Mô hình nuôi chim le le đầu tiên của Hà Tĩnh này có quy mô 500 con, được triển khai từ tháng 2/2021 dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi TX Kỳ Anh.
Nuôi thử nghiệm nên anh Đường lựa chọn giống rất kỹ. Sau tìm hiểu và tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia, anh chọn mua loại le le chừng 2 tháng tuổi ở một cơ sở chuyên nuôi le le ở Thành Long, Châu Thành, Tây Ninh. Loại le le này đủ cứng cáp để chịu được khí hậu khá khắc nghiệt ở Hà Tĩnh.
Le le vốn là giống chim trời hoang dã, sống trong môi trường tự nhiên, có khả năng miễn dịch khá cao. Khi được con người thuần hóa và chăn nuôi, chúng vẫn giữ được hệ miễn dịch tốt. Việc chăm sóc giống chim le le thương phẩm không quá phức tạp, chỉ cần giữ chuồng trại, nguồn nước sạch (trong trường hợp nuôi nhốt). Bên cạnh đó, thức ăn le le rất đơn giản, chỉ có lúa, rau muống, ốc, cá, tép...
Nhờ giống tốt, chăm sóc nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật và giữ gìn tốt vệ sinh môi trường nên đàn chim le le của gia đình anh Đường phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Với thời gian nuôi từ 2 tháng tuổi đến khi xuất bán là gần 60 ngày, đàn chim le le đạt trọng lượng từ 400 - 450 gram/con.
Anh Thiều Quang Đường chia sẻ: “Quá trình thả nuôi, đàn le le thích ứng rất tốt với điều kiện khí hậu ở TX Kỳ Anh; le le khá dễ chăm sóc, có tỉ lệ sống hơn 99%. Với giá sỉ 320.000 đồng/con, đàn 500 con le le đầu tiên được thương lái ở Nghệ An thu mua hết, cho tổng doanh thu đạt hơn 160 triệu đồng, trừ đi các chi phí, lãi ròng gần 40 triệu đồng sau gần 2 tháng nuôi”.
“Trước đây, trang trại của tôi chủ yếu nuôi gà thịt, tuy nhiên gà rất dễ bị dịch và đầu ra thiếu ổn định nên thu nhập bấp bênh. Mô hình nuôi chim le le bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn nhiều. Trong thời gian tới, tôi sẽ đầu tư mở rộng khu chuồng trại để nhân đôi số lượng đàn lên khoảng 1.000 con...” - anh Đường chia sẻ.
Thịt chim le le là món ngon có khả năng phục hồi sức khỏe rất tốt. Đây cũng là một trong những món ăn được ưa chuộng ở các nhà hàng. Thời gian tới, ngoài nhân đàn, anh Đường cũng hướng tới việc gây giống để có thể tự cung cấp cho mô hình của mình.
Ở TX Kỳ Anh có điều kiện khí hậu thích hợp, diện tích đất đai rộng, lao động dồi dào, nguồn thức ăn phong phú để phát triển nghề chăn nuôi chim le le. Hiệu quả bước đầu cho thấy, mô hình này sẽ trở thành hướng đi khá triển vọng giúp bà con phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập. Thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi TX Kỳ Anh sẽ tiếp tục tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và phối hợp với các địa phương để nhân rộng mô hình.
Bà Nguyễn Thị Hường - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi TX Kỳ Anh
Nguồn tin: Thu Trang/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã