Tại buổi họp báo về hội chợ triển lãm mỗi xã phường một sản phẩm khu vực trung du- miền núi phía Bắc do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 24-7 tại Hà Nội, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam cho biết, bắt đầu khởi xướng từ tỉnh Quảng Ninh cách đây 6 năm, đến nay mô hình mỗi xã phường một sản phẩm đã lan ra khắp cả nước với nhiều mô hình độc đáo, rất đa dạng từ sức sáng tạo, khai thác ngay các lợi thế sẵn có ở mỗi địa phương để tạo ra nhiều sản phẩm đặc thù, giúp nông dân làm giàu ngay trên quê hương của mình. Tại Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Cần Thơ... đều có các mô hình như vậy.
Dẫn ví dụ mô hình trồng hoa để làm du lịch tại thung lũng hoa Bắc Hà - tỉnh Lào Cai, ông Đào Văn Hồ cho biết, thông qua dự án trồng hoa, tại đây hiện nay không những cung cấp nguồn hoa tươi cho khắp thị trường trong nước và xuất khẩu mà còn để phục vụ khách du lịch.
Ông Đào Văn Hồ thông tin thêm, vào dịp cuối tuần, có rất đông người dân kéo tới thung lũng Bắc Hà để chụp ảnh hoa, ngắm cảnh. Có dịp, chỉ trong một ngày cuối tuần, nơi đây đã đón tới hơn 1.000 khách du lịch. Trong cả dịp cuối tuần là khoảng 2.000 người, nếu thu phí tham quan khoảng 30.000 đồng thì khu du lịch có thể thu tới 50-60 triệu đồng từ khách có nhu cầu tham quan, chụp ảnh, chưa kể doanh thu từ bán hoa tươi.
Đây là một mô hình làm mới và sáng tạo, không chỉ làm đẹp cho thung lũng hoa mà còn là cơ hội để giúp người dân bản địa vốn xa xôi nghèo khó vượt lên làm giàu, có thu nhập cao. Từ một vùng đá núi khô cằn, sản xuất khó khăn, bây giờ họ còn mua đất về nhồi vào các hốc núi để trồng hoa để làm du lịch.
Còn tại tỉnh Hà Giang, từ các bản làng hang sơ nghèo khó, hiện nay đã mọc lên nhiều mô hình làng du lịch homestay như ở Nậm Đăm - Quản Bạ, bản Tha - TP Hà Giang... mang lại doanh thu rất cao cho người dân tộc thiểu số ở đây.
Theo Bộ NN-PTNT, đến thời điểm hiện tại cả nước đã có hơn 5.000 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc 5 nhóm sản phẩm có thể phát triển thành mô hình mỗi xã một sản phẩm, trong đó nhóm thực phẩm có hơn 2.500 sản phẩm, hơn 1.000 sản phẩm đồ uống, 230 sản phẩm thảo dược, gần 600 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn...
Ông Đào Văn Hồ cho rằng, các mô hình mỗi xã một sản phẩm cần được đầu tư nhân rộng và là chìa khoá để lớp trẻ ở nông thôn làm giàu. Hội chợ triển lãm mỗi xã phường một sản phẩm khu vực trung du - miền núi phía Bắc do Trung tâm Xúc tiến nông nghiệp Việt Nam tổ chức vào ngày 31-8 đến 6-9 sắp tới tại tỉnh Thái Nguyên là cơ hội để giới thiệu và trao đổi, học hỏi, nhân rộng các mô hình mới và nổi bật trong chương trình mỗi xã một sản phẩm và xây dựng nông thôn mới.
VĂN PHÚC/sggp.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã