Từ dám nghĩ, dám làm…
Dù còn trẻ tuổi nhưng anh Mạnh đã thử sức làm giàu với khá nhiều nghề. Trước khi theo đuổi và gây dựng nên trang trại thỏ, gia đình anh chỉ biết trồng trọt. Do thời tiết diễn biến thất thường khiến cho việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, anh Mạnh đã chuyển đổi, từ trồng trọt sang chăn nuôi.
Anh Nguyễn Quốc Mạnh bên trang trại thỏ của mình. Ảnh: Trần Hoa
"Hiện nay số lượng trang trại thỏ ở đây rất ít, gần đây hầu như không có. Tôi vừa nuôi để bán thỏ thịt, vừa nhân đàn để cung cấp giống ra thị trường nên đầu ra khá ổn định. Thỏ nuôi lấy thịt được nhiều nhà hàng đặt mua với số lượng lớn, các con giống được nhiều hộ gia đình và trang trại đặt mua”. Anh Nguyễn Quốc Mạnh |
Khởi nghiệp, năm 2013 anh mở quán cà phê sân vườn. Đây là hình thức kinh doanh mới mẻ ở nông thôn nên thời gian đầu khách đông và thu nhập khá. Cùng với việc kinh doanh cà phê, anh Mạnh kết hợp nuôi thêm thỏ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Nhưng càng nuôi thỏ, anh như bị con vật này “mê hoặc” nên dần dần chuyển hẳn sang làm trang trại thỏ.
Nghĩ là làm, năm 2014 anh quyết định ngừng kinh doanh quán cà phê, tập trung vốn và đất đai cho việc xây dựng trang trại nuôi thỏ. “Bỏ ra hàng trăm triệu đồng lắp đặt chuồng trại, nhập loại giống tốt nhất và tìm hiểu các kỹ thuật cơ bản, nâng cao tay nghề. Lúc đầu nhiều người cũng ngăn cản, có người bảo đầu tôi có vấn đề, ở xứ gió Lào, cắt trắng này trồng trọt còn khó, huống chi chăn nuôi con vật mới chỉ có thất bại”- anh Mạnh kể lại.
Bỏ ngoài tai tất cả, anh Mạnh quyết định xây dựng trang trại bài bản. Ban đầu anh thả nuôi 50 đôi, dần dần thỏ phát triển sinh sản nhanh, đến nay đã lên đến hàng nghìn con. “Do chăn nuôi có uy tín nên nuôi được bao nhiêu tôi đều bán hết đến đó, nhiều lúc khách đặt nhiều còn không có thỏ để bán”-anh Mạnh cho biết.
… Thành triệu phú thỏ
Trò chuyện với chúng tôi, anh Mạnh hồ hởi, hay cười, hay chuyện và tỏ ra hiểu nghề, đặc biệt là toát lên trong con người này một nghị lực phi thường dám làm, dám chịu. Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại thỏ của gia đình, anh Mạnh cho biết: Thỏ là loài vật rất dễ nuôi, không kén thức ăn, chủ yếu là cám, rau, cỏ, lá cây... toàn những thứ rất dễ kiếm. Thời gian sinh trưởng của thỏ ngắn, thời gian nuôi khoảng 3 - 3,5 tháng sẽ đạt trọng lượng để lấy thịt; khoảng 5,5 - 6 tháng thỏ bắt đầu sinh sản.
Một năm thỏ cái đẻ 6 - 7 lứa, mỗi lứa 6 - 7 con. Nuôi thỏ thu hồi vốn nhanh, phù hợp với khả năng của nhiều gia đình. Tuy nhiên, để chăn nuôi thỏ thành công cần phải nắm vững các yêu cầu về kỹ thuật nuôi, cách chọn giống, làm chuồng trại, chuẩn bị thức ăn, công tác vệ sinh phòng bệnh...
Chia sẻ về phương pháp phòng, trị bệnh cho thỏ, anh Mạnh cho rằng: “Bên cạnh bệnh viêm mắt thì bệnh nấm da hay nấm tai thỏ cũng là một bệnh lý rất hay gặp trong quá trình nuôi, đặc biệt là ở những thỏ con sau khi cai sữa. Bệnh phát sinh do môi trường ẩm thấp, thiếu ánh sáng mặt trời hoặc do chuồng nuôi đã tích trữ sẵn ổ mốc từ trước và sẽ phát triển nhanh chóng vào mùa mưa. Không những thế, thể bệnh này còn lây lan với tốc độ rất nhanh, chỉ cần một ngày là đã có thể lây lan từ một con ra toàn chuồng và sẽ khiến thỏ chết vì gầy yếu do bệnh kéo dài.
Biểu hiện bệnh nấm da ở thỏ là các chấm tròn nhỏ màu trắng. Ban đầu, những chấm tròn này sẽ xuất hiện ở tai, ở mắt rồi dần lan rộng ra các vùng khác như chân, đùi, đầu, bụng và hai bên sườn của thỏ. Vì bệnh có tốc độ lây nhanh, chỉ trong vòng một ngày nên ngay khi phát hiện, người nuôi cần phải cách ly toàn bộ thỏ bị bệnh, sau đó điều trị kết hợp tiêm và bôi thuốc, đồng thời tiến hành vệ sinh chuồng bằng cách rắc vôi bột hoặc phun thuốc foormon, chống ẩm mốc và tăng cường ánh sáng. Cùng với đó, bà con chú ý kết hợp bôi và tiêm thuốc cho thỏ. Cụ thể, bà con nên bôi thuốc nấm lên các vùng da xuất hiện chấm tròn màu trắng, bôi 1 lần/ngày, liên tục trong khoảng 4 – 5 ngày. Đồng thời, người nuôi tiến hành tiêm một loại thuốc có chứa thành phần lvermectin với liều lượng 1cc/ 0,7kg/thỏ để điều trị bệnh nấm da sẽ rất hiệu quả.
Thời tiết thuận lợi, nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương (rau khoai lang, củ cải, lá vông, cỏ sữa, cám...), nên thỏ của anh Mạnh phát triển rất tốt. Sau hơn 3 năm, vừa nhân đàn, vừa bán con giống anh Mạnh đã có đàn thỏ lên đến hàng nghìn con. Thỏ giống được anh Mạnh bán thường xuyên, cứ mỗi cặp giá trên dưới 200.000 đồng; thỏ thịt bán ra với giá trên dưới 120.000 đồng/kg, trung bình mỗi tháng anh Mạnh có nguồn thu hàng chục triệu đồng.
Nói về dự định trong thời gian tới, anh Mạnh cho biết thêm: Thấy đầu ra của thỏ thương phẩm ổn định nên anh đang mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi thêm 500 con nữa, nhằm cung cấp cho thị trường. Đồng thời, tăng cường nuôi thỏ sinh sản để cung cấp nguồn giống cho bà con nông dân có nhu cầu nuôi. Những ai tới mua con giống đều được anh Mạnh hướng dẫn cách làm chuồng trại, cách chăm sóc và truyền đạt những kinh nghiệm mà mình có được trong thời gian qua. Nhờ vậy, nên thỏ giống của anh Mạnh cũng tìm được đầu ra khá ổn định.
Với thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm, anh Nguyễn Quốc Mạnh được xem là người tiên phong mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi thỏ thành công, trở thành thanh niên làm giàu điển hình ở địa phương và cũng là mô hình mẫu để nhiều thanh niên trong và ngoài huyện đến học hỏi kinh nghiệm làm giàu.
Đây là mô hình trang trại mới phát triển ở nhiều vùng nông thôn hiện nay và đem lại thu nhập khá cao.
Tác giả bài viết: Trần Hoa
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã