Ông Nguyễn Văn Kỳ ở xóm Triều Long 2, xã Thanh Lâm (Thanh Chương) cho biết, ông bắt đầu trồng 160 gốc thanh long ruột trắng trong vườn đồi từ năm 2006. Mỗi năm ông thu về khoảng 35 triệu đồng. Từ năm 2012, ông ra ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) mua giống thanh long ruột đỏ về trồng thay giống ruột trắng.
Thanh long ruột đỏ trồng ở Nghệ An cho năng suất, chất lượng cao |
Tháng 7/2012 ông bắt đầu trồng 160 gốc. Đến tháng 3/2013, thanh long cho quả bói, quả to, mẫu mã đẹp, bán giá cao, lãi lớn hơn nhiều so với trồng thanh long trắng.
“Thanh long là loại cây “ăn nổi” nên không cần đào hố sâu. Trên đất vườn đồi, tôi xới đất kích thước 1,1 x 1,1m, sâu chỉ khoảng 5cm, cây cách cây, hàng cách hàng 3,5m; sau đó bón phân chuồng ủ hoai 1 -2 xe rùa + 0,7-0,8kg phân lân/gốc. Trụ thanh long bằng bê tông, dài 1,9m, trong đó có 0,4m chôn dưới mặt đất.
Mỗi gốc tôi trồng 4 hom thanh long ở 4 phía trụ bê tông. Cành thanh long lên đến đâu dùng dây ghim vào cây đến đó, chú ý tỉa hết những cành vượt, cành vươn quá dài ra khỏi trụ, chỉ để những cành chính. Mỗi năm bón 2 lần phân chuồng, mỗi lần 2 xe rùa; 2 lần phân lân, mỗi lần 0,8 - 0,9kg”.
Theo ông Kỳ, thời vụ trồng thanh long thích hợp nhất ở Nghệ An là vào đầu tháng 8,9. Nếu chăm bón tốt, ngay vụ đầu tiên (khoảng tháng 4 năm sau) là đã có thu hoạch. Mỗi năm thanh long ruột đỏ cho thu hoạch 6 - 7 lứa, thời gian thu hoạch kéo dài đến cuối năm.
Mỗi gốc thanh long, thông thường ông Kỳ chỉ để 5 - 6 nhánh chính, mỗi nhánh 4 - 5 cành, mỗi cành để lại 3 - 4 quả/lứa. Tính ra, mỗi gốc thanh long ruột đỏ có thể cho thu hoạch 5 - 7kg quả/lứa, tương đương 100 - 150 nghìn đồng/lứa. Bình quân, thanh long ruột đỏ cho 6 lứa hái/năm, tính ra mỗi gốc cho nguồn thu 700 nghìn đồng. Với 160 gốc thanh long (gần 1.800m2), mỗi năm ông Kỳ thu về trên 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng trên 50 triệu đồng.
“Lúc đầu, đưa ra chợ bán, người dân cứ tưởng là thanh long bị tẩm phẩm màu. Nhưng sau khi nghe tôi giải thích và ăn thử, khách hàng “nghiện” luôn loại quả này. Điều đáng nói, thanh long ruột đỏ trồng trên đất vườn đồi ở Thanh Lâm có vị ngọt và màu đỏ đậm hơn hẳn so với trồng ở các vùng phía Nam. Giờ thì cứ đến lứa lại có thương lái vào tận vườn hái, không cần phải đưa đi chợ như trước. Năm nay thanh long được mùa, được giá, tôi nhẩm tính cũng phải thu được khoảng 150 triệu đồng” – ông Kỳ phấn khởi.
Ngoài trồng cây thanh long ruột đỏ cho quả, để đáp ứng nhu cầu người dân trên địa bàn huyện Thanh Chương, ông Kỳ còn cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ mới tham gia trồng.
Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thanh Chương không ngần ngại chuyển đổi diện tích trồng chè, trồng keo kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ.
Bà Trần Thị Hòa ở xóm Bắc Sơn (xã Thanh Mai) đã mạnh dạn chuyển gần 1ha chè sang trồng thanh long cho biết: “Thanh Long ruột đỏ dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên năng suất cao và chất lượng tốt. Điều lưu ý nhất khi trồng thanh long ruột đỏ là phải đảm bảo chân đất không dốc nhưng lại thoát nước tốt. Nhu cầu nước tưới của cây rất cao, cần phải khoan giếng. Thanh long đỏ ít sâu bệnh, giá bán năm nay lại đang cao, ở mức trên 30 nghìn đồng/kg, tính ra mỗi ha cũng cho nguồn thu trên dưới 250 triệu đồng”.
Được biết, toàn huyện Thanh Chương hiện có 30 mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, với tổng diện tích khoảng 20ha, tập trung ở một số xã: Thanh Phong, Thanh Mai, Thanh Thủy, Thanh Liên… Tại Nghệ An, cây thanh long ruột đỏ còn được trồng tại một số huyện như Anh Sơn, Đô Lương, Nghi Lộc… đều cho chất lượng, năng suất cao.
Năm nay, thanh long ruột đỏ tại Nghệ An được mùa, được giá. Hiện các nhà vườn đang nhộn nhịp vào mùa thu hoạch. Thanh long ruột đỏ năng suất cao, được giá, đầu ra khá ổn định. Từ hiệu quả kinh tế bước đầu, mô hình trồng thanh long ruột đỏ đang mở ra cho nông dân Thanh Chương nói riêng và Nghệ An nói chung hướng phát triển kinh tế hiệu quả. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã