Khi ông Ba đưa giống cam Vinh về trồng đã khiến mảnh đất hồi sinh trở lại, mỗi năm đều đặn “nhả” dăm bảy cây vàng cho ông…
Ông Nông Văn Ba đang hái cam
Hơn chục năm trước mảnh đất cằn cỗi trước nhà của gia đình ông Nông Văn Ba ở thôn Nà Bó, xã Mường Lai, huyện Lục Yên (Yên Bái) trồng tạp nham đủ loại cây mà chẳng cho thu nhập ra hồn. Chỉ khi ông đưa giống cam Vinh về trồng khiến mảnh đất hồi sinh trở lại, mỗi năm đều đặn “nhả” dăm bảy cây vàng cho ông…
Đang vào mùa thu hoạch vợ chồng ông Nông Văn Ba và đứa con trai bận tíu tít vào việc hái quả, khách đã đặt tiền mua mấy tấn cam sẽ lấy trong vài ba ngày tới. Bởi thế từ sáng sớm cả nhà đã dậy đi hái cam, khi chúng tôi tới mặt trời đã đứng bóng nhưng ông vẫn đang ngồi vắt vẻo trên thang lựa từng quả cam cắt bỏ vào sọt.
Ông bảo: “Khách hàng điện suốt ngày, họ giục quá! Không dám nhờ người hái, sợ họ không biết lựa quả, lại vít cành quá tay sẽ hại cho cây. Vì thế, vợ chồng tôi và thằng con trai phải cố mà hái cho kịp hợp đồng…”.
Gia đình ông Ba nằm ở cuối cánh đồng thôn Nà Bó, đó là khu đất trũng lổn nhổn sỏi đá. Mảnh đất trước nhà ông hơn 10 năm trước trồng đủ loại cây sắn, khoai, xoan, ổi… chẳng cây nào cho thu nhập ra hồn. Loay hoay đủ kiểu mà cuộc sống cũng chẳng khá hơn là bao. Ông đã nghĩ tới chuyện trồng cam, bởi Lục Yên là đất cam sành nổi tiếng từ lâu, nhưng nhiều vườn cam đã thoái hóa nên ông quyết định mua 100 cây cam Vinh về trồng.
Chọn cam
Do nằm trên nền đất trũng, ông phải đánh rãnh cho thoát nước, sau ba năm cây cho quả bói, ăn ngọt đậm lại có mùi thơm đặc biệt nên ông tích cực đầu tư. Cây không phụ công người, vườn cam xanh ngằn ngặt, chỉ mấy năm không ai còn nhận ra mảnh đất sỏi đá khi xưa. Mới đầu ông mang cam ra chợ Mường Lai bán dăm sáu chục cân, thương lái nếm thử thấy ngon đã vào tận nhà xin mua cả vườn.
Mỗi năm vườn cam cho gia đình ông thu nhập vài ba chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Từ 100 gốc cam ban đầu ông phá bỏ toàn bộ diện tích vườn tạp quanh nhà để trồng cam. Đến nay nhà ông có gần 500 gốc cam các loại: Cam Vinh có 400 gốc, trong đó có 100 gốc 12 tuổi, 300 gốc từ 1 – 4 tuổi; cam sành 70 gốc.
Để nắm được kỹ thuật chăm sóc vườn cam, ông đã đi thăm các gia đình trồng cam trong huyện rồi xuống tận Hòa Bình tới vùng trồng cam Cao Phong để học hỏi kinh nghiệm từ cách bón phân, tỉa cành, phun thuốc trừ sâu bệnh hại đến việc đặt bả sinh học diệt trừ ruồi đục quả… Bởi thế vườn cam nhà ông quả sai lúc lỉu, màu vàng tươi, có cây cho 3 – 4 tạ quả. Tính ra mỗi cây cho thu nhập từ 2 – 3 triệu đồng/cây, đúng là cây vàng mà ông mơ ước từ lâu.
Khách đến tận vườn mua cam
Năm ngoái gia đình thu 180 triệu, năm nay dự kiến thu chừng 200 – 250 triệu. Gia đình ông bán cam tại vườn, loại I giá 25.000 đồng/kg, loại II giá 22.000 đồng/kg, loại III giá 20.000 đồng/kg.
Ông chỉ những cây xoan còn lại mọc quanh vườn bảo rằng: “Ít ngày nữa tôi sẽ chặt bỏ những cây xoan này xuống để trồng ổi. Vừa được thu nhập lại hạn chế được các loại sâu bệnh hại cam. Vài năm tới khi 400 gốc cam mới trồng của cho thu hoạch, thì thu nhập từ vườn cam không dưới 500 triệu là điều không quá khó”.
THÁI SINH
Nguồn: nghenong.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã