Tìm đến nhà ông Đồng, đứng trước khu chuồng trại được xây dựng khá khoa học, với quy mô khoảng 2.600m2, có nơi để vịt ngủ và khoảng sân chơi rộng rãi, tôi vô cùng ấn tượng. Ở khu sân chơi ngoài trời, ông còn bố trí những mảnh ao cá để vịt tắm, có hệ thống ống dẫn nước vào - đưa nước ra thường xuyên.
Ông Đồng cho biết, gia đình ông có truyền thống nuôi vịt. Cụ thân sinh ra ông đã nuôi vịt từ thời hợp tác xã mới thành lập cho đến nay. Kế nghiệp cha, hiện, 5 anh em ông đều chăn nuôi vịt. Riêng số lượng vịt nuôi tại trại của ông lên đến 3.500 con. Nhờ sự giúp đỡ của trạm thú y về kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp vệ sinh phòng dịch cộng với kinh nghiệm vốn có mà nhiều năm liền, trang trại của gia đình ông không xảy ra dịch bệnh.
Theo kinh nghiệm của ông Đồng: “Nuôi vịt đẻ trứng rất khó, đòi hỏi người chăn nuôi phải nắm vững kỹ thuật, chú ý từ khâu chọn giống đến chăm sóc cũng như phòng trừ dịch bệnh, nhất là khâu chọn giống. Nếu chọn được con giống tốt sẽ cho sản lượng trứng cao. Từ lúc bắt giống về nuôi đến khi được 4-4,5 tháng, vịt bắt đầu cho trứng và đẻ liên tục trong vòng 2 năm. Cứ 10 con mái thì nuôi kèm 1 trống để phối giống. Đặc biệt lưu ý, trong quá trình vịt đẻ, phải cung cấp đủ dinh dưỡng; ngoài việc tiêm phòng vắc-xin định kỳ thì không được tiêm bất cứ một loại kháng sinh nào vì làm như vậy vịt sẽ ngừng đẻ. Cần phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu độc khử trùng thường xuyên và chú ý đến khẩu phần ăn của vịt (3.500 con vịt mỗi ngày tiêu tốn hết 6 tấn cám tổng hợp). Để vịt đẻ đều, trứng to, vịt đẻ cần được cung cấp thêm ánh sáng, ngoài chiếu sáng tự nhiên khoảng 12 -14 giờ, phải chiếu sáng nhân tạo bổ sung vào ban đêm 3 -5 giờ/đêm; công suất chiếu sáng là 3 -5 W/m2 nền chuồng. Chiếu sáng hợp lý sẽ kích thích đẻ trứng và đảm bảo chất lượng trứng giống cao”.
Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật mà đàn vịt nhà ông Đồng đẻ nhiều, đẻ đều và cho năng suất cao. Trung bình mỗi ngày 3.500 con đẻ được 3.400 quả trứng, mỗi tháng gia đình ông thu lãi khoảng 30 triệu đồng.
Khi được hỏi về bí quyết chăn nuôi vịt, ông Đồng cho biết: “Nghề nuôi vịt đòi hỏi người nuôi phải có sự tỷ mỷ, quan sát từng con để biết con nào đẻ đều, con nào đã ngưng đẻ phải tách đàn thay thế. Vịt đẻ trứng bình thường 2 năm thay một lần nhưng cũng có thể sớm hơn để năng suất và chất lượng trứng tốt hơn. Ngoài ra, cần để ý tính để phát hiện sự linh hoạt của vịt, màu sắc phân để nhận biết tình trạng sức khỏe của từng con. Thức ăn cho vịt phải đảm bảo đủ chất và không bị nấm mốc, nước uống cũng phải sạch, hàng ngày trước khi thả vịt ra tắm cần cho vịt uống đủ nước sạch. Khu nuôi nhốt sạch sẽ, thoáng mát và có đủ ánh sáng cần thiết”.
“Chăn nuôi phải biết thời cơ, nhận biết đàn vịt nào kém cần loại ngay bổ sung đàn mới, thời điểm nào nuôi nhiều, phải theo từng tháng thì mới đảm bảo thắng lợi, không xảy ra thua lỗ”, ông Đồng khẳng định.
Lê Sơn
nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã