* Sẽ rút nửa triệu nông dân khỏi đồng ruộng
Ông chủ của 11 ha đất
Sau những tháng ngày phiêu bạt lên tận miền rừng Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ buôn gỗ, có chút lưng vốn, năm 2006, Trần Xuân Lưỡng trở về quê (thôn Tây Nghĩa, xã Quang Hưng, Kiến Xương, Thái Bình) với nghề hàng xáo và làm ruộng.
Cũng như mọi hộ dân khác trong làng, nhà anh chỉ có vỏn vẹn ba sào ruộng. Trong khi cánh thanh niên rủ nhau lao vào các khu công nghiệp đang ngày một mọc lên như nấm thì anh lại quần quật với mấy thửa đất.
Mùi bùn non, mùi đất ngấu, mùi phân gio, nước giải hít mãi đâm ngấm, đâm nghiện. Xa một tí là nhớ, là thương, là chỉ muốn quay về. Suốt ngày người ta thấy anh ở trên đồng. Khi thì be cái bờ cho thật đẹp, lúc lại cào đất cho thật nhừ, bận nhặt từng cọng cỏ cho ruộng sạch, dịp tát nước, bắt sâu…
Không có việc gì anh vẫn cứ ra đồng để mà ngắm xem cây lúa lớn từng ngày, xem bông lúa biến đổi từng lúc với một tâm trạng phơi phới, háo hức hệt như chàng trai mới cưới vợ. Tận tụy đến mức con gái ở xa đổ móng nhà gọi bố ra trông anh cũng chỉ dám đi có một ngày rồi vội về với đồng ruộng.
Tháng ba ngày tám bà con trong thôn, ngoài xã thường đến mượn tiền rồi hẹn mùa sẽ trả lại bằng thóc. Thế nhưng người trả được, người không. Trong khi đó ở cuối xã có cánh đồng Lò Gạch rộng mênh mông nhưng vụ nào cũng chỉ gặt lên toàn là rơm với rạ. Cỏ có khi còn tốt hơn cả lúa.
Số là trước đây mỗi khẩu trong thôn chỉ có 1 sào ruộng, thời điểm chia lại ruộng năm 1993 đấu tranh mãi người ta mới chia thêm 0,3 sào mỗi khẩu. Mấy trăm khẩu thuộc hai thôn Tây Nghĩa và Đông Nghĩa được chia 0,3 sào đó đều nằm trên cánh đồng Lò Gạch.
Ruộng đất manh mún lại ở xa làng nên bà con chẳng muốn cấy cày, chỉ cho thuê. Nhưng cấy lúa phía trước thì ốc phá phía sau, rồi chuột bọ, rồi sâu bệnh, chim chóc khiến cho người thuê chẳng chóng thì chầy đều phải chạy tháo thân.
Thay vì bỏ tiền ra đong thóc để làm hàng xáo chi bằng thầu luôn cánh đồng Lò Gạch mà cấy, lấy thóc có phải hơn không? Ý nghĩ đó chợt nảy ra trong đầu anh Lưỡng.
Gõ cửa nhà hai ông trưởng thôn Tây Nghĩa và Đông Nghĩa, một hội nghị xã viên cấp tốc được tổ chức. Với mức sản 50kg sào/năm lại trả luôn 3 năm hay 5 năm một lần nên cả trăm cánh tay đều giơ lên một loạt. Ngay lập tức hợp đồng được ký với thời hạn thuê 10 năm cho tổng diện tích trên 11 ha. Đó là năm 2012.
Hiện trạng lúc đó đến là thảm. Những mảnh ruộng chi chít bờ vùng, bờ thửa, chỗ cao chỗ thấp, gò đống ngổn ngang, cỏ dại um tùm. Việc đầu tiên là phải san lấp mặt bằng, phá bỏ bờ con, chỉ còn bờ lớn. Người đến làm thuê ai cũng lao xao sau lưng.
Anh trấn an: “Nếu bà con sợ tôi quỵt tiền công thì cứ sau mỗi buổi làm, lên bờ là tôi trả tiền sòng phẳng”. Họ nhất loạt xua tay: “Chúng tôi không sợ nợ công mà chỉ sợ cho đồng tiền của chú bỏ phí, bỏ hoài trên cánh đồng Lò Gạch này mà thôi”.
Nghe đến đó, anh cười lớn: “Bà con yên tâm. Có chí làm quan, có gan làm giầu. Người nông dân không gắn bó với ruộng đồng thì còn biết làm gì nữa? Trời đã sinh ra ngọc thực để nuôi sống con người cũng chẳng nỡ hại tôi phải trắng tay đâu mà lo!”.
Đường lớn nối ra tận đồng. Dây điện được kéo ra tận ruộng. Do diện tích lớn nên anh tính toán phải làm đất bằng máy cày, không cấy mà gieo sạ, không gặt tay mà gặt liên hợp. Chi phí tất tật cho năm đầu tiên lên đến trên 600 triệu đồng.
Vụ xuân năm đó trời rét căm căm. Lúa sạ lên hết chuột ăn lại chim mổ, cấy dặm lại rất tốn sức. Tai ương tiếp tục thử thách con người. Vụ mùa năm đó mới sạ xong thì trời mưa sầm sập. Nhìn cánh đồng mênh mông như biển, hễ vừa bơm cạn thấy hạt thóc lòi ra vào ban ngày thì ban đêm trời lại mưa lớn khiến nước mắt anh chỉ trực trào ra.
Lúc trước vợ anh can chồng không được lao vào vụ thầu khoán này nên giờ cũng mặc kệ. Một mình anh cắm lều ăn ở tại chỗ liên tục trực máy bơm nước trong cuộc chiến không cân sức với ông trời. Bảy ngày bảy đêm liên tiếp như thế, mưa ngớt thì các hạt thóc chỗ dồn tụ, chỗ trống không, chỗ nhú mầm, chỗ đen mộng. Lại phải xoay trần xuống tận huyện Tiền Hải mua mấy chục xe mạ về cấy dặm.
Cuối cùng trời không phụ đất, yêu đất đất không phụ người, lúa cứ lên bời bời. Cán bộ đi thăm đồng thấy lúa ở khu Lò Gạch tốt quá liền dò hỏi. Thế là từ đó loa truyền thanh của xã ra rả phát chuyện mô hình cánh đồng nhà anh.
Mô hình khó nhân rộng
Vụ xuân anh thu hơn 60 tấn thóc, vụ mùa anh thu 50 tấn, vị chi năm đầu tiên đã lãi ròng 170 triệu đồng. Năm thứ hai vẫn cấy lúa lai, anh lãi tiếp 150 triệu. Thấy cấy lúa lai tuy năng suất cao thật nhưng giá bán chẳng được bao nhiêu, lại rất trầy trật trong khoản đầu ra, đến năm thứ ba anh chuyển sang hợp đồng với một công ty cấy lúa Nhật.
Giống được cấp trước mỗi vụ, chỉ phải trả 50%, đến kỳ thu hoạch trả nốt bằng sản phẩm. Quan trọng nhất là được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá bán lúa tươi 6.500-7.000đ/kg nên dự tính năm nay anh Lưỡng sẽ thu lãi được tới 200 triệu.
Thấy mô hình trồng lúa hiệu quả, người ta kéo ùn ùn đến tham quan. Nghe anh kể ai cũng trầm trồ nhưng rồi ngẫm đi ngẫm lại lại quầy quậy lắc đầu. Một mô hình không thể nhân rộng được bởi lẽ không bao giờ có một quỹ đất tập trung rộng hàng chục héc ta như thế ở bất kỳ xã nào nữa. Một số nơi, một số cá nhân có thể thuê 3-4 mẫu của bà con nông dân để sản xuất nhưng lại ở rải rác, không cùng một cánh, một thửa.
Chính anh Lưỡng cũng thừa nhận với tôi rằng đó quả thực là một cơ duyên trời cho. Nhờ cơ duyên đó anh mới bõ công, bõ sức đầu tư, mới đưa được máy móc lớn xuống ruộng đồng giảm giá thành sản xuất. Tự làm đất bằng máy chỉ mất 30.000-40.000đ/sào bằng 1/3 giá ngoài; tự sạ sẽ rẻ bằng 1/3 so với công cấy và mỗi ngày một công có thể sạ 6-7 sào, gấp 6-7 lần so với cấy; tự gặt bằng máy rẻ bằng ½ phải thuê: tự phun thuốc bằng máy rẻ được gần nửa so với phun bình bằng tay… Rồi vật tư, phân gio, giống má mua sỉ đều rẻ hơn hẳn mua lẻ.
Cả huyện Kiến Xương hiện mới chỉ có khoảng dăm trang trại chuẩn vì kiếm được một thửa đất đủ rộng là rất khó. Chuyện tích tụ chủ yếu trông chờ vào quỹ đất công nhưng hiện nay quỹ này của các xã rất hạn hẹp. Trông vào đất ruộng của dân còn khó hơn cả chuyện bắc thang lên trời.
Đã có một số doanh nghiệp muốn về Kiến Xương thuê đất làm nông nghiệp nhưng sau khi hội ý với dân “chín người, mười ý” đã đành đằng này cả trăm, cả ngàn người thì không biết bao nhiêu ngàn ý? Bởi thế mà họ ra đi trong tư thế đầu không ngoảnh lại.
Chị Nguyễn Thị Mai – Phó phòng Nông nghiệp huyện cho rằng, tích tụ đất đai phải chờ đợi đến thế hệ 8X, 9X chứ độ tuổi 40-50 hiện nay phần đa vẫn kiên quyết giữ đất đến cùng. Mà đợi biết bao giờ đến lượt thế hệ 8X, 9X ấy thay bố mẹ chúng tự quyết được?
Hãy truy cập tinnongnghiep.vn để cập nhật những tin tức nóng hổi nhất về thị trường nông nghiệp Việt Nam!
Nguồn: Theo Dương Đình Tường – Báo Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã