Tại cánh đồng xã Thọ Lộc (huyện Thọ Xuân), Trạm Khuyến nông huyện thực hiện trình diễn mô hình lúa lai Xuyên Hương 178 tại thôn 2 và thôn 6, quy mô 1ha, giống lúa đối chứng là Nhị ưu 838, gieo mạ vào ngày 5/6, cấy ngày 20/6. Mật độ cấy từ 1 – 2 dảnh/khóm, cấy 35 – 40 khóm/m2; lượng phân chuồng bón là 400 – 500kg/sào (500m2), đạm urê 8kg, NPK 25kg, kali 7kg. Ông Lê Viết Phúc, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Thọ Lộc cho biết: Qua theo dõi và chỉ đạo sản xuất vụ mùa năm 2012 cho thấy, các giống lúa trên đều nhiễm nhẹ bệnh khô vằn, các loại sâu bệnh khác nhiễm nhẹ, chưa đến mức phải phun thuốc phòng trừ. Tuy nhiên, thời gian sinh trưởng giống Xuyên Hương 178 từ 105-108 ngày, ngắn hơn giống đối chứng 3-5 ngày, chiều cao cây trung bình, có dạng hình gọn, thân cây cứng nên khả năng chống đổ ngã trong vụ rất tốt. Ngoài ra, giống đẻ nhánh tập trung, số nhánh hữu hiệu cao, năng suất trung bình từ 75-80 tạ/ha.
Thực tế sản xuất trên cánh đồng Thọ Lộc cho thấy, đây là giống chịu thâm canh trung bình, thích hợp trồng trên đất vàn sâu, nếu thâm canh tốt năng suất có thể vượt 8 tấn/ha. Chất lượng gạo tốt, hạt trong, cơm ngon, có mùi thơm nhẹ nên được thị trường ưa chuộng. “Đặc biệt, về hiệu quả kinh tế, giống lúa này cho thu nhập cao hơn hẳn một số giống lúa khác. Tổng mức đầu tư cho 1 sào lúa Xuyên Hương là 599.000 đồng, lãi 1.165.000 đồng, cao hơn giống đối chứng 96.000 đồng. Ngoài ra, do giống có thời gian sinh trưởng ngắn nên thích hợp gieo trồng vào trà xuân chính vụ mùa nhằm tranh thủ thời gian làm vụ đông”, ông Phúc vui vẻ cho biết. Tại huyện Triệu Sơn, giống Xuyên Hương 178 được đưa vào gieo trồng thí điểm trên diện tích 1ha tại thôn 4 và thôn 6 (xã Thọ Thế), chủ yếu là chân đất vàn cao 3 vụ (2 vụ lúa – 1 vụ đông) và đất 2 vụ lúa, sản xuất trong điều kiện bình thường như các giống lúa lai Nhị ưu 986, Nhị ưu 838 cũng như các giống lúa thuần khác. Theo Trạm Khuyến nông huyện Triệu Sơn, thời gian sinh trưởng các giống lúa này ở mức trung bình, nhưng giống Xuyên Hương 178 có khả năng đẻ nhánh khá, số bông hữu hiệu/khóm bằng giống Nhị ưu 986 và cao hơn Nhị ưu 838 (0,3 bông/khóm), bộ lá có màu xanh sáng, lá đòng to khỏe nên có khả năng tích lũy chất khô lớn hơn một số giống khác. Riêng mô hình ở xã Thọ Thế, giống lúa Xuyên Hương 178 rất sạch bệnh, trong khi Nhị ưu 986, 838, BC15, Q5… vẫn bị nhiễm khô vằn. Trong cùng một điều kiện canh tác, giống cho năng suất tương đương Nhị ưu 986, cao hơn Nhị ưu 838 từ 1,3 – 1,4 tấn/ha. Đặc biệt, ở giai đoạn mạ, giống có tỷ lệ nảy mầm trên 95%, nảy mầm nhanh và đều, sạch sâu bệnh. Chia sẻ với chúng tôi, ông Phúc đề nghị Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam tiếp tục đưa giống Xuyên Hương 178 vào trình diễn ở vụ mùa trên diện tích rộng và nhiều chân đất khác nhau nhằm khẳng định chính xác hơn ưu thế cũng như khả năng thích ứng của giống trên đồng đất địa phương. Ngoài ra, Công ty cần có hướng dẫn kỹ thuật thâm canh để bà con canh tác hiệu quả nhất. Thiên Hương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã