Được mùa, được giá
Năng suất vụ hè thu 2020 toàn tỉnh bình quân đạt 47,23 tạ/ha, cao hơn 0,53 tạ/ha so với kế hoạch và cao hơn 0,75 tạ/ha so với năm 2019
Đầu tháng 9, trên những thảm lúa vàng mênh mông, bát ngát ở các “vựa lúa” Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên đến vùng miền núi Hương Sơn, Vũ Quang, đâu đâu cũng tấp nập, rộn ràng không khí thu hoạch. Trên mỗi gương mặt nông dân, ai nấy đều vui tươi, phấn khởi với niềm vui được mùa, được giá.
Bên thửa ruộng vừa gặt, lão nông Biện Văn Tân ở xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) phấn khởi chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên nông dân chúng tôi giành được vụ hè thu thắng lợi toàn diện. Năng suất lúa đạt cao nhất từ trước đến nay với gần 52 tạ/ha. Đặc biệt, thu hoạch tới đâu doanh nghiệp thu mua tới đó với giá khá cao (9.000 đồng/kg lúa khô giống RVT, canh tác hữu cơ - PV), đảm bảo sản xuất có lãi”.
Bà con nông dân xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh vui mừng thu hoạch vụ hè thu sau 20 năm bỏ hoang ruộng đồng do thiếu nước
Không chỉ được mùa ở những địa bàn có hệ thống tưới tiêu thuận lợi, mà tại các huyện miền núi như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê - nơi được coi là những vùng đất “cao cạn”, bất lợi cho sản xuất hè thu nhưng năm nay cũng đạt được kết quả ngoài mong đợi, năng suất cao hơn cùng kỳ 2019 từ 5-8 tạ/ha.
Theo kết quả khảo sát, đánh giá sơ bộ ban đầu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, năng suất lúa vụ hè thu 2020 toàn tỉnh bình quân đạt 47,23 tạ/ha, cao hơn 0,53 tạ/ha so với kế hoạch và cao hơn 0,75 tạ/ha so với năm 2018 (năm đạt năng suất cao nhất từ 2016-2019).
Việc thu hoạch lúa hầu hết đều được cơ giới hóa
Riêng huyện Cẩm Xuyên - địa phương có năng suất cao nhất tỉnh, bình quân đạt 53,75 tạ/ha, cao hơn so với kế hoạch 2,75 tạ/ha và cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái 4,67 tạ/ha. Tiếp đó là các huyện: Can Lộc (50 tạ/ha), Lộc Hà (49,30 tạ/ha), Thạch Hà (48,44 tạ/ha), Kỳ Anh (46 tạ/ha)…
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”
Giống lúa Dự Hương 8 được sản xuất theo hướng hữu cơ trên đồng đất Hà Tĩnh cho năng suất, chất lượng cao
Vụ hè thu 2020, Hà Tĩnh gieo cấy 44.250 ha, cơ cấu 13 loại giống vào bộ giống chủ lực, tăng thêm 1 loại giống so với vụ hè thu 2019, với các giống chủ lực gồm: Khang dân 18, Khang dân đột biến, Thiên ưu 8, BQ, VTNA2, HT1, Nếp 98, Nếp 87, PC6, TH3-3, TH3-5, Xuân Mai và BT09.
Đây là những giống lúa có “thâm niên” sản xuất trên các cánh đồng ở Hà Tĩnh, thích nghi ở nhiều vùng sinh thái, ổn định năng suất, sản lượng. Đồng thời, bộ giống chủ lực cũng tuyển lọc, bổ sung những loại giống có chất lượng, mang giá trị hàng hóa cao như: Nếp 98, Nếp 87, BQ, Thiên ưu 8…
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, nhận định điều kiện thời tiết trong sản xuất vụ hè thu là phức tạp, khó lường nên ngay từ công tác chỉ đạo lựa chọn cơ cấu bộ giống đã phải hết sức căn cơ. Đó là, tất cả các loại giống đều nằm trong khung thời gian sinh trưởng “an toàn” 115 ngày, đảm bảo thích ứng với điều kiện thời tiết trong vụ hè thu ở Hà Tĩnh. Về tiến độ, đây là năm đầu tiên Hà Tĩnh hoàn thành gieo cấy vụ hè thu sớm hơn so với kế hoạch.
Hê thống thủy lợi Ngàn Trươi đáp ứng cung cấp nước tưới cho các huyện Đức Thọ, Can Lộc và Thạch Hà
Cùng với lựa chọn cơ cấu bộ giống năng suất, chất lượng cao, bố trí lịch thời vụ sát đúng diễn biến thời tiết, điều quan trọng để vụ hè thu 2020 thắng lợi đó là việc chủ động được nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, đặc biệt là công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang.
Theo ông Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, năng suất lúa vụ hè thu của huyện đạt cao là nhờ cơ cấu đồng bộ giống, đúng lịch thời vụ. Bên cạnh đó, nhờ chủ động nguồn nước dự trữ từ các hồ đập, đặc biệt là hồ Ngàn Trươi nên ngay trong những tháng cao điểm nắng nóng vẫn đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới cho toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn.
Hè thu 2020 là vụ sản xuất được đánh giá “sạch” sâu bệnh nhất từ trước đến nay. Từ đầu đến cuối vụ, các đối tượng sâu bệnh như: cuốn lá, đục thân, khô vằn, bạc lá… xuất hiện rất ít. Nhiều diện tích không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Lần đầu tiên, Hà Tĩnh về đích sớm gieo cấy lúa hè thu. Đến ngày 10/6, toàn tỉnh đã gieo cấy trên 44.250 ha lúa, đạt 100% kế hoạch
Về nguyên nhân ít sâu bệnh hơn so với mọi năm, theo ông Hà, ngay từ đầu vụ, cơ quan chuyên môn đã bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ, từ khâu chọn giống, bón phân cân đối, gieo cấy mật độ phù hợp... Thời tiết tháng 6, tháng 7 nắng nóng, độ ẩm thấp nên các đối tượng dịch hại không có điều kiện phát triển. Mặt khác, thời vụ hè thu ngắn nên việc tích lũy đối tượng gây hại chưa đủ thời gian. Đặc biệt, bà con luôn bám sát đồng ruộng nên khi xuất hiện sâu bệnh là kịp thời báo cáo, xử lý ngay.
Đến ngày 10/9, cơ bản diện tích lúa hè thu đã được bà con nông dân thu hoạch xong trong tâm thế một vụ mùa thắng lợi toàn diện. Đây là vụ mùa để lại bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ khâu lựa chọn, cơ cấu bộ giống, khung lịch thời vụ, chống hạn, bám sát đồng ruộng đến khâu thu hoạch.
Nông dân Hà Tĩnh phấn khởi khi vụ hè thu “được mùa, được giá”, thương lái thu mua tận chân ruộng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã