Kết quả cho thấy, cá rô đầu vuông sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện nuôi ở Đắk Lắk và hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua học hỏi mô hình từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Trung, tháng 5/2012, Chi cục Thủy sản Đắk Lắk đã đưa giống cá rô đầu vuông vào nuôi thử nghiệm tại các huyện Buôn Đôn, Cư M’Gar, Krông Pắk và TP.Buôn Ma Thuột với tổng diện tích 1.000m2 (mỗi mô hình 250m2). Bước đầu thấy cá rô đầu vuông có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn so với cá rô đồng và chưa xảy ra dịch bệnh. Mật độ thả nuôi 30 con/m2, sử dụng thức ăn viên tổng hợp hiệu Uni-President. Nguồn nước phải đảm bảo, nông dân có kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản. Thành công bước đầu là cơ sở để Chi cục Thủy sản Đắk Lắk khuyến khích bà con nuôi trên diện rộng, phát huy, tận dụng mặt nước sẵn có để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt của tỉnh. Gia đình ông Hà Đình Phùng ở thôn 2, xã Tân Hoà (huyện Buôn Đôn) là hộ tham gia mô hình nuôi thử nghiệm. Ông cho biết: “Tôi thấy cá rô đầu vuông lớn từng ngày, sau 5 tháng nuôi có thể đạt trọng lượng 6-8 con/kg” Gia đình ông Phùng có trên 2ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trước đây, ông chỉ nuôi các loại cá truyền thống nên hiệu quả không cao. Đến năm 2012, ông được Chi cục Thuỷ sản chọn làm điểm thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm cá rô đầu vuông thương phẩm. Ông Phùng chia sẻ kinh nghiệm: “Trong quá trình quản lý và chăm sóc, người nuôi phải đặc biệt quan tâm đến môi trường, nguồn nước, có hệ thống cấp thoát nước riêng và chủ động, độ sâu của ao phù hợp. Quy trình thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông thì mới cho năng suất, hiệu quả cao”. Cũng như ông Phùng, hộ ông Phùng Duy Truyền ở thôn 1, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) được chọn làm điểm thực hiện mô hình nuôi cá rô đầu vuông. Sau 5 tháng nuôi, dự kiến gia đình ông thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Ông Truyền cho biết: “Hiện có nhiều người đến tham quan và học tập mô hình này. Tôi đã nuôi cá gần 20 năm nhưng chưa thấy loài cá nào ăn tạp và có tốc độ lớn nhanh đến vậy. Hy vọng đây là đối tượng thủy sản giúp người dân thoát nghèo…”. Trên đây là 2 mô hình tiêu biểu trong số 4 mô hình được chọn làm điểm nuôi cá rô đầu vuông của Chi cục Thủy sản Đắk Lắk. Với giá bán hiện tại là 50.000 - 65.000 đồng/kg, ước tính mỗi mô hình cho lợi nhuận khoảng 15-20 triệu đồng. Để thực hiện thành công mô hình, Chi cục Thủy sản Đắk Lắk đã tổ chức 4 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm cho hộ dân tham gia mô hình và người dân tại các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Pắk và TP. Buôn Ma Thuột. Nhằm khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, từ kết quả ban đầu của mô hình nuôi cá rô đầu vuông, trong thời gian tới, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tổ chức hội nghị đầu bờ nhằm hướng dẫn, tuyên truyền cho nông dân để bà con đưa vào nuôi loài thủy sản này. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng phát triển diện tích nuôi ồ ạt như một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dẫn đến cung vượt cầu, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cần có quy hoạch vùng nuôi và giám sát việc thực hiện quy hoạch. Bá Thăng Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã