Bắt đầu từ một tổ ong
Những ngày này, gia đình ông Sỹ luôn nhộn nhịp người ra vào, người hỏi mua bưởi, người lại đến để xem mô hình nuôi ong của ông.
Với mảnh vườn rộng gần 1.500m2, ông Sỹ đã trồng 60 gốc bưởi. Dưới những tán bưởi, ông đặt nuôi hàng trăm tổ ong. Hiện tại, ông đã có hàng trăm tổ ong.
Chia sẻ về cơ duyên nuôi ong của mình, ông Sỹ cho phóng viên DANVIET. VN biết: Trước đây, ông làm nghề thợ mộc, nay đây mai đó. Mảnh vườn được vợ con trồng bưởi, nhưng thời điểm đó, năng suất cũng như giá thành bưởi không cao. Do đó, gia đình không chú trọng chăm sóc nên vườn bưởi ngày càng lụi dần. Quá trình đi làm, thấy người dân ở những vùng ông đi qua họ nuôi rất nhiều ong nên ông mới tìm hiểu về nghề này.
"Năm 2011, tôi mới bắt đầu nuôi ong, lúc đó tôi chỉ mới nuôi cho vui. Nhưng trong quá trình đi làm thợ mộc ở tỉnh Nghệ An, thấy có nhiều hộ nuôi rất nhiều ong và họ cho biết con ong mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Lúc đó, tôi mới nghiên cứu và giành thời gian đi những vùng họ nuôi ong quy mô lớn để học tập kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong. Sau đó, tôi bỏ luôn nghề thợ mộc mà chỉ ở nhà chuyên tâm nuôi ong" - ông Sỹ cho biết.
Thời điểm đó (năm 2012), Tổ ong đầu tôi quay được 5 chai mật, bán với giá 200 ngàn đồng/chai. Quay mật xong, bà con lối xóm đến tranh nhau lấy hết, gia đình không có mật để dùng. Lúc đó, tôi mới nghĩ đến việc tăng đàn, phát triển đàn ong.
Với lợi thế là khu vực rừng núi, có nhiều loại hoa, đặc biệt là hoa cam, bưởi nên chất lượng mật ong khá thơm ngon.
Ông Sỹ chia sẻ với DANVIET.VN: Con ong đến với tôi như một cơ duyên, tôi đang tìm hiểu để nuôi ong thì bỗng dưng có một đàn ong về ở tại nhà tôi. Từ một đàn ong đó mà đến nay tôi có cả trăm đàn.
Lúc đầu tôi cũng chỉ nghĩ nuôi một vài đàn cho vui chứ thời điểm đó không có tiền để mua giống. Nhưng sau đó từ những đàn ong sẵn có của mình, tôi đã học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi ong trước đó và nhân giống, tăng đàn.
Vừa dẫn phóng viên đi xem trại ong của mình, ông Sỹ vừa chia sẻ: Thời điểm tôi nuôi ong, ở địa phương chưa có ai nuôi ong theo hướng chuyên nghiệp nên từ kỹ thuật, các dụng cụ trong nghề nuôi ong hầu như không có. Tôi lại phải đi các nơi, tìm đến những người nuôi ong quy mô lớn để học, rồi về tự chế ra những dụng cụ để phục vụ công việc nuôi ong.
Cho thu nhập kép
Ông Sỹ cho hay: Mỗi năm, đàn ong tôi quay được khoảng 1000 chai mật, mỗi chai trước đây tôi bán giá 200 ngàn, hiện nay, người nuôi nhiều, giá mật giảm nên mỗi chai tôi bán với giá 150 ngàn đồng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên mật tiêu thụ chậm hơn.
Ngoài bán mật, ông Sỹ còn bán ong giống, mỗi năm ông bán được khoảng 50 tổ ong giống thu về hơn 50 triệu đồng.
Năm nay, vườn bưởi 5 năm tuổi của ông có hơn 2000 quả, hiện tại được gia đình ông bán 30 ngàn đồng/quả.
Ông Sỹ cho phóng viên DANVIET.VN biết: Nuôi ong dưới tán bưởi đến mùa ong làm mật có hoa cam, hoa bưởi và các loại hoa rừng nên chất lượng mật ong thơm ngon. Con ong đi tìm hoa lấy mật lại giúp thụ phấn cho cây bưởi nên lợi cả đôi đường. Đồng thời, con ong giúp người làm vườn đuổi các loại bướm, giệt sâu bọ, tạo môi trường sinh thái lành mạnh
Cũng theo ông Sỹ, ở vùng này, hằng năm đều bị ngập lụt nên đến mùa lũ là phải di chuyển đàn ong lên chỗ cao. Nên ngoài kỹ năng chăm sóc ong, đòi hỏi người nuôi còn phải có kỹ năng trong việc di chuyển các tổ ong lên thuyền bè. Nếu không có kỹ thuật và thật khéo léo thì hỏng hết.
Không chỉ phát triển quy mô đàn cho gia đình, ông Sỹ còn giúp đỡ các hộ khác trong thôn có đam mê nuôi ong. Có những thời điểm, người mua ong giống đến đặt chang ong chật nhà
Khi bén duyên với con ong, hơn 10 năm nay, ông đã bỏ nghề mộc để chuyên tâm vào nuôi ong. Có nghề mộc trong tay, ông Sỹ tự sáng tạo ra để đóng tổ ong cho mình.
Về kỹ thuật nuôi ong, ông Sỹ chia sẻ: Nghề nuôi ong tuy không vất vả nhưng đòi hỏi người nuôi phải yêu nghề và chịu khó. Công việc không có gì là vất vả khó nhọc cả, đây là một ngành công nghiệp sạch lại mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Trao đổi với phóng viên DANVIET.VN, ông Đinh Hữu Cảnh - Chủ tịch hội nông dân xã Lộc Yên cho biết: Việc ông Sỹ phát triển nghề nuôi ong dưới tán bưởi đang tạo hướng đi mới cho người dân nơi đây. Vừa tận dụng được nguồn hoa trong tự nhiên, tận dụng khoảng không dưới những tán bưởi như vậy vừa có thu nhập từ cây bưởi vừa có thu nhập từ con ong.
Từ một mô hình nuôi ong dưới tán bưởi của ông Sỹ mà hiện nay đã có rất nhiều hộ ở địa phương làm theo. Hiện nay, mô hình của ông Sỹ là một trong những mô hình vườn mẫu tại địa phương chúng tôi.
https://danviet.vn/ha-tinh-tiet-lo-bat-ngo-ve-hang-tram-to-ong-kha-hung-du-dat-trong-vuon-buoi-hon-2000-qua-chin-vang-20200906220237164.htm
Theo Nguyễn Duyên/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã