Lâm Đồng - Đà Lạt, hiện là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của cả nước và khu vực, là điểm đến du lịch nổi tiếng hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Dưới đây là nguyên văn Bài tham luận của tỉnh Lâm Đồng tại Diễn đàn "Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số"
Nằm trên cao nguyên Lâm Viên có độ cao 1.500m so với mặt nước biển; thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Lạt những báu vật vô cùng quý giá khó có một nơi nào so sánh được: khí hậu mát mẻ trong lành như sống giữa rừng sâu, phong cảnh tuyệt vời, nét đẹp nên thơ nhìn đâu cũng thấy đẹp, nhiều hồ cảnh quan thơ mộng, cho nhiều thác nước trữ tình, cho núi rừng hùng vĩ, cho địa hình thấp thoáng muốn nhìn mà không chớp mắt.
Thành phố Đà Lạt còn sở hữu những kiến trúc cảnh quan, bởi có nhiều kiến trúc hàng trăm tuổi, với những phong cách kiến trúc châu Âu có một không hai ở Việt Nam do chính từ tư duy sáng tạo của con người qua bao thế hệ đã tạo nên một di sản kiến trúc Đà Lạt.
Tự hào là một trong những thành phố du lịch có hệ thống lưu trú, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cực kỳ đa dạng, hiện nay với 2.470 cơ sở lưu trú với tổng số 27.528 phòng, trong đó có 457 khách sạn từ 1-5 sao với 12.550 phòng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 35 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan miễn phí, 33 điểm du lịch canh nông; 51 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch, trong đó có 33 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế.phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí tạo nên sự đa dạng, phong phú đối với các tour, tuyến du lịch.
Thành phố Đà Lạt có nhiều danh lam thắng cảnh, có nhiều câu chuyện tình và hoa cỏ muôn loài liên quan đến tình yêu nhiều nhất Việt Nam, làm cho du khách luôn tò mò khám phá như: Thung lũng tình yêu, Đồi thông hai mộ, Hồ Than thở, Rừng Ái ân, Thung lũng trăm năm, Chuyện tình Langbiang, Cây ước nguyện…
Cùng với thế mạnh về du lịch, Lâm Đồng - Đà Lạt còn có điều kiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xứ sở của các loại nông sản tiêu biểu như: Trà, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông đã tạo nên thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đang rộng dài sải cánh đến khắp mọi miền Tổ quốc, vượt ra khỏi ranh giới nội địa, khẳng định mình cùng bạn bè quốc tế.
Theo thống kê, diện tích canh tác nông nghiệp trên toàn tỉnh đạt khoảng 300.000ha, riêng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 61.160ha, chiếm 20,3% tổng diện tích đất canh tác và là tỉnh đứng đầu trong cả nước áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, có hơn 2.500ha trồng rau, hoa, cây đặc sản ứng dụng công nghệ tưới phun tự động; 50ha trồng hoa, dâu tây áp dụng công nghệ cảm biến, tự động đồng bộ; 50ha rau thủy canh và 45ha canh tác trên giá thể; hơn 2.827ha chè ứng dụng đồng bộ hệ thống tưới, bón phân tự động; 20.800ha cà phê ứng dụng công nghệ cao được chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest...
Ngoài ra, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như: Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Trà Blao, Cà phê Di Linh, Dứa Cayenne Đơn Dương, Lúa gạo Cát Tiên, Rượu cần Lang Bian, Chuối LaBa, Nấm Đơn Dương, Cá nước lạnh Đà Lạt,… với việc ứng dụng công nghệ phân loại, bảo quản sản phẩm; Ứng dụng công nghệ IoT trong canh tác cây trồng.
Toàn tỉnh hiện có 235,5ha được gắn hệ thống cảm biến tự động nhiệt độ, độ ẩm, CO2, quản lý dinh dưỡng thông minh. Thông qua hệ thống cảm biến người điều hành có được các thông tin chính xác nhất về điều kiện sản xuất (pH, độ ẩm, nhiệt độ, dinh dưỡng) để giám sát và điều khiển việc tưới tiêu, châm phân; lưới cắt nắng, mở mái nhà kính,… bằng hệ thống mạng cảm biến; giúp cây trồng sinh trưởng tối ưu, phát triển tốt cho năng suất và chất lượng cao; giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong canh tác cây trồng; giảm nhân công lao động cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Khâu gieo ươm giống rau, hoa đã được cơ giới hóa từ khâu rửa vỉ, đóng giá thể vào vỉ và gieo hạt bằng máy cho năng suất lao động tăng gấp 5 - 7 lần so với làm thủ công. Công nghệ màng bao phủ nhà kính bằng plastic 3-5 lớp có tác dụng chống tia UV, khuếch tán ánh sáng, chống bám bụi và độ bền cao (5-7 năm). Nhiều loại phân bón thế hệ mới (công nghệ Nano, công nghệ sinh học, vi sinh, ...) được ứng dụng trong canh tác thủy canh, trồng trên giá thể.
Qua những con số trên cho ta thấy, Lâm Đồng có tiềm năng rất lớn phát triển về nông nghiệp nói chung, du lịch canh nông nói riêng và loại hình này đang là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù phát triển của tỉnh Lâm Đồng.
Sản phẩm du lịch canh nông được phát triển tạo nên mối quan hệ giao hòa giữa con người với thiên nhiên, văn hóa và giữa các vùng đô thị và nông thôn thông qua việc tổ chức các tour du lịch đến ở, hoặc tham quan có mục đích thưởng ngoạn tại các gia trại, nông trại, trang trại... nhằm tìm hiểu các quá trình sống, canh tác, sản xuất các sản phẩm nông sản của người nông dân và hưởng thụ các sản vật địa phương tại từng nông hộ gia đình hoặc trang trại.
Hoạt động này tạo nên sự thích thú về du lịch khám phá cho du khách nhất là du khách ở khu vực đô thị, ở khu vực sản xuất phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh và tham gia vào bản sắc văn hóa của địa phương nên du lịch canh nông có thể nói là một hình thức du lịch mang tính cộng đồng bình đẳng và bền vững. Cùng với xu hướng phát triển chung của các loại hình du lịch, du lịch canh nông đang ngày càng chứng minh được sức hút đối với du khách cả trong nước và ngoài nước.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có 117 xã, 100% các xã đều có đồ án quy hoạch xây dựng được UBND cấp huyện, thành phố phê duyệt theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tại các xã và huyện trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cho thấy một hình ảnh nông thôn trật tự hơn; các khu vực sản xuất nông nghiệp được bố trí tập trung, mở rộng các mô hình sản xuất mới, gắn với làng nghề truyền thống và kết hợp công nghệ tiên tiến; đội ngũ doanh nhân trẻ khởi nghiệp với kiến thức quản trị tốt, hình thành các loại hình “Vừa sản xuất - kinh doanh - tiếp thị và du lịch tại chỗ”.
Việc xây dựng nông thôn mới đã tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn: cảnh quan nông thôn có phần đẹp hơn, từ đồi chè, vườn dâu, đến các vườn rau sạch đan xen với các luống hoa đủ màu,... đặc biệt là cơ sở hạ tầng phát triển đã tạo một môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch canh nông tại các làng nghề truyền thống (các làng hoa: Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên,…), tại xã Phúc Thọ - Lâm Hà với mô hình Long Đỉnh Farm, xã Trạm Hành với mô hình Cầu Đất Farm, xã Tu Tra - Đơn Dương với mô hình trang trại bò sữa Vinamilk Organic,…
Nhận thấy du lịch canh nông là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo có tính cạnh tranh cao cũng như đáp ứng được thị hiếu của du khách, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều chính sách, hỗ trợ và khuyến khích người dân địa phương phát triển mô hình du lịch canh nông như: Quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 về việc phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Quyết định số 2291/QĐ-UBND ngày 23/10/2017 về việc ban hành bộ tiêu chí công nhận mô hình “Điểm du lịch canh nông” và “Tuyến du lịch canh nông” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 13/4/2021 ban hành quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh,…
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của tổ chức JICA - Nhật Bản, Tỉnh đã xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đây là thương hiệu dùng để quảng bá các hình ảnh du lịch canh nông đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Đến nay, đã có 10 đơn vị du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 33 mô hình du lịch canh nông được công nhận để đưa vào phục vụ khách tham quan, trải nghiệm của khách, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình Cà phê Green Box, Đạ Lạch Noah, Trang trại Rau và Hoa, Trà Long Đỉnh, Fresh Garden Đà Lạt, Trà và Rượu Vang Vĩnh Tiến,… tại một số mô hình du lịch canh nông, du khách có thể được tìm hiểu quy trình theo dõi và chăm sóc tự động cây trồng; biết được độ ẩm và cường độ ánh sáng trong khu nhà kính thế nào và cần điều chỉnh ở mức tối ưu là thế nào, được xem trình diễn hệ thống tưới phun mưa/nhỏ giọt, hệ thống điều tiết ánh sáng hoạt động… tất cả đều thông qua điều khiển bằng điện thoại, máy tính.
Ngoài ra, việc áp dụng chuyển đổi số là thực sự cần thiết để tạo nên một chuỗi du lịch giá trị bền vững với nhiều lựa chọn khác nhau cho du khách; áp dụng chuyển đổi số để cung cấp thông tin, định vị các địa điểm nhằm tạo hệ thống mạng lưới liên kết giữa các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với nhau, qua đó du khách có thể dễ dàng tìm hiểu để có sự lựa chọn thích hợp nhất cho chuyến đi tham quan, học hỏi và nghỉ dưỡng của mình.
Hiện nay, ngoài 02 trang web chính thức về du lịch của tỉnh đang được vận hành là http://svhttdl.lamdong.gov.vn/ và http://dalat-info.vn/ tỉnh Lâm Đồng đã và đang triển khai, phát triển hệ thống du lịch thông minh gồm cổng thông tin http://dalat.vn và ứng dụng du lịch thông minh - DaLatCity phục vụ du khách trên thiết bị di động; thành phố wifi; bản đồ du lịch thông minh.
Thông tin về các sản phẩm dịch vụ, giá trị nổi bật của các điểm đến trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được chuyển đến du khách kịp thời, giúp du khách hiểu rõ hơn về các sản phẩm, điểm đến du lịch, từ đó lựa chọn các chương trình, hành trình phù hợp với nhu cầu, sở thích, khả năng chi trả của khách, giúp du khách có nhiều cơ hội trải nghiệm khi đến với Đà Lạt - Lâm Đồng.
Thông qua ứng dụng du lịch thông minh này, khách du lịch sẽ được cung cấp các thông tin chính thống về du lịch địa phương bằng hình ảnh, bài viết sinh động về điểm đến (tham quan, lưu trú, ăn uống, mua sắm, giải trí, sự kiện...), tra cứu phương tiện di chuyển, ngân hàng, y tế, nhà vệ sinh công cộng, thời tiết..., đặc biệt, với mục phản hồi, du khách có thể tương tác để phản ánh về chất lượng dịch vụ, giá cả,... để các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch canh nông hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế nhất định, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch canh nông còn hạn chế.
Nhiều điểm du lịch canh nông gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch canh nông cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Các mô hình phát triển còn mang tính tự phát, chưa chuyên nghiệp, chủ yếu là các nông hộ tự kinh doanh. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, khu vực nhà vệ sinh cho khách chưa được chú trọng.
Phần lớn hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách mang tính tự cung, tự cấp, do các hộ gia đình tự sản xuất nên không có thương hiệu. Mẫu mã, bao bì chưa hấp dẫn khách du lịch; hoạt động trưng bày, trình diễn quy trình sản xuất, hướng dẫn làm các loại sản phẩm trên chưa được khai thác nhiều.
Khách du lịch thường e ngại về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nhiều mặt hàng nên chi tiêu không nhiều. Những mặt hàng nông nghiệp chất lượng cao dành riêng cho khách du lịch, có chứng nhận bởi cơ quan quản lý hầu như chưa có nhiều.
Ngoài ra, nhiều địa điểm du lịch canh nông đang khan hiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là những người có kỹ năng phục vụ và khả năng sáng tạo cao. Trong khi đó, nhiều điểm du lịch canh nông có lao động nhưng tỷ lệ qua đào tạo về nghiệp vụ du lịch thấp, chủ yếu là lao động giản đơn, không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Khả năng quản lý điều hành cơ sở du lịch canh nông còn hạn chế.
Việc bồi dưỡng để người dân bản địa có kỹ năng trình diễn, thuyết minh, phục vụ khách chuyên nghiệp để tạo ra sức hút của sản phẩm du lịch canh nông chưa được đầu tư bài bản. Hoạt động xúc tiến quảng bá: hoạt động du lịch canh nông chưa được đầu tư đúng mức, chưa chuyên nghiệp, chủ yếu vẫn nằm trong chương trình quảng bá các sản phẩm du lịch chung chủ yếu dựa trên yếu tố tài nguyên tự nhiên.
Để sản phẩm du lịch canh nông phát triển trong thời gian tới, các điểm du lịch canh nông cần đáp ứng các nhu cầu về sự mới lạ và tính hiện đại của các quy trình sản xuất, năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.
Các hoạt động sản xuất nông nghiệp đại trà, sản xuất tại các điểm du lịch canh nông không những phải luôn thay đổi mà cần phải đi tiên phong trong việc ứng dụng những thành tự mới nhất của khoa học nông nghiệp.
Cần xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cho quảng bá cho du lịch canh nông của từng địa phương trên địa bàn tỉnh trên cơ sở giá trị cốt lõi của sản phẩm nông nghiệp và nhu cầu thị trường. Việc xây dựng thương hiệu cho du lịch canh nông cần được đầu tư bài bản trên cơ sở đặc trưng vùng miền, theo mùa nông nghiệp, sản vật địa phương.
Bên cạnh đó, cần xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp, tăng cường khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại hiệu quả để quảng bá du lịch canh nông. Đưa các sản phẩm canh nông đặc trưng gắn với các địa danh để quảng bá tại các diễn đàn, hội chợ, hoạt động xúc tiến khác nhau.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với những cải tiến kỹ thuật từng ngày, từng giờ đòi hỏi ngành du lịch phải chủ động, nhanh nhạy thay đổi nhằm bắt kịp xu hướng, cần phải thực hiện ngay việc chuyển đổi số với ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm để tăng hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch và cơ hội quảng bá thương hiệu trên các sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống dân sinh.
Xây dựng kế hoạch truyền thông thương hiệu cho sản phẩm du lịch du lịch canh nông; tăng cường kết nối giữa các đơn vị kinh doanh du lịch canh nông với các công ty lữ hành để tăng khả năng thu hút khách du lịch. Một mặt cũng cần sự hỗ trợ tích cực của các công ty lữ hành trong việc định hướng tiêu dùng, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng yêu cầu.
Thêm vào đó, hạ tầng tại điểm đến cần được đầu tư hoàn chỉnh; hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống điện, cấp thoát nước, bãi đỗ xe, trung tâm hướng dẫn, trưng bày cung cấp thông tin du lịch, bảng giới thiệu, bản đồ hướng dẫn, điểm dừng chân...
Chủ thể của hoạt động nông nghiệp là bà con nông dân, do đó để khai thác hoạt động du lịch canh nông thì việc tập huấn, bồi dưỡng cho bà con về kỹ năng, thái độ phục vụ khách phải đặt lên hàng đầu. Việc đào tạo được đội ngũ nhân viên phục vụ là người dân địa phương một cách chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện sẽ tạo được sản phẩm hấp dẫn để phục vụ khách.
Trong thời gian tới, nhằm trang bị những kỹ năng cần thiết cho người dân làm du lịch tại nhà vườn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp và sản xuất nông sản sạch;
Các sở, ngành địa phương liên quan cần tổ chức các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng phục vụ du khách, những hướng dẫn viên tham gia phải được trang bị kiến thức về quy trình sản xuất, các giá tri dinh dưỡng, hương vị, tác dụng với sức khỏe cũng như quy trình chế biến các loại nông phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ cho khách du lịch;
Tập huấn và nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông sản sạch, bảo vệ môi trường; tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về liên kết phát triển du lịch như liên kết các nhà vườn gần phạm vi địa lý, liên kết với các nhà vườn có tài nguyên đặc trưng khác, liên kết với các công ty lữ hành,… để đa dạng hóa sản phẩm, ổn định thị trường, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và mở rộng thị trường du lịch.
Xu hướng tới là ngày càng đa dạng hóa sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển loại hình du lịch canh nông, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp được ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành du lịch của Lâm Đồng phát triển cùng với tiềm năng, lợi thế du lịch sẵn có sẽ tạo nên bước đột phá mới cho du lịch Lâm Đồng. Phát triển du lịch canh nông thông qua chuyển đổi số là hướng đi tất yếu mà tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển.
Với việc triển khai đồng bộ và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và sự đồng hành của khách du lịch và cộng đồng dân cư, tin tưởng du lịch canh nông sẽ mang lại sản phẩm mới lạ, đặc trưng, góp phần tạo sự hài lòng cho du khách khi đến du lịch tại Đà Lạt - Lâm Đồng.
Nguyễn Văn Hùng/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã