THẦY GIÁO TRỞ THÀNH
NÔNG DÂN SẢN XUẤT GIỎI
BP - Mới hơn 8 giờ sáng nhưng cái nắng ở vùng biên khá gắt. Chúng tôi được ông Vũ Xuân Hinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa dẫn tới thăm vườn nhà ông Trần Minh Chánh ở tổ 3, ấp 6, một nông dân làm kinh tế giỏi nhiều năm liền. Mặc dù đang sở hữu 21 ha đất nhưng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi gặp ông. Đúng là một nông dân thực thụ không giống như lời giới thiệu là “đại gia” vùng biên.
Năm nay giá cao, ông Chánh dự tính sẽ thu lớn từ 10 ha mít
Nhâm nhi ly trà Bắc, ông Chánh chậm rãi kể về đời mình cho chúng tôi nghe. Ông sinh năm 1956 ở TP. Hồ Chí Minh. Năm 1976, ông học lớp quản lý giáo dục tại Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, sau đó về xã Bom Bo (Bù Đăng) dạy học. Đến năm 1987, ông chuyển về huyện Lộc Ninh công tác. Sau một thời gian, nhận thấy đất ở Lộc Hòa màu mỡ nên ông quyết định nghỉ dạy học và bàn với gia đình bán toàn bộ tài sản mua 21 ha đất canh tác.
“Khi đã có đất sản xuất, tôi tìm hiểu thổ nhưỡng, khí hậu và chọn trồng hai loại cây là mít Thái lá bàng và tiêu. Hiện với 10 ha mít trung bình mỗi năm gia đình tôi thu 400 tấn, trừ chi phí lời hơn 1 tỷ đồng. Gia đình còn trồng 8.000 nọc tiêu và nuôi 40 con dê để tận dụng nguồn thức ăn có sẵn và lấy phân bón cho cây trồng” - ông Chánh nói.
Chúng tôi hỏi tại sao ông lại bỏ nghề giáo để gắn bó với vườn rẫy, ông Chánh cười đáp: “Tôi yêu nghề nông, muốn được sống gần gũi với thiên nhiên và làm giàu từ nông nghiệp”. Mỗi năm gia đình ông Chánh thu hơn 1,5 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Ông Vũ Xuân Hinh cho hay: Không chỉ sản xuất giỏi, ông Chánh còn thường xuyên tham gia hoạt động xã hội của địa phương, tích cực ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới; bán thiếu hoặc giúp người nghèo trong xã dây tiêu giống... Mới đây, ông hỗ trợ xã 37 triệu đồng xây nhà tình thương.
GIÀU NHỜ CHĂM CHỈ
Vợ chồng bà Hà Thị Vui ở tổ 4, ấp 7 đều là cựu chiến binh. Hoàn cảnh khó khăn, ông bà từ tỉnh Hà Nam vào Lộc Ninh lập nghiệp năm 1989 với số vốn ít ỏi. Ban đầu, với 5 sào đất vừa làm nhà vừa trồng trọt nhưng chỉ sau một thời gian, gia đình bà không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giàu, trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh 5 năm liền.
Dẫn chúng tôi đi thăm 5 ha tiêu của gia đình, bà Vui chia sẻ: “Đây là thành quả của cả một quá trình miệt mài lao động, không quản ngại gian khó của vợ chồng tôi. Ngày trước, hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi phải vừa làm vườn nhà vừa đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Sau một thời gian dành dụm, chúng tôi mở rộng diện tích và đến nay gia đình đã có 5 ha đất sản xuất”.
Hiện gia đình bà Vui trồng hơn 5.000 nọc tiêu và nuôi 100 con dê vừa sinh sản vừa bán thịt. Mỗi năm gia đình bà thu gần 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Chia sẻ về cách làm giàu, bà Vui nói: Cả gia đình đã nỗ lực rất nhiều trong lao động và sản xuất, chịu khó học hỏi, cần cù, không trông chờ, ỷ lại...
Gặp hai hộ tỷ phú vùng biên, chúng tôi ngưỡng mộ và nhận thấy dù gắn bó với nghề giáo cao quý hay trở thành một nông dân bình dị thì điều quan trọng với họ là luôn nỗ lực vượt khó để cải thiện cuộc sống, làm giàu trên quê hương thứ hai. Mong sao trên tuyến biên giới của tỉnh có nhiều người như thế để đánh thức tiềm năng, làm giàu cho bản thân, đồng thời góp phần giữ vững phên dậu Tổ quốc.
Theo Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã