Hà Tĩnh đang phát triển mạnh diện tích cam, bưởi.
Hà Tĩnh đang phát triển mạnh các loại cây ăn quả có múi như bưởi Phúc Trạch, cam các loại với diện tích ngày càng được mở rộng và sản lượng tăng. Tuy nhiên, những sản phẩm này có tính mùa vụ, người dân phải tập trung thu hoạch trong thời gian ngắn. Do đó, vấn đề bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để giãn thời gian tiêu thụ trên thị trường là hết sức cấp thiết đang đặt ra tại địa phương.
Từ thực tiễn và đơn đặt hàng của Sở KH&CN Hà Tĩnh, đầu năm 2019, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic trong bảo quản quả cam, bưởi tại Hà Tĩnh".
Thành phần và chế phẩm màng sinh học bảo quản cam, bưởi được ứng dụng tại Hà Tĩnh.
Sau 2 năm triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đề tài đã xác định được tỷ lệ và phương pháp nhúng tạo màng bảo quản cho sản phẩm cam, bưởi Phúc Trạch tại huyện Hương Khê. Kết quả cho thấy, sau 35 - 45 ngày bảo quản, quả cam, bưởi vẫn giữ được các đặc tính đặc trưng.
Ông Phan Văn Tính - Giám đốc Hợp tác xã bưởi Phúc Trạch và dịch vụ tổng hợp Phát Lộc (Hương Khê) - đơn vị phối hợp triển khai đề tài phấn khởi chia sẻ: "Năm qua (2020), chúng tôi được thử nghiệm bảo quản sản phẩm cam, bưởi bằng màng sinh học với quy mô 1 tấn sản phẩm. Qua thực hiện cho thấy, việc bảo quản bằng màng sinh học dễ áp dụng, phù hợp cả với quy mô gia đình, trang trại hay quy mô công nghiệp. Giá thành sản phẩm cũng khá phù hợp (chi phí khoảng 500 đồng/1kg).
Sau bảo quản hơn 1 tháng, sản phẩm vẫn giữ được các đặc tính đặc trưng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và các chỉ tiêu dinh dưỡng, vi sinh, an toàn thực phẩm, cảm quan.
Sản phẩm bưởi Phúc Trạch của HTX Phát Lộc được bảo quản bằng màng sinh học.
Theo nhóm nghiên cứu, việc sử dụng màng sinh học sẽ góp phần làm giảm thiểu chất thải ra môi trường. Vì đây là sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn tuyệt đối với sức khỏe của người sử dụng, quy trình bảo quản dễ thực hiện, có giá thành thấp, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và trình độ của các hộ dân. Nông dân bảo quản bằng cách nhúng quả cam, bưởi vào thùng chứa màng sinh học khoảng 2 phút sau đó để khô. Màng sinh học sẽ không thể quan sát bằng mắt thường.
PGS.TS Nguyễn Văn Lợi (Giảng viên Khoa Công nghệ hóa) chủ nhiệm đề tài chia sẻ: "Chúng tôi đã xác định các thông số công nghệ và xây dựng quy trình bảo quản quả cam, bưởi tại Hà Tĩnh bằng màng sinh học với thời gian từ 35 - 45 ngày ở điều kiện nhiệt độ bình thường, đảm bảo các thông số kỹ thuật.
Bảo quản cam, bưởi bằng màng phủ sinh học sẽ mở ra hướng đi mới cho Hà Tĩnh trong bảo quản sản phẩm quả có múi.
Trong khi đó, chi phí bảo quản chỉ bằng 35-40% so với biện pháp bảo quản lạnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững nghề trồng cam, trồng bưởi của tỉnh Hà Tĩnh.
Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu cũng đã tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật và 1 hội thảo khoa học về công nghệ bảo quản cam, bưởi Phúc Trạch bằng màng sinh học tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Mô hình bảo quản cam, bưởi bằng màng phủ sinh học không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn mang tính thực tiễn cao và sẽ mở ra hướng đi mới cho Hà Tĩnh trong bảo quản sản phẩm quả có múi.
Saponin là một nhóm hợp chất tự nhiên được sản xuất từ thực vật như bã hạt cây du trà, rau củ quả có khả năng kháng nấm và kháng khuẩn mạnh. Chitosan được sản xuất từ vỏ tôm, vỏ cua ghẹ là polyme tự nhiên quan trọng. Axit axetic hay còn gọi là axit dấm được sản xuất bằng con đường lên men. Màng sinh học saponin kết hợp chitosan và axit axetic có đặc tính giữ được độ bóng cho quả, chống biến đổi màu và chống mất nước cũng như các thành phần dinh dưỡng của quả. Màng sinh học có khả năng phân hủy nhanh, phân hủy hoàn toàn sau một tuần gặp nước. Khi phân hủy làm tăng độ mùn cho đất và không gây mùi lạ. |
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã