đàn bò của Quang Minh chỉ có vài chục con, chất lượng thịt ở mức trung bình. Hơn 4 năm nay, nhờ áp dụng phương pháp gieo tinh nhân tạo mà đàn bò của xã tăng lên 400 con, nuôi bò trở thành nghề chủ lực của hàng trăm hộ nông dân.
Được biết, trong quá trình nuôi bò, người dân đã tích cực tìm tòi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để đàn bò đạt giá trị kinh tế cao nhất. Vì thế mà khi các dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt được ngành nông nghiệp triển khai, nông dân xã Quang Minh nhanh chóng hưởng ứng và tiếp cận để áp dụng đại trà. Nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo mà đàn bò từng bước thay đổi cơ cấu giống, loại bỏ dần đàn bò vàng địa phương hoặc bò cái lai không đạt tiêu chuẩn.
Ưu điểm của các giống bò được gieo tinh nhân tạo là trọng lượng lớn hơn khá nhiều so với bò địa phương. Các giống bò lai có tốc độ sinh trưởng nhanh, bán được giá hơn so với bò phối giống trực tiếp 4 - 5 triệu đồng/con (bò lai Brahman khoảng 4 tháng tuổi giá 8-10 triệu đồng/con; bê lai Red Angus 12-14 triệu đồng con).
Chị Phạm Thị Diệu, ở ấp 6, xã Quang Minh tâm sự: Năm 2007, gia đình thực hiện phối giống cho 2 bò cái lai Sind với giống bò Limousine. Kết quả là bò mẹ sinh ra 2 bê cái lai Limousine có hình dáng đẹp, nhanh lớn. Với thành công ban đầu này, 5 năm qua, tổng đàn bò của gia đình tăng lên 8 con, trị giá hơn 100 triệu đồng. Năm vừa qua, gia đình chị Diệu bán một cặp bò giống giá khoảng 35 triệu đồng.
Chị Diệu phấn khởi chia sẻ: “Với việc nuôi các giống bò lai, mỗi lần bán là có thể cầm chục triệu đồng trong tay nên ham lắm. Thu nhập từ bò đã giúp gia đình trang trải chi phí sinh hoạt, tạo điều kiện nuôi con cái học hành tới nơi tới chốn”.
Ông Phạm Văn Hoang, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Phước cho biết: “Phương pháp gieo tinh nhân tạo hay thụ tinh nhân tạo có thể hiểu là những kỹ thuật được sử dụng để lấy tinh trùng của con đực đưa vào đường sinh dục của con cái mà vẫn cho hiệu quả thụ thai và sinh sản tương đương so với giao phối tự nhiên. Tinh của bò đực ở một lần lấy, sau khi pha loãng làm tinh cọng rạ thì được 100 - 150 liều (có thể phối có chửa cho 60 - 100 con bò cái). Ngoài ra, tinh của bò đực giống tốt có thể cất giữ được trong 30 năm và trong thời gian ấy, có thể truyền giống cho bò cái ở bất cứ nơi nào, bất cứ khi nào. Với những ưu điểm vượt trội đó, giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ tiến hành nhân rộng phương pháp này ra toàn tỉnh”.
Quảng Bình
Nguồn: kinhtenonghton.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã