Sinh năm 1979 trong một gia đình nghèo, anh Thành chỉ học hết lớp 7 rồi bỏ ngang đi làm thuê kiếm sống. Thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch trong mỗi gia đình ngày càng cấp thiết, trong khi lo ngại về thực phẩm không an toàn ngày càng gia tăng, anh Thành ấp ủ ý tưởng làm nông nghiệp sạch. Cuối năm 2017, anh đi nhiều nơi để tìm hiểu những kinh nghiệm canh tác nông nghiệp tiên tiến và chọn mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá hướng hữu cơ Aquaponics để khởi nghiệp.
Từ khâu chọn vật liệu, lắp ghép mô hình, chọn giống, gieo hạt…, anh đều tự tay làm. Những mẻ rau đầu thất bại: hạt giống không chịu nảy mầm, hạt nảy mầm thì phát triển còi cọc, nước trong hồ cá có mùi lạ… khiến anh Thành mất ăn mất ngủ, là việc cả ngày lẫn đêm kiểm tra, thử nghiệm lại các quy trình để khắc phục. Sau nhiều tháng kiên trì "chiến đấu", rau phát triển xanh tốt, cá lớn nhanh khỏe mạnh, anh nông dân 7X tự tin mở rộng sản xuất và thương mại hóa sản phẩm.
Anh Nguyễn Tiến Thành (trái) rất tâm đắc với mô hình trồng rau hữu cơ kết hợp nuôi cá
Với diện tích hơn 1.500 m2, anh Thành đang trồng các loại rau cải thảo, xà lách, tía tô, cả bẹ xanh…; cùng với đó là các loại cá mang giá trị kinh tế cao như: chạch lấu, chình… Việc cho ra các sản phẩm chất lượng đã mang lại hiệu quả tốt khi rau, cá của mô hình bán được với giá cao hơn khoảng 20% so với sản phẩm cùng loại, thu nhập mang lại khoảng 400- 500 triệu đồng mỗi năm. Nhiều nhà phân phối, siêu thị lớn đã tìm đến đặt vấn đề bao tiêu đầu ra cho sản phẩm rau thủy canh của Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA do anh Thành làm giám đốc.
"Để cung cấp ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hơn quy trình sản xuất, đồng thời mở rộng quy mô canh tác với nhiều sản phẩm rau, cá khác. Trong khuôn viên sản xuất, tôi sẽ xây dựng thêm không gian phục vụ du lịch trải nghiệm cho du khách gần xa…" - anh Thành thông tin.
Theo ông Hồ Tấn Vũ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lấp Vò, mô hình trồng rau nuôi cá Aquaponics còn khá mới mẻ ở địa phương nhưng hoạt động hiệu quả theo đúng định hướng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Điểm nổi bật của mô hình này là tính ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp huyện sẽ thường xuyên tiếp cận, nắm bắt những thuận lợi, khó khăn của đơn vị để hỗ trợ kịp thời. Song song đó, tiếp tục định hướng sản xuất nông sản theo hướng bền vững...
Tiết kiệm 40%-50% chi phí sản xuất
Aquaponics là thuật ngữ kết hợp giữa Aquaculture (nuôi trồng thủy sản) và Hyd-roponics (thủy canh). Sự tích hợp đồng thời cả hai hệ thống nuôi trồng thủy sản và thủy canh mang lại lợi ích thiết thực và tính độc đáo của Aquaponics. Thay vì bổ sung phân bón và các hóa chất để trồng cây, mô hình này sử dụng chất thải từ cá nhờ sự chuyển hóa từ các loài vi sinh vật thành chất dinh dưỡng nuôi cây. Ngược lại, thay vì phải xử lý rồi xả nước từ nuôi cá ra môi trường, Aquaponics sử dụng cây trồng để làm sạch nước và trả lại cho bể cá. Nước này có thể được tái sử dụng vô thời hạn, chỉ cần bổ sung khi bị bay hơi.
"Ưu điểm của phương pháp này là người trồng tiết kiệm được 40%-50% chi phí sản xuất. Việc quan trọng nhất của mô hình là mật độ cá nuôi và cây trồng phải cân bằng. Vì vậy, tôi phải thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây trồng, sau đó mới quyết định tăng giảm mật độ cá. Cá nuôi trong hệ thống bắt buộc phải là cá nước ngọt. Nếu nuôi tôm sẽ phải nắm bắt một số kỹ thuật cơ bản mới có thể chăm sóc được" - anh Nguyễn Tiến Thành nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã