Rừng keo xanh mướt bao quanh trang trại nuôi lợn của ông Lài.
Ông Lê Trọng Lài tâm sự: Vào thời điểm năm 1995 - 1996, xã Sơn Lâm triển khai chủ trương “giao đất khoán rừng” cho dân với dự án “phủ xanh đất trống đồi trọc”. Là Chủ tịch xã, “nói cho dân hiểu” nhưng cũng phải “làm cho dân tin”, ông đã mạnh dạn nhận 11 héc ta “đất trống, đồi trọc” để trồng keo.
Với phương châm “tích tiểu thành đại”, ông Lài đã mạnh dạn bán bớt đàn hươu, cùng với khoản tiền tích cóp hơn 100 triệu đồng, thuê máy đào, máy húc và nhân công đến phát dọn, san ủi 11 héc ta đất, cải tạo vũng lầy dưới chân đồi thành hồ nuôi cá.
“Vợ tôi (bà Thanh) là người tháo vát nên công tác quản lý, điều khiển công việc hàng ngày đâu ra đấy. Cuối tuần, nghỉ việc xã thì tôi mới xắn tay áo làm cùng mọi người” – ông Lài chia sẻ.
Rừng keo đã đến kỳ khai thác, mỗi năm ông Lài thu nhập từ rừng keo với hàng trăm triệu đồng.
Sau 7 tháng trời ròng rã, đất hoang được phát dọn, đầm lầy đã biến thành hồ nước trong, ông Lài bứng bầu keo giống lên đồi trồng và thả cá giống xuống hồ nuôi.
Công việc cứ tuần hoàn theo thời gian. Từ bàn tay siêng năng cộng với sự hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, ông Lê Trọng Lài đã biến hồ cá của ông thành hồ “cá bạc” và đồi keo thành “đồi vàng”. Riêng sản phẩm cá nuôi dưới hồ không những làm thực phẩm cho gia đình mà còn cung cấp ra thị trường, cho nguồn thu đáng kể. Còn 11 héc ta đồi keo, đến nay, ông Lài đã khai thác được 3 lần, mỗi lần lãi từ 300 triệu - 400 triệu đồng.
Tháng 6/2015, ông Lê Trọng Lài nghỉ hưu. Đây là thời điểm ông có thể “toàn tâm, toàn lực” cho trang trại của mình. Khai thác thế mạnh khu đồi keo rộng mênh mông bát ngát, ông xác định dồn vốn nuôi lợn siêu nạc theo quy mô lớn.
Bao giờ cũng vậy, việc chăn nuôi lợn trước hết phải có “đầu ra” mới kích thích sản xuất phát triển. Ông Lài đã bắt tay liên kết dài hạn với Công ty cổ phần chăn nuôi CP (Thái Lan), doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Phía người chăn nuôi đầu tư tiền vốn và quỹ đất xây dựng chuồng trại.
Giữa năm 2015, ông Lài đầu tư chuồng trại, bắt tay chăn nuôi lợn liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi CP.
Để có một cơ ngơi 2 chuồng nuôi lợn, với 1.200 con trên diện tích 9.000 m2, ông Lài đã đầu tư 3 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của gia đình và vốn vay của ngân hàng để tiến hành xây dựng chuồng trại.
“Cũng gian truân lắm anh. Chỉ riêng việc tạo mặt bằng đã mất thời gian gần 2 tháng. Rồi đến chuyện dựng khung sắt, lợp mái tôn, kéo điện lưới, lắp quạt điều hòa không khí, bể chứa Biogas với diện tích 1.400 m2 đều phải “chuẩn chỉ” theo thiết kế, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, môi trường” - ông Lài tâm sự.
Mỗi năm xuất 2 lứa lợn, ông Lài thu về 500 - 600 triệu đồng.
Bắt tay vào chăn nuôi, Công ty cổ phần chăn nuôi CP đã bàn giao cho ông 600 con lợn giống, mỗi con có trọng lượng từ 4 – 5 kg. Năm đầu tiên, việc nuôi lợn diễn ra khá thuận lợi nên năm thứ 2, ông Lài tiếp tục thả vào chuồng 600 con.
Ông Lê Trọng Lài kể, cách đây 3 năm, giá lợn hơi ở thị trường Hà Tĩnh rớt xuống một cách thể thảm, nhưng Công ty cổ phần chăn nuôi CP vẫn giữ ổn giá tiền công chăn nuôi cho ông. Đến năm 2020, giá thịt lợn hơi thị trường tăng thì đối tác lại chủ động nâng giá tiền công nên việc chăn nuôi 1.200 con vẫn thuận chèo mát mái.
Cứ đà này, mỗi năm xuất 2 lứa lợn, mỗi lứa xuất 140 tấn, ông Lài sẽ sinh lợi được 500 - 600 triệu đồng/lứa. Đó là chưa tính đến khai thác keo, thả nuôi cá và chăn nuôi gia cầm mỗi năm cũng đưa về vài trăm triệu đồng.
Theo Phan Thế Cải/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã