Ông Bùi Văn Nhi và những con gà chọi Bình Định đang chờ xuất bán.
Thoát nghèo, làm giàu từ gà chọi
Nắm bắt nhu cầu gà chọi thương hiệu Bình Định, vài năm gần đây, trên địa bàn huyện Tuy Phước và TP.Quy Nhơn nở rộ phong trào gây nuôi sinh sản, cung cấp giống gà chọi.
Xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước có gần 400 hộ chuyên nuôi, huấn luyện gà chọi để bán cho khách hàng từ khắp mọi miền đất nước. Đơn cử như hộ ông Bùi Văn Nhi hiện có 50 con gà mái sinh sản và hơn 80 con gà trống ở độ tuổi 8 tháng đến 1,5 năm, đã huấn luyện thành thục đang chờ xuất bán. Trong vườn đã quây kín, lốc nhốc những con gà trống choai to cao lộc ngộc, đầu công, mình cốc, mào hoa dâu, mào hoa hồng, cùng rướn cong cần cổ gáy ồ ồ trong những chiếc lồng thép hoặc ô chuồng trên bủa lưới thép cao chót vót. Dưới chân lũ “thần kê” này mang một thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm cho bất kỳ kẻ thách đấu nào: dàn cựa khủng to tổ bố, đâm xiên nhọn hoắt.
Ông Nhi cho biết, mỗi năm ông xuất bán ra thị trường 150-200 con gà chọi đã huấn luyện thành thục, đạt doanh thu khoảng 500-700 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Giá bán của mỗi con gà tùy thuộc vào khả năng thi đấu, ngoại hình và sự mặc cả giá với khách hàng, thường dao động từ 3 - 10 triệu đồng/con. Những con thuộc hàng “linh kê dị tướng”, có thế đá hóc hiểm, được khách hàng từ tận Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên vào tìm mua, sẵn sàng trả giá 10-15 triệu đồng. Giống gà chọi Bình Định có thân thể cao lớn, con trống trưởng thành đạt trọng lượng 3,5 - 5 kg. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dưỡng và huấn luyện gà, người ta thường khống chế khối lượng của gà trống thi đấu ở khoảng 3 - 3,8kg để gà phát huy tốt nhất các đòn đá hay.
Quy trình nuôi gà chọi rất khe khắt, gà trống từ 4 tháng tuổi phải nhốt riêng mỗi con một ô, không cho các con trống thấy mặt nhau để tránh mổ và đá bậy. Khi gà đã gáy rõ tiếng thì bắt đầu cắt lông ở các vùng đầu, cổ, ức, đùi nhằm bộc lộ da ở các vùng này; đồng thời cắt tai, tích. Cho gà đá thử vài trận, xem con nào có khả năng đá hay thì giữ lại huấn luyện tiếp, còn không thì bán thịt. Con gà trống nào có ngoại hình tốt, tính tình hung hăng thì được đưa vào huấn luyện, trong quá trình này tiếp tục chọn theo các tiêu chí: có khả năng chịu đòn, gan lì, luyện tập và thi đấu bền bỉ, có thế đánh hay, đòn đá đẹp và hiểm, khả năng tránh đòn. Tỷ lệ gà được huấn luyện thành công và trở thành gà thi đấu là rất thấp, chỉ đạt dưới 20% so với tổng số gà trống lúc nở ra.
Kể về quy trình luyện gà, ông Nhi cho hay, rất công phu với các bí kíp: quần sương, xát nghệ, dầm cẳng. Hàng ngày phải quần sương (cho gà vận động vào sáng sớm). Khâu xát nghệ là dùng nghệ giã nhỏ, hoà với rượu, nước trà, nước tiểu trẻ con xát vào vùng da đã cắt lông trong vòng 3 tháng để cho da dày lên nhằm tăng khả năng chịu đòn và giảm thương tích khi thi đấu. Dầm cẳng là trước khi thi đấu 1 tháng, gà được cho ngâm chân trong hỗn dịch nghệ, muối, nước tiểu để cứng chân.
Đối với gà mái, từ khi nở ra, lớn lên, con nào có ngoại hình thể chất khoẻ mạnh, tính khí hung dữ và có một số đặc điểm ngoại hình tốt sẽ được giữ lại làm mái sinh sản. Gà mái giống chọi Bình Định sinh sản rất kém, mỗi năm chỉ đẻ 14-16 quả trứng, bởi vậy với 50 con gà mái trong đàn nhà ông Nhi, mỗi năm chỉ ấp nở được khoảng 700 gà con, trong đó chỉ khoảng 150 con gà trống choai đạt tiêu chuẩn gà chọi, còn lại là bán thịt với giá 120.000 đồng/kg.
Hai cha con ông Phạm Đình Sáu và Phạm Thanh Lịch, cũng ở xã Phước Sơn, tuy đàn nuôi không nhiều, chỉ với 10 con gà mái, mỗi năm cho ra lò 20-30 con gà trống chọi và hơn 100 con bán thịt, nhưng chủ nhà là bậc kỳ cựu về chơi gà chọi. Ông Sáu kể, hồi xưa, gà chọi chưa trở thành nghề chăn nuôi hàng hóa, ông cũng như người dân nơi đây chỉ nuôi 1-2 con để chơi cho vui. Bởi vậy, thuở đó, vợ chồng thường xuyên hục hặc, vợ hay “ghen” vì chồng chăm sóc gà kỹ quá. Chọi gà cá độ ăn tiền cũng gây tiêu hao tài chính gia đình. Nhưng nay, khi nghề nuôi gà chọi trở thành sinh kế thì cả vợ chồng, con cái cùng ham mê. Ông Sáu chia sẻ: “Gà chọi Bình Định có ý chí thi đấu mãnh liệt, đấu cho đến chết hoặc khi chủ cho hồ kết thúc chứ không bao giờ bỏ chạy trước đối thủ. Và khi một chú gà nào đó nổi hứng “sanh thế”- ra một thế mới mà ngay chủ kê cũng không biết, làm đòn hay đến mức đối thủ bỗng dưng thua ngược, thì thật là không còn hạnh phúc nào hơn. Mỗi con đá mỗi thớ. Người ta nói đấu trí và đấu cơ (kê), không chỉ ở gà đá hay, mà thắng hay bại trong mỗi cuộc đấu còn là ở cuộc đấu trí giữa những chủ gà nữa”.
Anh Phạm Thanh Lịch, con trai ông Sáu khoe: “Qua nhiều năm chọn gà, tôi đã luyện được con mắt nhìn gà. Từ một bầy gà con, sau vài tuần chăm sóc theo dõi, căn cứ vào dáng đi, vảy chân, cựa… để chọn ra những con nổi trội. Vảy gà có nhiều loại, thường gà chiến có kiểu vảy “áng thiên” (trực trời) hoặc “áng địa” (trực đất). Cựa gà rất quan trọng, quý ở những con gà có cựa “nhật nguyệt” (một cựa đen, một cựa trắng); gà tam cựa, mỗi chân có 3 cựa. Cựa gà đóng ở vị trí cao trên chân thì vứt, bởi khi đá đâm vào đầu đối phương dù có khiến bị toác đầu thì đối phương vẫn còn đá. Cựa càng đóng thấp càng tốt, để khi đá sẽ đâm vào cổ đối phương, cứa từ mang tai xuống cổ là chắc thắng”.
Bảo tồn nguồn gen quý
Cách đây vài năm, các nhà nghiên cứu ở Viện Chăn nuôi Quốc gia là Lý Văn Vỹ và Hoàng Văn Trường đã đầu tư nhiều thời gian, công sức để thực hiện đề tài “Bảo tồn và khai thác nguồn gen gà chọi Bình Định”, trong khuôn khổ tổng đề án “Bảo tồn quỹ gen vật nuôi quốc gia” của Viện Chăn nuôi Quốc gia.
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu, gà chọi Bình Định có tầm vóc to lớn, cơ bắp phát triển, xương to chắc thể hiện ở đặc điểm có sức chịu đòn khá và thi đấu bền bỉ, rất nhiều con chịu đựng được 40 hiệp đấu liên tục (mỗi hiệp dài 20 phút và thời gian giải lao giữa các hiệp là 5 phút). Các phần đầu, cổ, ngực, đùi đều rất thưa lông, nhưng hai cánh có bộ lông phát triển giúp gà có khả năng cất cao mình để tung đòn đá. Ngực gà chọi Bình Đình rộng với cơ ngực nổi rõ, tuy nhiên bụng lại rất gọn, khoảng cách giữa hai mỏm xương chậu hẹp từ 1,5 - 3cm ở gà trống. Phao câu và lông đuôi phát triển, lông đuôi có thể dài tới 30cm.
Từ cách đây hơn chục năm, Viện Chăn nuôi Quốc gia đã triển khai hỗ trợ một số gia đình ở Bình Định bảo tồn gen gà chọi. Nằm phía Tây TP.Quy Nhơn, dưới chân núi Vũng Chua thuộc phường Gành Ráng, có một nơi còn giữ nguyên vẻ hoang sơ và cách xa khu dân cư, là cơ sở chuyên nuôi gà chọi rộng 900m2 của ông Lê văn Đấu, là cơ sở bảo tồn giống gen gà chọi Bình Định. Ông Đấu cho biết, gà ở đây chính tông từ dòng Bảy Quéo nổi danh từ thời Tây Sơn Nguyễn Huệ, hiện giờ có khoảng hơn 100 con gà mái, 37 con trống với nguồn gen được quản lý nghiêm ngặt.
Theo ông Đấu, người chơi và nuôi gà chọi thường hay giấu nghề và giữ độc quyền về dòng mái. Màu sắc của gà chọi Bình Định đa dạng, có thể thuần màu hay đa màu trên một cá thể, nhưng chiếm tỷ lệ cao nhất là gà có lông màu đen tuyền (hay còn gọi là gà ô). Cùng với đó là nhiều biến thể tông màu lông: lông mã màu đỏ gọi là gà Tía; lông xám tro gọi là gà Xám; gà có màu lông giống lông chim ó gọi là gà Ó; gà có màu lông trắng toàn thân thì gọi là gà Nhạn; gà có lông 5 màu (đỏ, đen, vàng, trắng, xám) thì gọi là gà Ngũ sắc. Màu mỏ cũng đa dạng, thường thấy mỏ có màu trắng ngà, màu vàng, màu đen, màu xanh đọt chuối. “Vì mục tiêu là bảo tồn giữ nguyên giống gốc, nên không thể nhân giống hàng loạt đem bán. Tôi cho sinh sản và bán con giống ít lắm, vì nếu lai giống nhiều thì dễ hãm dòng. Trại gà được cách ly cẩn mật, để tránh gà ở ngoài vào làm nhạt nguồn gen quý. Để giữ nguồn gen, trại luôn đảm bảo có đủ số lượng gà 100 con, thừa ra mới đem bán”, ông Đấu nói.
Chu Khôi/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã