Học tập đạo đức HCM

'Bà đỡ' cho cây dược liệu

Thứ ba - 20/06/2017 03:57
Tại huyện Con Cuông (Nghệ An), một doanh nghiệp đã đầu tư trồng các loại cây dược liệu với mong muốn tạo vùng sản xuất dược liệu, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; cung cấp ra thị trường những sản phẩm hữu ích.

 

Ý tưởng trên đã nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh Nghệ An và đang hiện thực hóa những khát vọng vươn xa, nâng tầm sản phẩm.
 

Những bạn trẻ chung ý chí

Ngày 24/7/2015, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo “Phát triển cây dược liệu thành cây chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Nghệ An”. Nhận thấy địa hình đồi núi rộng, có tiềm năng phát triển cây dược liệu nhưng chưa phát huy hiệu quả, ông Phan Xuân Diện, Phó phòng NN-PTNT huyện Con Cuông đã đề xuất đưa mô hình về địa phương và nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh, Sở KH-CN Nghệ An.

Mô hình trồng cây dược liệu tại Con Cuông được hình thành với những loại cây đặc thù như dây thìa canh, cà gai leo, kim ngân. Ông Diện được phân công làm chủ nhiệm dự án và Cty CP Dịch vụ KH-CN Nông nghiệp Thành An là đơn vị triển khai.

13-59-14_c_gi_leo_de_trong_co_gi_tri_co_trong_viec_dieu_tri_cc_benh_ve_gn
Cà gai leo dễ trồng, có giá trị cao trong việc điều trị các bệnh về gan

Lộc Văn Ngọc, sinh năm 1989, cựu sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân; Lương Văn Cảnh, cựu sinh viên ĐH Nông lâm Huế; Giản Thị Sang, cựu sinh viên Khoa Nông lâm ngư ĐH Vinh đã có thời gian làm việc trong đội trí thức trẻ tình nguyện của huyện Con Cuông. Sau khi hết thời gian hợp đồng các trí thức trẻ này đã “đầu quân” vào Cty CP Dịch vụ KH-CN Nông nghiệp Thành An. Đây là một nguồn nhân lực quan trọng, chất lượng được kỳ vọng sẽ đem đến sự thành công cho dự án.

Lộc Văn Ngọc tâm sự: “Tham gia dự án, chúng tôi có việc làm, có đồng thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Nhưng quan trọng hơn, chúng tôi nhìn thấy ở dự án một niềm hy vọng thực sự. Thứ nhất, dự án giúp phát triển những loại cây dược liệu quý quanh mình mà lâu nay, những người bị bệnh tiểu đường, gan nhiễm mỡ, mỡ máu, viêm gan… phải gửi tiền ra tận ngoài miền Bắc để mua, mà muốn mua cũng không dễ dàng gì. Thứ hai, chúng tôi vẫn hy vọng dự án thành công và nhân rộng để cây dược liệu có thể giúp đồng bào các dân tộc Con Cuông nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung thay đổi cuộc sống.

13-59-14_cy_duoc_lieu_thich_hop_voi_vung_dt_con_cuong
Cây dược liệu thích hợp với vùng đất Con Cuông

Tháng 7/2016, dự án được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý hỗ trợ tiền mua 16.500 cây các loại gồm thìa canh, cà gai leo, kim ngân. Nguồn giống là những cây đầu dòng được đặt mua tại Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (thuộc Viện Dược liệu). Ngoài ra, UBND tỉnh Nghệ An còn hỗ trợ kinh phí tập huấn, một phần phân bón cho dự án.

Các thành viên tham gia dự án hồ hởi vào cuộc. Tháng 9/2016, hơn 5ha cây cà gai leo, dây thìa canh, kim ngân được trồng tại xã Chi Khê. Giai đoạn đầu, việc thực hiện gặp muôn vàn khó khăn.

“Vốn ít, không đủ tiền thuê nhân công, các thành viên tham gia dự án phải lăn vào làm như những công nhân thực thụ. Chúng tôi phải tự dùng máy cày để cày đất, lên luống, bỏ phân, tay chẻ tre làm giàn… Dây thìa canh, kim ngân, cà gai leo có thời gian lưu gốc từ 3 - 10 năm (cà gai leo 3 năm, kim ngân 6 - 8 năm, dây thìa canh 9 - 10 năm, tốt nhất phải làm giàn cố định (đối với dây thìa canh và kim ngân) nhưng đang khó khăn nên phải làm giàn tre tạm bợ.

Cũng may là anh em chung ý chí, chịu khó, chịu khổ. Đến nay, chúng tôi đã trồng được 5ha cây dược liệu, vài tuần nữa là có thể thu hoạch lứa đầu tiên. Đây là những cây đầu dòng đã được chọn lọc nên chúng tôi cũng đang triển khai nhân giống với mục đích tiếp tục tăng diện tích trong thời gian tới”, ông Phan Xuân Diện phấn khởi.

13-59-14_loc_vn_ngoc_dng_so_che_me_sn_phm_du_tien
Lộc Văn Ngọc đang sơ chế mẻ sản phẩm đầu tiên


Khát vọng vươn xa, nâng tầm sản phẩm

Khi chúng tôi đến tham quan mô hình cây dược liệu, không chỉ các bạn trẻ mà ông Phan Xuân Diện cũng đang lăn lộn giữa nắng hè gay gắt để phơi những mẻ dây kim ngân đầu tiên. Ông Diện cho biết, ông và các đồng sự đang chuẩn bị đưa sản phẩm qua sơ chế của mình ra Viện Dược liệu để phân tích các vi chất, thành phần, hàm lượng có trong cây thìa canh, cà gai leo, kim ngân. Đây là bước chuẩn bị cho một ý tưởng mới trong việc đưa sản phẩm sản xuất theo quy trình khép kín đến với người tiêu dùng.

Qua 1 năm triển khai mô hình, điều mà các thành viên phấn khởi nhất là dây thìa canh, cà gai leo, kim ngân thích ứng tốt với điều kiện khí hậu ở huyện Con Cuông, hầu như không có sâu bệnh hại. Tháng 12, khi thời tiết ẩm ướt có xuất hiện một ít rệp sáp vàng trên cây dây thìa canh nhưng dễ dàng sử dụng vôi bột để xử lý mà không cần phun một loại thuốc trừ sâu nào.

Thực tiễn khi triển khai dự án, các thành viên rút ra kinh nghiệm, ngoài cây cà gai leo không cần làm giàn leo thì dây thìa canh, kim ngân không nên làm dàn hình chữ “A” mà cần làm dàn hình chữ “T”, sử dụng lưới B40 làm giàn, vừa thuận tiện cho việc làm cỏ, thu hoạch lại vừa tận dụng tối đa nguồn ánh sáng giúp cây sinh trưởng tốt, tăng năng suất.

13-59-14_cc_bn_tre_thm_gi_du_n_dng_su_dung_cy_du_dong_de_nhn_giong_mo_rong_dien_tich
Các bạn trẻ tham gia dự án sử dụng cây đầu dòng để nhân giống, mở rộng mô hình

Để dự án được “nâng tầm” Cty CP Dịch vụ KH-CN Nông nghiệp Thành An đã đồng ý “tiếp sức” cho dự án: Đầu tư đặt mua dây chuyền máy móc và xây dựng đường giao thông, nhà sấy dược liệu bằng năng lượng mặt trời, nhà xưởng để chế biến tại chỗ với mong muốn sẽ khép kín chuỗi sản phẩm này để đưa ra thị trường với 2 dòng sản phẩm là trà dược liệu và trà túi lọc.

“Chúng tôi đang xin tư vấn của một số chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cây dược liệu về tên gọi của sản phẩm. Nhưng hai dòng sản phẩm hướng tới nhằm tạo sự thuận tiện cho người tiêu dùng đó là trà dược liệu và trà túi lọc. Các sản phẩm này có thể gắn với tên công ty hoặc gắn với địa danh Pù Mát, một địa danh nổi tiếng của địa phương nhằm biến cây dược liệu thành một trong những cây đặc sản của huyện nhà. Chỉ khoảng 1 tháng nữa là có thể thu hoạch đại trà, nếu quá trình chuẩn bị suôn sẻ, trong thời gian không lâu nữa, chúng tôi sẽ làm thủ tục xin cấp quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm và cho lưu hành trên thị trường”, ông Diện cho biết.

Về vấn đề đầu ra cho sản phẩm, ông Phan Xuân Diện cho biết, Cty và anh em thực hiện dự án đang có những ý tưởng hay và táo bạo: “Dây thìa canh, cà gai leo, kim ngân là những cây dược liệu có giá trị hỗ trợ điều trị một số bệnh như tiểu đường type 1 và type 2, giúp hạ và ổn định huyết áp, mỡ máu (dây thìa canh); bảo vệ phục hồi tế bào gan, hạ men gan, tăng cường chức năng gan trong các trường hợp suy giảm chức năng gan do viêm gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan B, giải độc rượu bia (cà gai leo); thanh nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt, mề đay, lở ngứa ban sởi, tả, lỵ (kim ngân)…

Thực tế cho thấy, đối tượng sử dụng các loại dược liệu này đang có xu hướng tăng. Chúng tôi đang có ý tưởng sẽ xin mở gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm ở Bệnh viện Nội tiết tỉnh hay ít ra cũng ở gần khu vực bệnh viện; nếu đủ điều kiện sẽ tổ chức cấp miễn phí cho một số đối tượng, đối chứng với những người không sử dụng sản phẩm để thấy giá trị của việc sử dụng các loại dược liệu này. Và trong tương lai, chúng tôi sẽ thành lập ở mỗi huyện một nhóm bán hàng. Những tài liệu khoa học nói về giá trị của những loại cây dược liệu này cũng sẽ được cung cấp, tư vấn miễn phí cho khách hàng”.

+ Lộc Văn Ngọc cho biết thêm, dù dự án mới triển khai được 1 năm, sản phẩm chưa nhiều nhưng hiện nay đã có rất nhiều người trên địa bàn huyện Con Cuông đặt vấn đề để mua thường xuyên sản phẩm qua sơ chế từ dự án. Hiện Cty đang nhân giống từ cây đầu dòng để sắp tới triển khai tại xã Thạch Ngàn có tổng diện tích 3ha, các hộ dân đã được tập huấn công tác trồng và chăm sóc, thu hoạch, sơ chế 3 loại cây dược liệu trên.

+ Ông Phan Xuân Diện, Phó phòng NN-PTNT huyện Con Cuông: “Kim ngân, cà gai leo, dây thìa canh là những cây dược liệu thích ứng rộng, dễ trồng, dễ chăm bón, đầu tư ít. Với giá bán qua sơ chế từ 70 - 120 nghìn đồng/kg mỗi loại, với năng suất bình quân 10 - 11 tấn/ha/năm, thời gian lưu gốc trên 3 năm, những loại cây dược liệu này có thể đem về cho đồng bào số tiền trên dưới 100 triệu đồng/ha/năm. Đây là số tiền không nhỏ ở vùng dân tộc, miền núi. Dự tính, đến năm 2020, diện tích các cây dược liệu này sẽ phát triển lên khoảng 15 - 20ha”.

 

Theo Văn Dũng/nongnghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập283
  • Hôm nay80,585
  • Tháng hiện tại785,698
  • Tổng lượt truy cập90,849,091
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây