Học tập đạo đức HCM

Khoa học – công nghệ cho nhà nông vừa thừa vừa thiếu

Chủ nhật - 03/02/2013 21:51
Đầu tháng 12.2012, vụ Khoa học – công nghệ (KH-CN) và môi trường (thuộc bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – NN-PTNT) cho biết, trong năm năm qua đã có hơn 4.380 đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm các cấp được triển khai, tạo ra được 273 giống cây trồng; lai tạo và chọn lọc được 29 dòng, giống vật nuôi mới; 20 quy trình công nghệ về bảo vệ thực vật...

nông dân tự làm lấy

 

 
Nông dân trồng lan. Ảnh: Phan Quang

 

Tháng 9.2012, tại chợ Công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2012 (Techmart 2012), không ít khách tham quan ngỡ ngàng bởi hàng trăm máy móc, thiết bị do người nông dân ở các vùng miền trong cả nước tự chế tạo thành công như máy gieo hạt càrốt, máy thái hành tỏi tự động, máy bóc vỏ hạt dành dành, lưỡi cày lên luống làm đất... Tuy nhiên, các chủ nhân của những sáng kiến này đều có một điểm chung là chế tạo phục vụ yêu cầu sản xuất chứ không nghĩ đến chuyện thương mại hoá hay đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. TS Tạ Bá Hưng, cục trưởng cục Thông tin KH-CN (bộ KH-CN) cho biết, từ yêu cầu thực tế, một bộ phận nông dân say mê cải tiến, chế tạo máy móc nhằm cơ giới hoá vài công đoạn trong quá trình sản xuất.

Câu chuyện này nói lên rằng, KH-CN Việt Nam không đủ đáp ứng nhu cầu của người nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam, nhất là công nghệ chế biến nông sản sau thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, thứ trưởng bộ NN-PTNT thừa nhận, ở lĩnh vực nông nghiệp có không ít doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền tỉ để mua công nghệ nước ngoài nhưng lại dè dặt khi bỏ tiền đầu tư phát triển KH-CN ngay chính doanh nghiệp của mình. Điều này đồng nghĩa với việc, các kết quả nghiên cứu của các tổ chức KH-CN trong nước được áp dụng vào sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp cũng như tất cả các lĩnh vực không nhiều.

Ứng dụng, chuyển giao chậm

Những năm qua, KH-CN nông nghiệp đã góp phần quyết định để nhiều nông sản của Việt Nam như gạo, chè, càphê, hạt tiêu, cao su... trở thành các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước. Tuy nhiên, đến nay, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam còn thấp. Phần nhiều nông dân còn rất thiếu thông tin và chưa tiếp cận được các loại giống mới, quy trình canh tác tiên tiến, các nhu cầu đa dạng của thị trường…

Theo bộ NN-PTNT, từ năm 2001 – 2011, các hoạt động KH-CN nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đóng góp trực tiếp vào GDP của ngành khoảng 35%. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bộ NN-PTNT đẩy mạnh công tác quản lý KH-CN, về tổ chức đã và đang gom bớt đầu mối từ vài chục viện nghiên cứu xuống còn 11 viện chính. Số nhà nghiên cứu khoa học tăng lên gần 8.000 người, cán bộ khuyến nông tăng 33.000 người. Đầu tư xây dựng cơ bản và nghiên cứu cũng tăng mạnh, gấp mười lần so với mười năm trước.

 

 
Lan nuôi cấy mô. Ảnh: Phan Quang

 

Bộ trưởng bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, mặc dù có những thành tựu lớn, nhưng công tác nghiên cứu, chuyển giao KH-CN vẫn chưa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị tăng thêm cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Một số lĩnh vực đã có công nghệ mới nhưng chậm hoặc ít được chuyển giao vào sản xuất hoặc KH-CN chưa tác động được nhiều như chè, dâu tằm, rau, nhiều loại cây ăn quả, chăn nuôi...

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tích cực đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, phải mở ra con đường nối nông dân với thị trường, để thực sự kết nối được doanh nghiệp với kinh tế nông nghiệp nông thôn, với người nông dân. Bởi, về lâu dài, không còn cách nào khác để ngành nông nghiệp tăng trưởng là phải dựa vào KH-CN để có thể phát triển bền vững.

Đề tài khoa học ở đâu?

Vấn đề được dư luận nói nhiều là rất nhiều đề tài gọi là "nghiên cứu khoa học" nhưng không có tính ứng dụng trong thực tế. Lãnh đạo bộ KH-CN, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này thừa nhận rằng, trong những năm qua, nhiều nhiệm vụ được coi là "đặt hàng" nhưng lại chỉ giới hạn ở phạm vi các nhà khoa học có khả năng giải quyết được, chứ không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu thực tế.

 

 
Ứng dụng phương pháp nuôi cấy lỏng tĩnh để nhân nhanh giống lan hồ điệp. Ảnh: Phan Quang

 

Với vấn đề phát triển nông nghiệp ở nông thôn, câu chuyện đó phải đồng nghĩa với việc cung cấp, xây dựng cho nông dân một kiến thức cao về KH-CN. Theo TS Nguyễn Quốc Vọng, đại học Nông nghiệp Hà Nội, kiến thức cao về KH-CN sẽ giúp nông thôn biết quy hoạch đất đai, mạnh dạn khoanh vùng để giữ gìn "bờ xôi ruộng mật", chỉ xây dựng công trường ở nơi thuận tiện, và sân golf phải ở nơi không phải đất nông nghiệp, với con số chừng mực bao nhiêu sân là hợp lý. Kiến thức cao về KH-CN sẽ giúp nông thôn biết ứng dụng các phương pháp sản xuất hữu cơ, IPM, GAP để bảo vệ môi trường, các phương pháp xử lý làm sạch nước, nâng cao chất lượng nước dùng trong nông nghiệp. Kiến thức cao về KH-CN cũng sẽ giúp nông thôn biết ứng phó với thiên tai bão lụt, tìm giải pháp thích ứng khi khí hậu biến đổi, và sẽ cho Việt Nam những giống lúa chống lụt (gene Sub1), chống mặn, phương pháp trồng hoa màu trên cát... Đó chính là những đòi hỏi thực tế mà các nhà khoa học cần phải nghiên cứu và cung cấp cho người nông dân Việt Nam.

TS Nguyễn Thị Trâm, đại học Nông nghiệp Hà Nội, cho rằng, để tạo động lực ứng dụng và phát triển KH-CN trong nông nghiệp, nên chọn một số đề tài KH-CN đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lớn để treo giải thưởng quốc gia, ai có thể thực hiện thì đăng ký, sau đó tự tìm kinh phí để thực hiện. Khi thành công, Nhà nước sẽ thưởng tiền, có thể gấp hàng chục lần chi phí mà người thực hiện đã bỏ ra, tính theo tỷ lệ phần trăm mà sáng tạo KH-CN đó mang lại cho cộng đồng.

Đã đến lúc cần chấm dứt hình thức đấu thầu trong cách làm KH-CN nông nghiệp nếu không muốn lĩnh vực này tiếp tục khủng hoảng. Do đó, cách làm tốt nhất là phải tìm cách để thu hút doanh nghiệp tham gia vào KH-CN nông nghiệp, hoặc sáp nhập các viện nghiên cứu với trường đại học chuyên ngành để tận dụng tối đa khả năng nghiên cứu, đào tạo. Hiệu quả đóng góp vào sản xuất nông nghiệp sẽ là yếu tố để thưởng, phạt các tổ chức KH-CN. Có như vậy, các đề tài, chương trình mới gắn với thực tiễn đời sống của người nông dân, của ngành nông nghiệp Việt Nam. Và từ đó, những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam mới hy vọng thoát khỏi tình trạng bán thô, khẳng định được vị trí của mình; còn nông thôn và người nông dân thì sẽ yên tâm sản xuất, phát triển một cách bền vững...



MINH VŨ
Nguồn:sgtt.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập468
  • Hôm nay50,685
  • Tháng hiện tại755,798
  • Tổng lượt truy cập90,819,191
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây