Sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi 37,6 triệu đồng, cao hơn so với ngoài mô hình gần 3 triệu đ/ha.
Trung tâm KN-KN Kiên Giang vừa tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện CĐL SX lúa theo hướng VietGAP vụ ĐX 2013-2014 và triển khai kế hoạch vụ HT 2014 tại HTXNN kênh 4A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp.
Ông Nguyễn Văn Giáo, Phó trưởng Trạm KN-KN huyện Tân Hiệp cho biết, vụ ĐX 2013-2014 trạm triển khai thực hiện 3 CĐL SX lúa theo hướng VietGAP với tổng diện tích 411 ha, trong đó CĐL tại xã Tân Hiệp A 60 ha.
Trong quá trình canh tác, nông dân được tham gia tập huấn kỹ thuật 2 đợt/vụ về lịch thời vụ, xử lý giống, sạ hàng, sạ thưa, phòng trừ cỏ dại, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, bón phân cân đối… và ghi chép sổ nhật ký.
Ngoài ra, trong suốt mùa vụ, cán bộ Tổ kinh tế kỹ thuật xã thường xuyên theo dõi đồng ruộng, kịp thời hướng dẫn nông dân khi cần. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ một phần chi phí lúa giống (4.000 đ/kg, mức chênh lệch giữa lúa hàng hóa và lúa giống cấp xác nhận), phân bón hữu cơ vi sinh…
Ông Lê Ngọc Định, xã viên HTXNN kênh 4A cho biết: “Tham gia CĐL đã giúp nông dân thay đổi được tập quán canh tác, giảm được lúa giống, phân bón… Đặc biệt là đã mạnh dạn thay thế giống lúa có chất lượng gạo thấp (IR 50404) bằng giống lúa thơm Jasmine 85. Nhờ SX theo hướng VietGAP nên giá bán cao hơn giống cùng loại 100 đ/kg (5.500 đ/kg lúa tươi), lãi ròng từ 36 - 37 triệu đồng/ha”.
Theo ông Định, mức lãi như trên là khá lý tưởng đối với nông dân trồng lúa. Tuy nhiên, do không có kho chứa nên nông dân phải bán lúa tươi ngay sau khi thu hoạch. Nếu có điều kiện phơi sấy tạm trữ 1 - 2 tháng, sau đó bán thường có giá cao hơn, lợi nhuận còn cao hơn nữa.
CĐL không chỉ giúp nông dân tăng thêm thu nhập mà còn mang lại hiệu quả xã hội, mô trường to lớn. Nông dân sử dụng cùng 1 loại giống, SX theo cùng quy trình kỹ thuật nên đã hình thành vùng nguyên liệu lớn, thuận lợi cho việc ký hợp đồng tiêu thụ.
Quy trình SX lúa theo hướng VietGAP đã giúp giảm được dư lượng thuốc BVTV và dư lượng nitrat trong gạo, góp phần bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe nông dân và người tiêu dùng. Đồng thời từng bước phát triển nền nông nghiệp sạch để nâng cao khả năng cạnh tranh của hạt gạo VN trên thương trường thế giới.
Từ thành công của CĐL trong vụ lúa ĐX 2013-2014, xã viên HTXNN kênh 4A tiếp tục đăng ký thực hiện mô hình trong vụ lúa HT tới và dự kiến sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 100 ha. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ chưa quen với việc sạ thưa nên đã đề nghị tăng lượng lúa giống từ 120 kg lên 150 kg/ha.
Vấn đề này đã được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KN-KN tỉnh giải thích: “Trước đây nông dân sử dụng lúa thịt để làm giống, tỷ lệ nảy mầm kém nên phải sử dụng nhiều lúa giống. Còn giống hỗ trợ nông dân trong CĐL là cấp xác nhận, có tỷ lệ nảy mầm cao hơn nên chỉ cần gieo sạ 120 kg/ha là vừa. Hơn nữa, việc sạ thưa sẽ giúp hạn chế được sâu bệnh, giảm lượng phân bón cũng như số lần phun xịt thuốc… Từ đó, làm hạ giá thành, tăng thêm lợi nhuận cho nhà nông”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã