Sau một thời gian đi vào vận hành, môi trường sản xuất tại các cơ sở được cải thiện rõ rệt, các thông số môi trường trong nước thải sản xuất như BOD5, COD, kim loại nặng... đều ở ngưỡng tiêu chuẩn cho phép. Ðặc biệt là, hiệu suất xử lý của các mô hình cao - đây cũng là mục đích hàng đầu được đặt ra khi lựa chọn các mô hình thí điểm; hệ thống hoạt động ổn định; lượng hóa chất và điện năng sử dụng cũng như chi phí vận hành tương đối thấp.
Trò chuyện với anh Nguyễn Ðại Bắc (38 tuổi) ở làng nghề Ðồng Côi (Nam Trực, Nam Ðịnh), chủ hộ sản xuất được tiếp nhận mô hình xử lý nước thải mạ từ năm 2010, được biết, cả làng có khoảng 10 hộ làm mạ, tuy nhiên, phần lớn đều chưa có hệ thống xử lý nước thải. Trước kia, mặc dù biết độc hại do ô nhiễm môi trường nhưng vẫn phải làm do mưu sinh. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải thí điểm, với kinh phí vận hành từ 5 đến 6 nghìn đồng/m3, chất lượng nước thải sau khi xử lý đã không còn mùi khó chịu, đặc biệt, nước không thải ra môi trường mà đã được sử dụng tuần hoàn lại cho công đoạn sản xuất. Với diện tích đặt mô hình nhỏ, hệ thống dễ vận hành và mức chi phí như trên là phù hợp cơ sở.
Ông Trần Huy Thế ở xóm 15, xã Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam), chủ hộ sản xuất được tiếp nhận mô hình xử lý nước thải dệt nhuộm cho biết, mặc dù phải tốn kém thêm một khoản tiền để xử lý môi trường (chi phí vận hành mô hình là 150 nghìn đồng/ngày) nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận được. Hiện tại, ông đang vận động các hộ sản xuất chung quanh lắp đặt mô hình để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đang tồn tại nhiều năm qua.
Sau khi xem xét các mô hình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhận xét, các mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, để bảo đảm tính bền vững và nhân rộng mô hình thì cần có thời gian và nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Nam Ðịnh và Hà Nam là những địa phương điển hình về tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay. Ðể giải quyết những bất cập về ô nhiễm môi trường nhằm phát triển bền vững, giải pháp đặt ra là cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và những quy định trong công tác bảo vệ môi trường phù hợp đặc thù của từng làng nghề... Mặt khác, cần có sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước cho các hoạt động liên quan đến cải thiện môi trường cũng như đầu tư các công trình xử lý ô nhiễm và phải có sự ràng buộc, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý môi trường địa phương. Ðặc biệt, cần tăng cường các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của người sản xuất tại làng nghề nói riêng và người dân nói chung.
Từ kinh nghiệm thực hiện xây dựng và áp dụng thử nghiệm các mô hình này càng khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu, lựa chọn các mô hình xử lý chất thải phù hợp từng loại hình làng nghề, qua đó góp phần xây dựng làng nghề Việt Nam theo hướng "công nghệ sản xuất xanh, làng nghề xanh".
Vũ Nhung
Theo nhandan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã