Cách trung tâm Hà Nội chừng 30km, đến thôn Bãi, xã Cao Viên, nơi đây vốn nổi tiếng là đất trồng cam. Dẫn chúng tôi lượn quanh vườn cam nhà mình rộng hơn 1.000m2, ông Giáp khoe những cây cam sai chĩu quả, rồi giới thiệu cho chúng tôi xem một số loại cây mà ông lai ghép mang trên mình 5 loại quả để bán cây cảnh vào dịp tết tới khiến chúng tôi, hoặc những ai đến vườn cam của ông cũng phải trầm trồ khen ngợi.
Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng ngày ngày ông Giáp vẫn miệt mài, say mê với những nghiên cứu của mình bên vườn cây cam, quýt. Chỉ tay vào cây bưởi sum suê các loại quả, ông Giáp cho biết, năm 2005, trong những lần chăm sóc cây cam canh ông bỗng nảy sinh ý tưởng trồng một loại cây có thế cho ra nhiều loại quả dùng chơi trong ngày tết.
Ông Giáp - người ghép thành công cây “độc” chơi dịp tết.
Có ý tưởng, ông bắt tay vào thực hiện nhưng do kinh nghiệm chưa nhiều cộng với việc chưa nghiên cứu kỹ đặc tính của từng loại cây định ghép nên trong khoảng thời gian ghép cây (từ năm 2006 đến 2009) ông trải qua không biết bao lần thất bại.
Thời gian đầu, ông Giáp trồng thí nghiệm từ 3 đến 4 cây bưởi chua, đem ghép quả cam, chanh, phật thủ. Tuy nhiên đến thời điểm cuối năm thu hoạch, cây ghép lại cho quả chín vào không đúng thời điểm dịp tết như ông Giáp từng mong đợi. Quả chanh, cam ông Giáp ghép có thể chín vào đúng dịp tết nhưng quả phật thủ lại chín vào thời điểm trước tết hai tháng do đó ý tưởng về một cây cho nhiều loại quả vẫn chưa khả thi.
Thất bại nhưng không nản, ông tiếp tục tìm hiểu sâu, nghiên cứu về đặc tính của các loại cây, thời điểm ra hoa, quả chín và tiếp tục dệt ước mơ của mình với hy vọng sẽ sớm gặt hái được thành công.
Năm 2009, khi đã tìm hiểu kỹ về đặc tính của các loại cây muốn ghép, ông đem cam hoặc bưởi diễn ghép vào tháng ba hoặc tháng 5. Cuối tháng 5, đầu tháng 6 ông ghép chanh. Đầu tháng 7 ông ghép cam Malaysia, tháng 10 và tháng 11 ông ghép quất, phật thủ trên cùng một cây bưởi. Ông Giáp cho biết phải ghép trên cây bưởi vì loại cây này khỏe, cành to có thể gánh được sức nặng của các loại quả đã ghép, đến lúc này những loại quả ông ghép đã chín cùng một thời điểm.
Bưởi, cam, quýt, phật thủ, quất góp mặt trên cây ngũ quả.
Sau bao nỗ lực, cố gắng, ông đã ghép thành công cây ngũ quả. Đặc biệt, cây ngũ quả của ông Giáp không chỉ có màu vàng, màu đỏ của cây đang độ chín, mà còn màu xanh tươi tắn của lá, điểm xuyên vào đó là màu trắng của hoa; hơn nữa cây ngũ quả vẫn bảo đảm mùi vị đặc trưng của hoa, quả của từng loại.
Những ngày giáp Tết, vườn cây của ông Giáp luôn nhộn nhịp bởi khách đến đặt mua cây. Tùy theo số lượng quả cấy ghép trên cây mà có giá bán khác nhau. Mỗi cây ngũ quả ông thường bán với giá 2 đến 5 triệu, có cây lên đến hàng chục triệu đồng, nhờ vườn cây ngũ quả đã mang về thu nhập cho gia đình ông tới 700 – 800 triệu/ năm.
Hơn thế, cây “độc” của ông Giáp đã được nhiều người từ trong nam ngoài bắc đến các huyện đảo xa xôi biết đến và tìm mua. Lão nông hy vọng "Cây ngũ quả tượng trưng cho 5 thế hệ trong một gia đình: Ông bà, bố mẹ, con, cháu và tổ tiên sẽ mang đến sự thịnh vượng, cát tường, hạnh phúc, no đủ cho các gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về".
Hiện nay, ngoài cây ngũ quả, lão nông Lê Đức Giáp còn ghép thành công thêm một số loại bưởi, loại cam nữa vào cây ngũ quả tạo thành cây “thất – cửu” quả.
Thành công trong việc trồng cây cam canh, ông Giáp đã đưa gia đình mình từ cảnh thiếu ăn đến có của ăn của để, cũng chính vì thế mà ông được nhiều người ở các khu vực xung quanh như Thạch Thất, Ba Vì, các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên… tìm đến với mục đích học hỏi kinh nghiệm. Ông cho biết "mình không ngần ngại chia sẻ một cách thẳng thắn với những người đến tìm hiểu cách trồng cam Canh đạt năng suất cao, ông còn giúp đỡ nhiều người về giống cây khi họ mới bước vào nghề. Ông Giáp cho hay, “vùng đất nào có cam Canh tôi đều có mặt để giúp đỡ”.
Ghi nhận những đóng góp của ông Lê Đức Giáp, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen. Đồng thời, ông cũng được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “công dân ưu tú Thủ đô”.
Nguyễn Hoan (tổng hợp)
Theo http: petrotimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã