Nâng cấp đội tàu Gia đình ông Lê Văn Hùng (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) vừa đầu tư trên 2 tỉ đồng để đóng mới chiếc tàu có công suất 420CV. Ông Hùng vui vẻ khoe: “Bây giờ, nguồn lợi hải sản gần bờ đã cạn kiệt, nếu không đóng tàu lớn để ra khơi xa khai thác thì các chuyến đi biển sẽ bị lỗ. Mặt khác, khai thác hải sản trên tàu có công suất lớn, gặp lúc thời tiết xấu chúng tôi cũng an tâm hơn. Do vậy, mặc dù không đủ tiền, nhưng tôi vẫn quyết định bán chiếc tàu cũ công suất 120CV và vay ngân hàng khoảng 1 tỉ đồng để đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn hơn”. Không riêng ông Hùng, ngày càng có nhiều ngư dân Bình Định đầu tư vốn đóng mới tàu thuyền công suất lớn. Ông Trần Mạnh Tưởng, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn cho biết: “Hiện nay, ngư dân trong tỉnh Bình Định chủ yếu đóng tàu có công suất lớn chứ không đóng tàu công suất nhỏ nữa. Năm 2011, công ty chúng tôi đóng mới trên 120 chiếc tàu cho ngư dân Bình Định và các tỉnh miền Trung, trong đó chiếc có công suất nhỏ nhất là 200CV. Từ đầu năm đến nay, công ty đã nhận hợp đồng đóng mới gần 150 chiếc tàu có công suất từ 200-650CV và đã cho hạ thủy 120 chiếc”. Ông Trần Văn Vinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định cho biết: “Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 300 tàu thuyền đóng mới và nâng cấp máy (công suất bình quân 400CV/chiếc), thay thế dần các tàu có công suất nhỏ. Hiện nay, đội tàu thuyền khai thác hải sản của Bình Định thuộc loại hùng hậu nhất cả nước với 7.791 chiếc, tổng công suất trên 670.000CV, công suất bình quân 98,75CV/chiếc. Trong đó, tàu khai thác, đánh bắt xa bờ có công suất từ 90CV trở lên là 2.408 chiếc. So với năm 2005, số lượng tàu thuyền tăng gần gấp đôi, nhưng tổng công suất tăng đến 6 lần. Vươn ra khơi xa Chúng tôi về Hoài Nhơn, thủ phủ của nghề khai thác xa bờ ở Bình Định vào những ngày đầu tháng 9. Tại cảng cá Tam Quan, tàu thuyền tấp nập ra vào để bán cá, lấy tổn (nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước đá…) chuẩn bị cho chuyến biển mới. Chỉ vào chiếc tàu có công suất 250CV, ngư dân Lê Tiến Thọ ở xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn) nói: “Gia đình tôi làm nghề biển từ bao đời nay. Trước đây, đi biển bằng tàu nhỏ, công suất 50-70CV nên tôi chỉ khai thác ở những vùng biển gần bờ, sức lao động bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả mang lại không cao. Bây giờ có tàu lớn, trang thiết bị hiện đại nên có thể hoạt động dài ngày trên biển, tiết kiệm được chi phí; hải sản được bảo quản bằng công nghệ cấp đông, chất lượng đảm bảo hơn. Từ đầu năm đến nay, tôi đã đi đánh cá ở vùng biển Trường Sa được 6 chuyến. Năm nay cá nhiều hơn mọi năm, nên sau mỗi chuyến biển trừ chi phí, lãi 200 - 300 triệu đồng”. Hiện nay, tàu thuyền của ngư dân Bình Định thường xuyên di chuyển, khai thác đánh bắt tại các ngư trường ngoài tỉnh, trong đó thường xuyên hoạt động khai thác tại các ngư trường thuộc vùng biển xa như Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK1… Để giúp ngư dân ra khơi khai thác hiệu quả cũng như hạn chế rủi ro, thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh đã hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ đoàn kết khai thác xa bờ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 304 tổ đoàn kết khai thác xa bờ. Trước khi ra khơi, các chủ tàu trong tổ đã bàn bạc, thống nhất ngư trường khai thác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong việc tìm kiếm ngư trường, vận chuyển sản phẩm vào bờ… Nhờ đó đã giảm chi phí di chuyển từ bờ đến ngư trường, tăng thời gian bám biển và nâng cao chất lượng sản phẩm. Sự liên kết này còn hạn chế tình trạng cạnh tranh ngư trường, cạnh tranh lao động, đặc biệt là kịp thời hỗ trợ nhau khi gặp sự cố trên biển… Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định cho biết: “Ngoài sự nỗ lực của ngư dân, thời gian qua, Nhà nước cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, động viên ngư dân bám biển, vươn khơi, như hỗ trợ nhiên liệu đánh bắt, thông tin liên lạc, bảo hiểm… Hiện nay, ngành nông nghiệp Bình Định đang xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân, dự kiến ra đời vào cuối năm nay. Đây là quỹ nhân đạo được huy động từ nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm trong và ngoài tỉnh, nhằm hỗ trợ ngư dân gặp khó khăn do thiên tai; tàu bị đâm chìm trên biển; bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tài sản, phương tiện khi đang hành nghề trên vùng lãnh hải Việt Nam”.
Minh Hạnh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã