8x làm giàu với 2 sào đất cát
Xuất thân trong gia đình nghèo, học đến trung học phổ thông thì phải nghỉ để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, Hoàng Quý Dương, sinh năm 1982 ở Ninh Thuận trải qua rất nhiều nghề nhưng thu nhập vẫn bấp bênh. Năm 2007 anh quyết định chọn con đường xuất khẩu lao động với mong mỏi cuộc sống gia đình sẽ khấm khá hơn.
Khi trở về nước, thời gian đầu anh cũng không biết nên làm giàu với nghề gì vì bằng cấp không có. Mặt khác, đất đai của gia đình lại khiêm tốn, chủ yếu là đất thịt pha cát nên Kinh doanh hay chăn nuôi gì cũng khó. Mày mò tìm hiểu một thời gian, anh Dương biết được cây nho nếu canh tác tốt sẽ phù hợp với chất đất này, mức sinh lời khá cao lại không tốn nhiều diện tích, nên quyết định thử nghiệm ngay trên 2 sào đất (2.000m2), theo thông tin trên báo VNExpress.
“Với số vốn 150 triệu đồng, tôi bắt đầu mua cây giống, cải tạo đất và trang bị cho mình một cái máy tính để học hỏi kinh nghiệm từ trên mạng”, anh Dương nói.
Theo anh Dương, thông tin trên mạng nhiều nhưng không phải cách thức nào cũng phù hợp với khu vườn của anh. Vì thế anh đã phải tiến hành thử nghiệm rất nhiều lần để cho ra kỹ thuật chăm sóc cũng như bón phân phù hợp nhất. Thế nhưng, vụ đầu tiên anh chỉ thu được chưa đến một tấn nho nên không có lời. Sang vụ thứ 2 và 3, sản lượng cũng không đáng kể nên áp lực càng đè nặng.
Sau nhiều ngày tìm hiểu thông tin và phân tích, anh nhận thấy, nếu cây không đủ chất dinh dưỡng sẽ khó phát triển, mà thừa thì chất lượng cũng không cao nên tiến hành điều chỉnh lượng phân bón. Đồng thời, tùy từng đợt khí hậu, vụ mùa mà anh chăm sóc với chế độ khác nhau. Nhờ vậy, sang vụ thứ tư năng suất tăng gấp ba so với thời kỳ đầu, chất lượng trái của vườn anh cũng đã cải thiện rõ rệt, thu được tổng cộng 4 tấn trị giá 170 triệu đồng. Riêng vụ Đông Xuân vừa rồi, anh Dương thu được 6 tấn và nhận về 240 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí anh lãi 150 triệu đồng.
“Thông thường một năm thu được gần 3 vụ, trong đó vụ Đông Xuân cho năng suất cao nhất. Nếu không bị tác động bởi thời tiết, mỗi năm tôi đạt doanh thu khoảng 350 triệu đồng, lãi 250 triệu đồng chỉ trên 2 sào đất”, Dương nói.
8X thu nhập nửa tỷ/năm từ cây quý
Theo thông tin từ báo Dân trí, anh Nguyễn Ngọc Tú (34 tuổi) là cái tên khá quen thuộc với người dân thôn Quang Ngoại vì đã tiên phong tạo dựng mô hình kinh tế độc đáo: trồng và nhân giống cây dược liệu.
Tốt nghiệp phổ thông, anh Tú khăn gói xuống Hà Nội tìm kiếm việc làm. Lăn lộn đủ nghề để kiếm sống song công việc vất vả mà thu nhập không đáp ứng được cuộc sống, anh quyết định trở về quê hương.
Anh đến với cây dược liệu rất tình cờ, như cái duyên tiền định. Ông nội và chú anh làm nghề thầy thuốc nên có người tìm đến hỏi mua những cây dược liệu về chữa bệnh. Tuy nhiên, không phải lúc nào ông nội và chú anh cũng đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Nhận thấy sự bất cập trong cung cầu, anh đã nảy ra ý tưởng ươm trồng cây dược liệu quý và từ đó, mô hình phát triển kinh tế từ cây dược liệu đã ra đời.
Khi mới khởi nghiệp, anh Tú cũng gặp phải vô vàn khó khăn nhưng bằng nghị lực của bản thân, vào năm 27 tuổi, anh Tú sở hữu 70 các loại cây dược liệu khác nhau như: kim tiền thảo, hà thủ ô, cam thảo, ba kích… và một số cây dược liệu quý được ghi trong sách đỏ như: kim ngân hoa, khôi nhung, chè hoa vàng…
Mô hình trồng và nhân giống cây dược liệu do anh Tú tạo dựng đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường cây dược liệu. Với tổng diện tích đất gần 1 héc-ta, anh Tú sử dụng 3000 mét vuông làm nhà lưới ươm giống, diện tích còn lại anh sử dụng trồng cây dược liệu. Tổng thu nhập hàng năm từ vườn trồng và ươm giống cây dược liệu của anh lên đến 500 – 600 triệu đồng.
8x treo bằng đại học, lên núi làm trang trại thu 7 tỷ
Mạc Tuấn Hải sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả ở Hà Nội. Bố Hải mất sớm. Mẹ anh gồng gánh nuôi hai chị em ăn học.
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp, anh về làm cho một công ty nghiên cứu thị trường của Singapore. Tình cờ trong một lần khảo sát dự án của một công ty xe máy về mức sống của người dân ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội), anh được gặp nhiều hộ nông dân chăn nuôi lợn thành công. Tiếp xúc với họ, anh khá bất ngờ vì có những người chỉ học hết lớp 4 nhưng làm trang trại giỏi, thu hàng trăm triệu mỗi năm.
Sẵn máu kinh doanh, anh quyết định xin rút khỏi dự án đang làm dở và ấp ủ làm trang trại chăn nuôi gà, lợn. Đam mê làm giàu bằng nông nghiệp, chàng trai Hà thành “xách ba lô lên và đi”. Được sự tư vấn từ cô ruột, Hải dừng chân tại xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc để bắt đầu hành trình “biến đồi hoang thành trang trại”.
Thời gian đầu, do kinh nghiệm còn ít nên Hải gặp nhiều khó khăn về quay vòng vốn. Anh tập trung phát triển hệ thống bán sản phẩm online nhưng không hiệu quả. Sản phẩm xuất ra không phù hợp với thị trường. Giống gà Dabaco nếu kéo dài thời gian nuôi sẽ bị nặng cân. Trong khi đó, thị trường ở Hà Nội chuộng gà già, cân nặng vừa phải. Chính vì vậy, sau hơn 1 tháng, Mạc Tuấn Hải xuất toàn bộ gà cho thương lái và chốt lỗ 400 triệu.
Khó khăn không làm chàng kỹ sư cơ khí nhụt chí. Anh tiếp tục đầu tư mạnh vào nuôi gà với số vốn lên đến 2 tỷ đồng. Lần này, Hải chọn gà ri Hải Phòng làm giống chuẩn và thực hiện chặt chẽ quy trình chăn nuôi. Nhờ đó, chất lượng gà của Hải tốt hơn, được nhiều đại lý và nhà hàng tin dùng.
Theo báo Vietnamnet đưa tin, hiện trang trại của Mạc Tuấn Hải chia thành 3 nhánh kinh doanh gà thịt, gà đẻ, lợn sạch. Tổng đàn ước tính khoảng 7.000 con gà, 2.000 con lợn. Trung bình, mỗi ngày, trang trại xuất ra thị trường khoảng 30-40 con gà, 100 kg thịt lợn. Doanh thu mỗi năm từ trang trại của anh ước đạt 7-8 tỷ đồng. Trừ chi phí thức ăn, giết mổ, vận chuyển, đóng gói, trả nhân viên..., mỗi năm anh thu về 600-700 triệu đồng lợi nhuận.
Theo Cung Linh/vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã