Dưa chuột có thể ăn tươi như rau sống hoặc xào, trộn xa lát, muối chua, muối mặn hoặc đóng hộp. Nó giàu vitamin và các chất khoáng. Vào mùa hè, khi ăn quả dưa chuột ta thấy mát và tỉnh táo như các loại nước giải khát khác. Gần đây, dưa chuột còn được xuất khẩu. Người ta muối mặn hoặc đóng hộp để xuất đi cho các nước. Nhiều vùng đã có truyền thống trồng dưa chuột. Thu nhập của bà con rất khá. Dưa chuột mà trồng đúng kỹ thuật có thể cho năng suất 50-60 tấn/ha. Có giống chỉ sau 35 ngày đã bắt đầu cho thu. Nói chung, nó nhanh cho quả và cho quả nhiều đợt. Vì vậy, đất đai, phân, nước phải phù hợp và đảm bảo ở mức tối ưu thì cây mới cho năng suất tốt nhất.
Dưa chuột ưa đất màu mỡ, tơi xốp và có độ chua trung tính. Tốt nhất là đất thịt nhẹ, cát pha. Điều quan trọng là phải được luân canh triệt để. Tốt nhất là luân canh với lúa.
Nó là cây thân leo nên phải bắc giàn. Ta làm giàn chữ A, cọc dài 1,5-2m. Khoảng 35-40cm ta buộc thêm 1 thanh ngang theo dọc luống để giữ cho giàn được vững chắc. Rễ dưa chuột vừa yếu lại vừa ăn nông. Vì vậy, phải chú ý giữ cho lớp đất mặt luôn luôn ẩm, không bị khô hạn và cũng không được để bị úng.
Dưa chuột ưa khí hậu ấm áp, ôn hòa và khô ráo. Nó rất sợ bị sương giá. Nhiệt độ xuống dưới 10 độ C là cây chậm sinh trưởng. Nó là cây ưa sáng ngày ngắn. Vụ này là thích hợp. Nó có thể trồng vào vụ xuân hè (tháng 2-3) và vụ thu đông (tháng 9-10). Ở miền Trung thì nên chậm hơn nửa tháng. Còn ở phía Nam thì nên trồng vào mùa khô (tháng 12-2). Cần lưu ý, yêu cầu về phân bón của dưa chuột khác với các loại rau. Nó cũng cần đủ NPK nhưng lượng kali phải cao hơn. Người ta cho biết, dưa chuột dùng nhiều nhất là kali, sau đó tới đạm rồi mới tới lân. Khi cây bắt đầu ra trái thì ta cần giảm dần lượng đạm. Thậm chí, nếu thừa đạm, cây có thể sẽ bị rụng nụ, rụng hoa và dễ bị nhiễm sâu bệnh. Tốt nhất vẫn là bón đủ phân hữu cơ hoai mục cho cây.
Phải chú ý xới xáo, làm cỏ thường xuyên cho ruộng dưa. Cố gắng giữ cho đất luôn tơi xốp và thông thoáng. Riêng với dưa chuột, ta tưới rãnh tốt hơn là tưới phun lên lá. Người ta cho rằng, nếu lá bị ướt thì dễ bị nhiễm bệnh hơn. Vì vậy, nếu tưới phun thì ta tưới vào sáng sớm để lá có thể khô đi trong ngày chứ không nên tưới phun vào chiều tối.
Dưa chuột cũng hấp dẫn nhiều loại sâu và bệnh như sâu xám, sâu đục quả, rệp, rệp đỏ, ruồi đục quả, ruồi đục lá, bọ trĩ, bọ xít nâu... và các bệnh như sương mai, phấn trắng và khảm lá. Ta cố gắng giữ gìn vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ lá già, lá bị bệnh và tạo môi trường thông thoáng. Nên thực hiện nghiêm chỉnh chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM). Nếu buộc phải dùng tới thuốc hóa học thì phải tuân theo chỉ dẫn của nơi sản xuất.
Nên thu hoạch dưa vào đúng thời điểm khi cánh hoa héo được 7-10 ngày. Còn với dưa chuột bao tử thì thu khi hoa héo khoảng 3 ngày và mỗi ngày thu 1-2 lần. Cố gắng giữ cho quả dưa không bị xây xát và giập nát.
Theo: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã