Ảnh minh họa |
Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế trang trại. Hiện Hà Nội có hơn 1.600 trang trại, trong đó có hơn 1.340 trang trại chăn nuôi, 147 trang trại kinh doanh tổng hợp, 132 trang trại nuôi trồng thủy sản;... với tổng diện tích sử dụng 3.325 ha và thu hút trung bình từ 7-9 lao động/trang trại. Đặc biệt, có nhiều trang trại đạt thu nhập từ 1 tỷ đồng đến trên 3 tỷ đồng/năm.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trong cơ cấu ngành nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản hiện chiếm tới 56,71% giá trị sản xuất, thành phố Hà Nội đã trở thành địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất toàn quốc. Đến nay, Hà Nội đã hình thành 15 xã trọng điểm về chăn nuôi bò sữa với số lượng hơn 10.800 con, chiếm 68% tổng đàn bò sữa toàn Thành phố; sản lượng sữa 72,6 tấn/ngày, chiếm 72,2% tổng sản lượng toàn Thành phố. Ngoài ra, Hà Nội có 19 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm với tổng đàn hơn 26.700 con, 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với hơn 227.300 con, 29 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm với gần 5,9 triệu con.
Ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang tập trung xây dựng và hình thành các vùng chăn nuôi lợn tập trung tại một số xã thuộc huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ; vùng nuôi lợn nái và lợn thương phẩm tại các huyện Sơn Tây, Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh...; giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư...
Điển hình tại huyện Quốc Oai, sau dồn điền, đổi thửa, huyện đã tập trung quy hoạch, phát triển kinh tế trang trại theo hướng bền vững, giúp đa dạng hóa sản phẩm nông sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Thay vì chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, nhiều gia đình đã chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn theo mô hình trang trại.
Đơn cử như xã Cấn Hữu, đã phát triển được 219 trang trại chủ yếu theo mô hình tổng hợp hoặc chăn nuôi gà. Hiện toàn xã có tổng đàn gà đẻ khoảng 60 vạn con, sản lượng trứng đạt 32 vạn quả/ngày. Trong đó, 90% hộ gia đình đầu tư chăn nuôi theo hình thức công nghiệp khép kín.
Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Nguyễn Văn Lợi cho biết, để có các mô hình trang trại như hiện nay, xã đã quy hoạch ruộng đất, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức cho cán bộ, nhân dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi. Ngoài ra, xã còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội mở các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, trang bị kiến thức chăn nuôi cho nông dân.
Tạo sức lan tỏa theo mô hình kinh tế trang trại
Để phát triển kinh tế trang trại, một trong những định hướng quan trọng hiện nay là lựa chọn mô hình phát triển phù hợp từng vùng để đầu tư hiệu quả. Do đó, Thành phố cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; hình thành các vùng trang trại tập trung với quy mô phù hợp gắn với bảo vệ môi trường; đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại, hộ gia đình được giao đất phát triển theo quy hoạch; triển khai cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại đối với cơ sở đạt tiêu chuẩn nhằm tạo điều kiện cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư vào sản xuất cũng như vay vốn để sản xuất.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, lợi ích từ phát triển kinh tế trang trại là điều khẳng định trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển kinh tế trang trại, Hà Nội nên đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tăng cường hơn nữa sự liên kết giữa các trang trại để chia sẻ kinh nghiệm và nắm bắt thông tin thị trường, nếu hình thành được hiệp hội ngành nghề sẽ tạo thêm sức mạnh. Mạnh dạn tiếp cận với công nghệ vào sản xuất, giải quyết được vấn đề này sẽ rút ngắn được khoảng cách về chất lượng và giá thành của sản phẩm...
Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; giải quyết tốt giữa khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời linh hoạt thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Ông Chu Phú Mỹ cho rằng, việc phát triển kinh tế trang trại là mô hình tốt để Thành phố nhân rộng trong chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn.
“Hiện Sở đang điều tra, khảo sát hiện trạng các mô hình trang trại, vườn trại để xây dựng phương án hỗ trợ người dân hợp lý. Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Hà Nội cũng đang đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm, hỗ trợ các trang trại, gia trại xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn”, ông Mỹ cho biết thêm.
Theo Thành Nam/Báo Chính Phủ.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã