Từ những cây mắc ca lứa đầu
Nói về cây mắc ca với vẻ đầy tâm huyết, ông Phạm Duy Thành, Phó giám đốc Công ty cổ phần Macadamia Điện Biên, cho biết: Với mục tiêu phát triển rừng bền vững dựa trên quan điểm cải tạo và phát triển nguồn tài nguyên sẵn có như đất trống đồi trọc, đưa những loài cây đa mục đích vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao vào trồng, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi quyết định chọn mắc ca là cây trồng chủ lực. Dự án có tổng diện tích quy hoạch 4.009ha. Năm 2012, những cây mắc ca đầu tiên được doanh nghiệp trồng thí điểm tại bản Đứa (xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo) và xã Tà Lèng (TP.Điện Biên Phủ) với diện tích gần 20ha theo hình thức trồng hợp tác với người dân.
Những ngày đầu triển khai dự án ở bản Đứa, công ty gặp không ít khó khăn. Ông Thành chia sẻ: “Khi mới bắt tay thực hiện dự án, do là loài cây mới nên người dân chưa mặn mà tham gia trồng, chăm sóc. Chính vì vậy, cán bộ đơn vị phối hợp với chính quyền các xã vùng dự án bỏ nhiều công sức, thời gian tuyên truyền để thuyết phục người dân liên kết phát triển cây mắc ca. Tuyên truyền theo cách “mưa dầm thấm đất”, từ chỗ chẳng mấy mặn mà, người dân bản Đứa đã tích cực tham gia trồng và bảo vệ. Dự án trồng thí điểm vì thế diễn ra thuận lợi. Năm 2013, công ty triển khai trồng mới mắc ca trong vùng quy hoạch dự án với tổng diện tích 35ha tại các xã: Quài Nưa, Quài Cang (huyện Tuần Giáo); Nà Tấu (huyện Điện Biên). Đến nay, Công ty cổ phần Macadamia Điện Biên đã liên kết với người dân trồng hơn 57ha cây mắc ca tại rất nhiều địa phương trong tỉnh, đồng thời xây dựng vườn ươm cây giống với quy mô 5 vạn cây/năm tại xã Tà Lèng, đảm bảo cung cấp cây giống cho vùng dự án và nhu cầu cây giống của người dân.
Qua theo dõi thấy, cây mắc ca sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với thời tiết khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Đến nay, chiều cao cây đạt bình quân 1,2 - 1,5m, đường kính 2-3cm; tỷ lệ cây sống đạt trên 98%.
Sẽ trở thành cây xóa đói giảm nghèo
Theo giá thị trường, hiện nay, quả mắc ca được bán với giá 250.000 - 300.000 đồng/kg, chủ yếu để làm giống. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, 1ha mắc ca trồng khoảng 360 cây, sau 3 năm trồng, cây cho quả bói và cho thu hoạch ổn định từ năm thứ 5 trở đi. Trung bình cây mắc ca 9 năm tuổi sẽ cho thu hoạch 5 tấn quả. Như vậy, chỉ cần giá bán là 120.000 đồng/kg thì 1ha mắc ca đã cho thu khoảng 600 triệu đồng, cao gấp 6 - 7 lần so với thu nhập từ cây càphê, trong khi chi phí cho phân bón và chăm sóc thấp hơn đầu tư trồng càphê. Chính vì vậy, nếu trồng xen càphê và mắc ca sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, cho biết: “Huyện có hơn 3.300ha càphê, trong đó nhiều diện tích càphê chưa có cây che bóng. Chúng tôi đã thực hiện trồng thí điểm xen càphê với mắc ca từ năm 2009 với diện tích 1ha. Năm 2012, mắc ca cho thu bói với tỷ lệ đậu quả khá cao. Thời gian tới, huyện sẽ vận động nhân dân tích cực trồng xen mắc ca với càphê trên diện tích hơn 200ha để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích”.
Trăn trở với việc tìm cây rừng “chủ lực” cho huyện mới Nậm Pồ, tại hội thảo trồng và phát triển cây mắc ca do Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Công ty cổ phần Macadamia Điện Biên tổ chức cuối tháng 12/2013, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, tâm sự: Trước Đồn biên phòng Nà Hỳ (xã Nà Hỳ) có cây mắc ca được trồng từ năm 2001 hiện phát triển rất tốt, đậu rất nhiều quả. Với hiệu quả kinh tế từ cây mắc ca đem lại, chính quyền địa phương mong có doanh nghiệp đến khảo sát, thực hiện dự án trồng mắc ca, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Chỉ khi xác định được cây chủ lực trong phát triển kinh tế, người dân mới mong xóa đói giảm nghèo bền vững.
Trên thế giới, mắc ca được coi là quả khô ngon nhất trong các loại quả khô. Hàm lượng axít béo không no rất cao (78%), nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu... Đặc biệt, Trung Quốc là nước đang có nhu cầu lớn về nhân mắc ca để ép dầu ăn, cũng là nguyên liệu vô cùng quý để sản xuất mỹ phẩm; bã, vỏ hạt của mắc ca đều có thể sử dụng. Nói như vậy để thấy rằng, mắc ca có thị trường tiêu thụ rất lớn nhưng rất ít nước trồng được. Nếu có chính sách để người dân, doanh nghiệp liên kết trồng thì mắc ca sẽ trở thành cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến cho rằng: “Trước khi triển khai trồng mắc ca trên diện rộng, các sở, ngành chức năng cần có đánh giá tổng thể về quá trình sinh trưởng của mắc ca cũng như giá trị kinh tế mà nó mang lại. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách theo quy định để có thể phát triển theo quy hoạch bền vững”.
Gia Kiệt
Nguồn: kinhtenongnghiep.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã