“Nhóm lửa” từ tay trắng…
Cách đây hơn 20 năm, khi vừa xây dựng gia đình, vợ chồng anh Phan Văn Đức (SN 1968) và chị Nguyễn Thị Phương (SN 1970) ở thôn Tân Trung, xã Tân Lộc (Lộc Hà) bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình từ đôi bàn tay trắng.
Hành trình lập nghiệp đầy quyết tâm, bền bỉ và không ngưng nghỉ của đôi vợ chồng nơi quê nghèo đã giúp họ viết nên một câu chuyện đầy ý nghĩa giữa đời thường…
Trang trại trồng lúa, nuôi cá, vịt, bồ câu và bò nhốt của gia đình anh Đức cho thu nhập cao.
Chị Phương nhớ lại: “Không nghề nghiệp, không vốn liếng, thiếu kinh nghiệm... ngoài quyết tâm và nghị lực thì vợ chồng tôi chỉ có đôi bàn tay. Vì điểm xuất phát như vậy nên chúng tôi quyết định chọn cánh đồng sình lầy, bỏ hoang ở xứ đồng Rào Mát của thôn để làm nơi khởi nghiệp và bắt đầu hành trình tìm kế sinh nhai đầy gian khổ từ 1 ha ruộng hoang”.
Nhớ lại những năm tháng đầu ra đây, anh Đức, chị Phương vẫn không dám nghĩ mình sẽ thành công. Bởi toàn bộ khu vực này là một bãi sình lầy, ruộng đồng không thể canh tác, mùa mưa trở thành rốn lũ, nước ngập băng đồng, mùa hè thì đất đai khô cứng.
Ngày ấy không có máy móc nên đều phải dùng sức người. Đó là chưa kể đến việc, sau mỗi trận mưa lụt là tài sản, ao hồ, công sức cả năm có thể trôi theo dòng nước.
Với đàn bồ câu gần 1.000 con, mỗi ngày, chị Phương thu được 500 ngàn đồng từ bán con non.
Nhưng rồi, vượt lên tất cả, đôi vợ chồng nghèo đã chinh phục được đồng hoang theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, “nhóm lửa” từ từ. Chị Phương kể: “Bắt tay làm kinh tế trên diện tích đồng hoang rộng gần 1 ha, nguồn vốn hạn hẹp nên chỉ đủ để làm lán tạm, nuôi hơn 100 con vịt đẻ, vài yến cá giống và hơn 1 mẫu lúa. Những ngày đó chật vật đủ bề, 2 vợ chồng lấy công làm lãi, có lãi rồi lại chắt bóp chi tiêu để đầu tư mở rộng trang trại và đa dạng hóa vật nuôi. Hiện, trang trại rộng khoảng 2,5 ha, trong đó, gần 2 ha ao nuôi cá và trồng lúa, còn lại là chuồng trại".
Cuộc sống đủ đầy...
Nhặt nốt những quả trứng vịt còn lại, chị Phương kể: Đợt này đỡ vất vả hơn vì cuối lứa, chỉ còn khoảng hơn 1.000 vịt đẻ chứ vào đợt cao điểm thì có đến gần 5.000 con, đi đến đâu cũng thấy trứng, phải gom nhặt từ sáng đến trưa. Mỗi năm, chúng tôi còn nuôi khoảng 6.000 con vịt thương phẩm (giá bán 70.000 đồng/con, thu về khoảng 400 - 420 triệu đồng) và xuất bán khoảng 3 - 4 vạn con vịt giống cho khách hàng gần xa (giá 10 - 12.000 đồng/con, thu về khoảng 350 - 420 triệu đồng).
Nếu vào giai đoạn cao điểm thì phải mất 1 buổi chị Phương mới thu gom hết trứng vịt trong chuồng.
Để tạo vòng tuần hoàn khép kín trong sản xuất, tăng lợi nhuận, gia đình anh chị còn mua thêm lò ấp, mỗi ngày cho ra lò khoảng 1.000 quả trứng. Vì vậy, ai cần trứng trắng (trứng thường) thì luôn có, quán hàng mua trứng vịt lộn được cung ứng ngay, ai đặt mua giống thì ấp nở bán, còn nhà cần giống sản xuất bao nhiêu thì tự làm...
“Riêng từ các sản phẩm trứng (trứng sống và trứng ấp), mỗi năm chúng tôi bán được hơn 900 triệu đồng. Tính tổng thu nhập từ vịt, mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 1,7 tỷ đồng” - chị Phương tính.
Vợ chồng anh Đức, chị Phương ấp giống cho gia đình sản xuất lứa nuôi mới.
Để nuôi vịt, anh Đức đã đào gần 2 ha ao hồ kết hợp với thả cá và trồng lúa. Từ 2 khu ao này đã cung cấp đủ gạo ăn cho gia đình và lúa, rơm phục vụ chăn nuôi. Mỗi năm, anh chị thu về hơn 200 triệu đồng từ nuôi cá trắm, chép, mè…
Tận dụng tối đa lợi thế, anh chị còn trồng 3 sào cỏ để nuôi nhốt 2 lứa bò lai/năm, mỗi lứa 15 con, bán với giá từ 40 - 50 triệu đồng/con. Tính cả năm, trang trại cho nguồn thu 1,2 - 1,5 tỷ đồng từ nuôi bán bò lai.
Gia đình chị Phương nuôi nhốt đàn bò 15 con, đang phát triển tốt.
Cùng với đó, tận dụng tối đa khoảng không phía trên chuồng trại, anh chị đầu tư làm chuồng nuôi đàn bồ câu khoảng 1.000 con. Không gian sống thoáng, thức ăn dồi dào, chim bồ câu mẹ sinh nở tốt. Ngày nào trang trại cũng có 5 - 10 cặp con non bán, thu về bình quân 500 ngàn đồng/ngày; mỗi năm, tạo nguồn thu từ 180 - 200 triệu đồng.
Chị Phương nhẩm tính: “Nếu tính tất cả thì mỗi năm trang trại cho doanh thu gần 3,5 tỷ đồng. Từ khổ cực, tay trắng, đến nay, mỗi năm, gia đình tôi lợi nhuận khoảng 400 - 500 triệu đồng, đủ để lo cho con cái học hành, tìm việc làm, có được cuộc sống khấm khá…”.
Gia đình anh Đức vui vẻ chia sẻ hành trình vươn lên làm giàu và kinh nghiệm làm ăn với cán bộ hội nông dân các cấp...
Ông Ngô Đức Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lộc đánh giá: “Nhờ chăm chỉ làm ăn, kiên trì bám trụ, có cách làm riêng nên mô hình kinh tế của anh Đức thuộc diện lớn, hiệu quả nhất xã. Không chỉ làm ăn giỏi, vợ chồng anh Đức còn thường xuyên giúp đỡ người dân xung quanh về con giống, kinh nghiệm và nhiều vấn đề khác trong làm ăn. Đây cũng là mô hình để bà con trong xã, huyện đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm”.
Theo Tiến Phúc/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã